'Ét – vê' đi học chứng khoán 'chui'

'Ét – vê' đi học chứng khoán 'chui'
TP - Một năm trở lại đây cơn sốt chứng khoán đã kéo cả giới sinh viên vào cuộc. Trước khi lên sàn, các “ét vê” rủ nhau đi học chứng khoán “chui”, điều này đang dần trở thành một phong trào của SV.

Tôi cũng thử học chui một tuần ở lớp chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, và ghi nhận được nhiều điều lý thú.

Nhập cuộc bằng ngoại hình già hơn một tí

Các lớp chứng khoán có mức học phí trung bình 1 triệu đồng/khoá, học trọn vẹn cả ba khoá học (cơ bản, phân tích, luật) cũng mất hơn 3 triệu đồng.

“Mức phí ấy phần lớn dân “ét vê” bọn mình không theo được. Nhưng muốn học bài bản, muốn có kiến thức, cũng đánh liều thử vào học chui xem sao.

Nhất là sau khi được một bà chị đang học một lớp ở Ủy ban Chứng khoán nhà nước tư vấn bảo cứ đến học, và làm cho mình già đi một tí, ăn mặc lịch sự giống công sở một tí, lớp có điểm danh nhưng không vấn đề gì”. Trần Văn Thắng- ĐH Xây dựng chia sẻ.

Tôi hỏi tại sao lại phải làm mình già đi, phải ăn mặc chỉn chu hơn như thế. Thắng cười, vì đi học lớp này đa phần là những người đã đi làm ở các ngân hàng hay các công ty chứng khoán... mình không muốn nổi bật trong lớp với cách ăn mặc của “ét ve”.

“Chẳng lẽ lớp này không có sinh viên học sao?”. Thắng bảo rất ít, có nhiều lớp không có. Nhưng học chui như mình ít nhất cũng có khoảng 4-5 người một lớp. Với cách nghĩ ấy, nên ngày nào Thắng cũng đến lớp chứng khoán rất sớm với trang phục quần âu, áo sơ mi trắng nhìn rất đứng đắn, lại thêm quả đầu vuốt keo bóng lộn.

Đúng như bà chị Thắng nói, lớp điểm danh không khắt khe gì, đã vào ngồi trong lớp rồi thì cứ vô tư mà học. Hình thức điểm danh chỉ là đếm đầu người đang có mặt trong lớp và phát phiếu ghi tên điểm danh.

Thế nên, người không đăng kí học như Thắng mà ngồi ở lớp hôm đó thì vẫn nhận được một phiếu điểm danh. “Nhận phiếu, mình cho người ngồi bên cạnh, anh ghi tên của bạn anh vắng mặt hôm đó vào phiếu, cả hai mỉm cười với nhau, qua một ngày điểm danh không vấn đề gì”- Thắng hồ hởi kể.

Và các ngày tiếp theo của khoá học cũng như thế. Tôi ngồi đó cũng nhận được một phiếu, và tất nhiên, có người mừng rỡ khi được tôi cho phiếu ấy.

Khảo sát qua một vòng mấy lớp chứng khoán, tôi nhận thấy đa phần sinh viên “chui” ở lớp của Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Lớp của trường ĐH Kinh tế quốc dân mở thì khó “chui” hơn vì có kiểm tra và bấm lỗ thẻ điểm danh ngay từ cửa.

 “Với những lớp như thế, bọn mình lại mượn thẻ của các anh chị học thôi, họ qua vòng kiểm soát rồi thì tuồn thẻ ra ngoài cho mình, hơi phức tạp nhưng cũng Ok, đi học gần hơn so với lớp của Ủy ban Chứng khoán”. Vũ Thị Du (ĐH Ngoại thương) tâm sự.

“Nhìn chung là SV có lợi, vì được kiến thức, nếu bị phát hiện mình cũng không bị đuổi ra khỏi lớp học, thầy vẫn cho học bình thường”- Du nói thêm.

Muốn có kiến thức chứng khoán nhưng lại không có tiền để đăng ký vào lớp học thì cách học chui ít rủi ro ấy đã thoả mãn được phần nào nhu cầu của nhiều sinh viên. Giới SV truyền tai nhau, và rủ nhau đi học chứng khoán chui đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

“Chui” vẫn phát biểu như thường

Ngược hẳn với tâm lý đi học “chui” thì rụt rè, khép mình một góc và chỉ ngồi lắng nghe bài giảng, nhiều SV học “chui” chứng khoán tôi gặp đều tỏ ra mạnh dạn, đứng lên hỏi thầy khi thấy không hiểu và thắc mắc một vấn đề gì.

"Sinh viên học chui tôi đều biết, vì chỉ cần nhìn mặt các em là tôi đoán liền. Nhưng tôi vẫn làm ngơ, các em ham học thì cứ để cho các em học thôi"     

Thầy Tôn Tích Quý- Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo chứng khoán- Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết

“Đã vào lớp ngồi học rồi thì tất cả đều như nhau, mình có thể đưa thắc mắc để thầy giải đáp, và hiểu rõ vấn đề hơn. Vì tự tin trao đổi như thế nên chẳng ai nghĩ mình học “chui”- Ngọc một SV học “chui” cười kể lại.

Có hôm học lớp phân tích kỹ thuật, anh bên cạnh nhấp nhổm muốn hỏi thầy nhưng còn ngại, mình đứng lên hỏi luôn. Tại sao chỉ số P/E (chỉ số giá trên thu nhập của một cổ phiếu) của các công ty Việt Nam lại cao quá mức như thế, trong khi điều đó là phi thực tế ở các thị trường chứng khoán nước ngoài?

Hay tại sao việc ứng dụng phân tích kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán lại ít hiệu quả ở Việt Nam... những câu hỏi ấy của SV học “chui” và sự trao đổi qua lại làm cho lớp học thêm sôi động.

“Đi học “chui”, mình biết thêm được nhiều thứ đặc biệt là phần phân tích kỹ thuật, ở trường chỉ được học phân tích cơ bản thôi và hơn nữa được nghe thầy giáo phân tích thị trường và dự đoán phiên tiếp theo, thấy rất hứng thú, dù có phải đi học khá xa, hơi ngại vì học “chui” nhưng mình vẫn tới lớp đều đều”- Minh (ĐH Kinh tế quốc dân) chia sẻ.

Chính vì việc học “chui”, nhiều SV đã có kiến thức và mạnh dạn lên sàn kiếm cơm.

MỚI - NÓNG