Gặp "người của Intel"

Gặp "người của Intel"
“Người của Intel” là cụm từ mà nhiều người hay dùng để nói đến Tiến sĩ Thiều Phương Nam, Giám đốc Kinh doanh của Intel tại Việt Nam và Đông Dương. Anh được coi là “kiến trúc sư” về mặt tổ chức của Intel tại Việt Nam.

Chào anh, lý do nào mà anh chọn Intel?

Mình vào Intel vì nghĩ Intel kinh doanh trong lĩnh vực gần với ngành mình học (Intel vào khoảng cuối những năm 1990 đã là công ty bán dẫn lớn nhất thế giới). Thêm nữa, mình cũng rất thích Intel vì đây là công ty có văn hóa sáng tạo.

Khi Intel mới thành lập, tất cả chỉ là con số 0, nhưng sau đó người của Intel phát minh ra bóng bán dẫn. Intel cũng là nơi đầu tiên phát minh ra bộ vi xử lý.

Vào thời điểm mình vào công ty, Internet là thứ rất mới ở Việt Nam. Thời điểm đấy rất ít người có điều kiện tiếp xúc và biết đến Internet vì giá cả đắt. Mình vào làm việc ở đây cũng vì mong muốn thông qua công ty Intel mang công nghệ máy tính, công nghệ Internet đến với nhiều người Việt Nam hơn.

Trong thời kỳ đầu làm việc cho Intel, khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải là gì?

Nhớ lại những năm 1999 - 2000, có rất nhiều quan niệm về Internet, ưu điểm nhiều, nhược điểm cũng không ít. Các công ty viễn thông luôn muốn bảo vệ những công nghệ cũ trước kia (mà họ đã sử dụng, lỡ đầu tư rồi), và Internet có thể làm thay đổi hoàn toàn công nghệ cũ.

Công việc của mình lúc ấy là làm sao thuyết phục được họ rằng Internet là một xu hướng tất yếu, và nếu Việt Nam chậm chân trong việc tiếp nhận phát triển Internet thì mất đi cơ hội lớn đối với đất nước.

Đến bây giờ, như bạn thấy đấy, Internet như là điện, nước - những thứ không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày. Vậy đó, có thể là những khó khăn thử thách chỉ để thử lòng người mà thôi, cứ dấn thân và chinh phục sẽ vỡ ra nhiều điều.

Intel Việt Nam tuyển nhân viên như thế nào?

Điều gì khiến anh có thể tồn tại và phát triển tốt ở một môi trường đầy cạnh tranh như Intel?

Một điểm rất quan trọng ở tính cách của mình là luôn quyết tâm theo đuổi đến cùng những mục tiêu đặt ra. Không có thành công nào đạt được một cách dễ dàng, nên đòi hỏi chúng ta cần kiên trì và quyết tâm, không sợ thử thách, không sợ cái mới. Tiếp đến là phải có đam mê. Không có đam mê, mình sẽ cảm thấy công việc cực kỳ buồn chán.

Một người giỏi thường có nhiều cơ hội, vậy anh thường ứng xử thế nào trong trường hợp có nhiều sự lựa chọn đến với mình cùng một thời điểm?

Mình nghĩ là cuộc đời có rất nhiều sự lựa chọn, lúc nào cũng như đứng trước ngã tư đường. Có những sự lựa chọn cực kỳ khó khăn. Trong những trường hợp như thế, mình thường thích những lựa chọn mới, mang tính thách thức. Mình không sợ rủi ro, không sợ thử những cái mới.

Đó cũng là những điểm khác biệt ở cá nhân mình nói riêng, và cũng là tố chất rất cần thiết với những người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đó là ngành mà nếu không có sự sáng tạo sẽ bị đối thủ cạnh tranh vượt qua ngay.

Anh nói điểm mạnh trong tính cách của anh là quyết tâm và đam mê, đặc điểm này thể hiện thế nào trong tình yêu (lấy mối tình đầu làm ví dụ, chẳng hạn)?

(Cười) Mối tình đầu với ai cũng rất đặc biệt, không thể quên. Mình còn nhớ là hồi đó hoa hồng ở Việt Nam bé tẹo teo, rất khó để tìm ra loại hoa hồng to và đẹp như ở các nước châu âu (có thể là do công nghệ về giống lúc đó chưa phát triển).

Mình mua một bông hồng rất to và đẹp ở Matxcơva mang về phòng cắm vào ấm nước cho đỡ héo. Sau đó, mình mang bông hồng đó bay 24 giờ đồng hồ về Việt Nam để tặng cho nàng. Quyết tâm và đam mê là vậy, tuy nhiên, xác suất thành công của mối tình đầu là không khả dĩ lắm! (Cười)

Giả sử bây giờ một bạn sinh viên mới ra trường muốn xin vào làm việc tại Intel, người có tố chất vượt trội nào sẽ được anh lựa chọn?

Mình là người xây dựng đội ngũ nhân viên từ đầu cho Intel. 80 - 90% nhân viên của Intel Việt Nam là do mình tuyển. Cho đến giờ này, có thể nói, hầu hết những lựa chọn của mình là đúng.

Gặp "người của Intel" ảnh 1
Ảnh: Sinh Viên Việt Nam

Khi tuyển người, mình dựa vào mấy tiêu chí sau:

Thứ nhất, không coi nặng bằng cấp nhưng chú trọng đến nền tảng giáo dục tốt, đây được coi như là “cơ sở hạ tầng” của mỗi con người. Một đất nước phát triển phải có một cơ sở hạ tầng tốt, một người muốn thành công trong công việc thì nền tảng giáo dục rất quan trọng. Có thể Bill Gates không học đại học vẫn thành công, nhưng không học không có nghĩa là họ không có học.

Thứ hai, mình phải cảm nhận được sự nhiệt huyết của con người đấy khi được nhận vào vị trí tuyển dụng. Như mình nói ở trên, không có đam mê, không có nhiệt huyết, công việc sẽ chỉ bình bình mà thôi.

Thứ ba là khả năng sáng tạo. Khi tuyển nhân viên, mình thường đặt ra những bài toán thực tế đề nghị ứng viên đưa ra những phương hướng giải quyết. Mình muốn nhìn thấy những hướng giải quyết khác biệt và sáng tạo chứ không phải những câu trả lời theo sách giáo khoa.

Mình không đề cao kinh nghiệm. Mình sẵn sàng tuyển những sinh viên (và thực tế là thế), những người chưa có kinh nghiệm đi làm nhiều nhưng sáng tạo.

Khi nhìn thấy sai lầm của một người trẻ (là “lính” của anh) thì phản xạ đầu tiên của anh là gì?

Mình khuyến khích mọi người làm cái mới, chấp nhận những thất bại. Nên phản xạ đầu tiên sẽ là chìa một bàn tay ra giúp bạn đó. Mình hoàn toàn không giận họ, bởi công nghệ thông tin là ngành đòi hỏi dám làm cái mới, dám chấp nhận rủi ro. Mình sẽ cùng họ tìm hiểu nguyên nhân của thất bại và chỉ cho họ con đường đúng đắn nhất để lần sau họ bớt vấp ngã.

Cho đến thời điểm này, cuốn sách mà anh thích nhất là gì?

Cuốn sách mà mình tâm đắc nhất tên Only Paranoid Survives, tác giả là Andy Grove - đồng sáng lập kiêm cựu Tổng giám đốc Intel. Ý chính của cuốn sách là trong ngành công nghiệp máy tính, nếu không luôn đổi mới mình, không luôn đưa ra những sáng tạo mới thì sẽ bị diệt vong bởi những đối thủ cạnh tranh.

Không có ngành công nghiệp nào phát triển bằng công nghiệp máy tính, nên cảnh báo trên là một thực tế. Cuốn sách đấy làm cho mình hiểu rằng trong cuộc sống nếu mình không liên tục đổi mới, không tìm ra những cái mới, không liên tục sáng tạo thì mình sẽ bị đào thải khỏi cuộc chơi.

Xin cảm ơn anh!

Thiều Phương Nam

- 1988: Học ngành CNTT tại Đại học Bách khoa TP.HCM.

- 1989: Học chuyên ngành bán dẫn Đại học Sant Petersburg.

- 1998 đến nay: Làm việc tại Intel.

- Là Tiến sĩ chuyên ngành công nghệ bán dẫn (bảo vệ luận án tại Liên Xô cũ).

Theo Ngọc Sơn
Sinh Viên Việt Nam

MỚI - NÓNG