Gặp cây vĩ cầm Việt số một ở Nga

Gặp cây vĩ cầm Việt số một ở Nga
Đỗ Phượng Như, cho tới cách đây vài năm khi chưa trở thành công dân Nga, là người nước ngoài duy nhất có chân trong Hội Nhạc sĩ biểu diễn Nga với hàng ngàn hội viên.
Gặp cây vĩ cầm Việt số một ở Nga ảnh 1

Cô học sinh sang Nga từ năm 13 tuổi đã khai tăng tuổi để có thể được đi làm trong lĩnh vực âm nhạc từ năm 16 tuổi. Cô đã giành được các giải thưởng quốc tế khác nhau về biểu diễn violon trong những năm còn ngồi trên ghế nhà trường.

Kể từ năm 1996 tới nay, Đỗ Phượng Như là cây vĩ cầm chính, người dẫn dắt tứ tấu Dominant mà tên xuất phát từ họ Đỗ của cô. Dominant đã được khán giả tại nhiều nơi ưa chuộng trong đó có Anh, Pháp, Thụy Điển.

Sắp tới đây nhóm tứ tấu này sẽ tới biểu diễn tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Cây violon người Việt này nói về khán giả ở Nga và các nơi mà tứ tấu từng tới biểu diễn: "Biểu diễn cho những người thân của mình và biểu diễn trong một thành phố mà mình sống rất khó vì họ đã biết mình quá rõ và nghe với một cái tai khác hẳn.

Khán giả Mátxcơva là những người rất nghiêm khắc vì đời sống âm nhạc ở đây rất đa dạng, phong phú. Đó là những người khắt khe nhất. Còn khi ra nước ngoài, khán giả các nơi đều nhiệt thành, nhất là ở Luân Đôn".

Khi được hỏi về những ngày đầu tiên tới Nga, Đỗ Phượng Như nói cô đã hoà nhập vào cuộc sống rất thoải mái. "Tôi hoà nhập rất nhanh trong cộng đồng người Nga, các bạn, các thầy giáo.

Bây giờ nhớ lại rất cảm động vì các thầy giáo bao giờ cũng coi mình như con cháu trong nhà. Còn các bạn Nga lúc đấy thì toàn một lũ trẻ con, ai cũng được giúp đỡ.

Bản thân tôi, tôi hoà nhập được với người Nga và cảm thấy cuộc sống ở Nga đối với tôi không khó khăn gì cả".

Mặc dù có nhiều người Việt sang Nga học về âm nhạc nhưng dường như Đỗ Phượng Như là một trong rất ít người còn trụ lại và sống bằng âm nhạc ở nước Nga.

Cô nói: "Các bạn thì hoặc tốt nghiệp trung cấp, hoặc có người sau khi tốt nghiệp đại học, cũng có người sau khi tốt nghiệp master họ tản mạn đi khắp nơi.

Có một số sang Anh, có một số sang Mỹ, có một số về nước, có một số không làm theo nghề của mình nữa. Nhưng số phận tôi như thế, bây giờ tôi vẫn ở lại Nga và vẫn làm theo nghề mình và trong vòng 20 năm tới không có ý định bỏ nghề".

Theo Nguyễn Hùng
Lao động/BBC

MỚI - NÓNG