Game và nước mắt học trò

Game và nước mắt học trò
Bị cáo đứng trước vành móng ngựa, co ro trong chiếc áo trắng học trò trông thật tội nghiệp. Phiên tòa sơ thẩm ngày 28/3/2007 tại Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xử vụ “phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”, bị cáo là Quân, một học trò tuổi 17.
Game và nước mắt học trò ảnh 1
Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ.

Mẹ của Quân, một người phụ nữ nông dân lam lũ tên Trương Thị Nâu, đến dự phiên tòa với tư cách là giám hộ của bị cáo. Bà năn nỉ: “Cô đừng chụp hình nó đứng trước vành móng ngựa, tội nghiệp nó lắm!”.

Người mẹ nghèo năm tháng dãi dầu nắng mưa trên 3 công ruộng nuôi con ăn học, một đứa học xong lớp 11, chọn con đường phục vụ binh nghiệp khi đăng ký nghĩa vụ quân sự, làm bà hãnh diện với xóm làng. Niềm hạnh phúc như nhân đôi khi cậu con út tên Quân vào cấp III.

Nhà xa trường gần 10km, để tiện việc học thêm, Quân ở trường từ sáng đến chiều mới về. Rồi một ngày khi đang quần quật trên đồng, vợ chồng bà như bị sét đánh khi nghe hung tin về thằng con mà mình đinh ninh đang dùi mài kinh sử bị bắt vì tội trộm cắp dây điện.

Xin tòa giảm tội để con đi học lại...

Hè năm 2006, Quân sa vào cơn ghiền game online. Để có tiền bấm “chuột” liền tay, Quân nói dối mẹ là xin tiền học thêm. Người mẹ tưởng thật, tăng thời gian làm cỏ mướn, cuốc thuê nhưng số tiền đó không đủ cho nhân vật ảo của Quân làm lộ phí chu du trên “nét”. Rồi một lần, Quân nghe lời bạn xấu rủ kiếm tiền bằng cách cắt dây cáp đồng tiếp đất ở các trụ điện.

Sau đó với một cái kềm, một túi vải, Quân trèo lên cắt dây tiếp đất bán cho vựa thu mua phế liệu với giá 80.000đ/kg. Thực hiện bốn vụ trộm bán được 1.430.000 đồng, đến vụ thứ năm, Quân bị bắt (ngày 18-8-2006).

Trước tòa, bị cáo nhận đã cắt trộm tổng cộng 43 sợi dây cáp đồng tiếp đất của 36 trụ điện trung và hạ thế, trên 12 tuyến đường dây điện thuộc địa phận huyện Cái Bè, làm thiệt hại cho ngành điện lực 15.881.835 đồng.

Chủ tọa xót xa: “Nhiều đứa trẻ không được học hành đến nơi đến chốn, còn bị cáo được cha mẹ lo chu đáo như vậy, tại sao không lo học hành, lại sa đà vào trò chơi dẫn đến phạm tội?...”. Bị cáo gục đầu khóc.

Vị luật sư bào chữa đưa ra nhiều nguyên nhân: tuổi mới lớn hãy còn nông nổi, thiếu suy nghĩ, đi học xa dễ bị hư hỏng...

Khi được nói lời cuối cùng trước lúc tòa nghị án, Quân mếu máo: “Con càng chơi càng ghiền... Xin tòa giảm tội để con được đi học trở lại...”. Cả khán phòng chùng xuống, ai cũng xót xa, vừa thương vừa giận bị cáo.

Khi tòa tuyên 6 năm tù, và bồi thường cho Công ty Điện lực Tiền Giang 15.881.835 đồng (do Quân chưa đủ tuổi vị thành niên nên cha mẹ phải liên đới bồi thường), đứa con run rẩy, còn người mẹ như đổ gục xuống.

Vào tù có được học không?

Hơn một tháng sau ngày xét xử, tôi đến nhà người mẹ đáng thương ở ấp Mỹ Tường, xã Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè, Tiền Giang). Trông bà rất mệt mỏi. Bà bảo bà đã tức điên lên nên tìm đến mấy tiệm Internet xem coi: “Ghêm ghiếc là cái gì mà nó hại đời con tôi đến vậy!”.

Khi thấy hình người, quái vật đánh đấm, đầu óc bà càng thêm hỗn độn, càng không hiểu vì sao nó khiến con bà trở thành tội phạm.

Gia đình bà đã làm đơn kháng cáo với hi vọng con mình sẽ bị mức án tù nhẹ hơn ở lần xử sau. Vợ chồng bà cũng đã chạy vạy làng trên xóm dưới vay mượn được 1 triệu đồng bồi thường cho ngành điện lực.

Hàng xóm cho biết, sau phiên tòa, họ quần quật ngày đêm vừa làm ruộng nhà, vừa làm cỏ mướn đám ruộng gần, lại xoay sang cấy thuê đám ruộng xa từ sáng đến chiều, kiếm 35.000đồng/ngày dưới cái nắng nóng như nung.

Mâm cơm chỉ toàn rau. Cả khi bệnh cũng không dám uống thuốc, dè sẻn, chắt chiu từng đồng để bồi thường cho Điện lực Tiền Giang. Người mẹ tự trách mình thương con nhưng giáo dục không đúng cách: “Lỗi ở tôi, thấy nó là út, lại siêng học nên nuông chiều từ nhỏ, nó muốn gì được nấy. Tôi chưa từng bắt nó làm cỏ, cầm bình xịt thuốc bao giờ”.

Rồi bà lại khóc: “Trong những ngày tại ngoại chờ xét xử, nó đã ăn năn hối hận lắm rồi, xin lỗi vợ chồng tôi, có đêm nó mớ khóc lóc xin lỗi ba mẹ, thấy tội lắm cô ơi!”.

Người mẹ hỏi tôi liệu sau này ra tù con bà có được đi học tiếp không? Liệu nó có xin được việc làm? Liệu người ta có kỳ thị khi lý lịch có một vết đen như thế?...

Tôi hiểu và thông cảm với nỗi đau này. Là nông dân một chữ bẻ đôi cũng không biết, làm sao kiểm tra được bài vở của con. Con lại học xa nhà, làm sao kiểm soát được các mối quan hệ, việc làm của con.

Riêng Quân (do kháng cáo nên Quân chưa bị giam) cứ ngồi gục đầu nấc nghẹn: “Em nhớ bạn bè, thầy cô quá (sau khi hầu tòa sơ thẩm, Quân không đi học nữa)! Giờ hối hận đã quá muộn, chỉ vì mê game mà làm khổ người thân và hại đời mình. Không biết em có thể đem tập, sách vào tù học không?”.

Điều đó thì tôi không biết. Nhưng có một điều tôi biết chắc rằng sau việc đau lòng này, Quân sẽ học được rất nhiều. Có điều, học phí quá đắt.

* Tên nhân vật đã được thay đổi. 

Theo Minh Tâm
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.