Gặp nữ sinh Mông Cổ đoạt Á khôi ĐH Dược

Nữ sinh Dược, Bogi - sinh viên lớp A1K63
Nữ sinh Dược, Bogi - sinh viên lớp A1K63
TP - Sở hữu chiều cao 1m72, khuôn mặt sáng, thanh thoát, cô gái đến từ Mông Cổ Ganbaatar Bolortsetseg (Bogi) bất ngờ toả sáng và trở thành Á khôi ĐH Dược là câu chuyện thú vị với bạn trẻ Việt Nam.

>> Nữ sinh Mông Cổ giành ngôi Á khôi Đại học Dược

Bogi (thứ ba từ trái sang) trong phần trình diễn áo dài cuộc thi Miss Dược 2010
Bogi (thứ ba từ trái sang) trong phần trình diễn áo dài cuộc thi Miss Dược 2010.

Sinh năm 1988, trước khi đến Việt Nam, Bogi là sinh viên năm thứ hai ĐH Ngoại ngữ (Mông Cổ), chuyên ngành tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc. Kết quả học tập tốt, nhưng Bogi bỏ dở việc học ở quê nhà để quyết tâm xa gia đình, sang đất nước của những tà áo dài được nhiều bạn trẻ Mông Cổ yêu mến.

Lần đầu tiên xa nhà, đến một đất nước cách Mông Cổ 4 ngày đi tàu, Bogi không khỏi ngậm ngùi. Tuy nhiên, đam mê với ngành dược thôi thúc Bogi phải mạnh mẽ hơn. “Tôi tự an ủi, ở Việt Nam có nhiều sinh viên Mông Cổ, sẽ không cô đơn”. Bogi nói. Học tiếng Việt được 5 tháng, Bogi trở thành sinh viên năm nhất ĐH Dược.

Cô gái đến từ thủ đô Ulan Bator nhiều phen cười ra nước mắt vì tiếng Việt. Một hôm đi xe đạp trên đường, Bogi đâm phải một chị, rối rít nói nhầm câu cảm ơn, cảm ơn thay cho xin lỗi. Lần khác Bogi thèm ăn gà tần, nhờ bạn mua, phát âm không chuẩn, bạn Bogi cầm về cái gạt tàn...

Tiếng Việt chưa sõi, học ĐH ở Việt Nam là khó khăn lớn với Bogi. Những tháng đầu không nghe rõ thầy giảng gì, cuối giờ cô phải lên bộ môn hỏi thêm thầy cô. Cô gái đến từ Mông Cổ thấy ngạc nhiên khi được nhiều bạn bè chủ động đề nghị giúp đỡ.

Bogi nói: Ở Mông Cổ ít giúp đỡ nhau, bạn trẻ thường tự lập trong học tập. Tôi không ngờ đến Việt Nam, sinh viên lại nhiệt tình hỗ trợ nhau đến thế. Nhờ các bạn giúp, tôi bắt kịp chương trình rất nhanh.

Đẹp, dịu dàng hơn nhờ áo dài

Sinh ra trong gia đình có ba chị em, chị cả của Bogi là một người mẫu nổi tiếng tại Mông Cổ. Năm 8- 9 tuổi Bogi từng nhiều lần theo chị đi trình diễn thời trang, mê mẩn với sàn catwalk và nung nấu ý nghĩ lớn lên gia nhập thế giới người mẫu. Tuy nhiên, sau đó Bogi nhận thấy mình không hợp với nghề người mẫu. Cô nàng 12 năm làm thủ lĩnh lớp tâm sự: “Ở Mông Cổ có nhiều cuộc thi sắc đẹp, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định tham dự. Tôi muốn tập trung học hơn”.

Nữ sinh Dược, Bogi - sinh viên lớp A1K63
Nữ sinh Dược, Bogi - sinh viên lớp A1K63.

Khuôn mặt xinh, tây tây, ánh mắt có hồn của Bogi nhanh chóng chiếm được cảm tình của sinh viên lớp A1K63. Dịp trường tổ chức cuộc thi Miss Dược 2010, mời Bogi tham gia không được, các thành viên trong lớp tự đi đăng kí với hy vọng Bogi sẽ làm rạng danh con gái lớp. “Tôi đi thi trong tình thế không thể thay đổi, nhưng cũng thấy vui vui”.

Em muốn trở thành dược sỹ giỏi và có thời gian làm việc tại Việt Nam”, giọng run run thổ lộ của Bogi trong đêm ứng xử cuộc thi Miss ĐH Dược 

Bogi hối hả tập luyện các màn giới thiệu bản thân, trình diễn trên sân khấu, trang điểm, trả lời ứng xử... với chuyên gia là sinh viên của lớp. “Các bạn trong lớp rất nhiệt tình và kỳ vọng về tôi. Các bạn chăm chút tôi từ cách cười, giọng nói, dáng đi… Tôi thấy tự tin hơn hẳn”, cô chia sẻ.

Cô sinh viên năm thứ ba ĐH Dược có rất nhiều cảm xúc trong lần đầu thi Miss. Bogi tâm sự: “Đứng trên sân khấu tôi rất run, chưa bao giờ tôi nhận được sự reo hò cổ vũ nhiều đến vậy, tiếng vỗ tay, động viên “Bogi cố lên, Bogi cố lên” tiếp thêm cho tôi sức mạnh.

Có nhiều tiếng trầm trồ tán thưởng khi tôi biểu diễn tiết mục múa truyền thống Mông Cổ. Lần đầu tiên mặc áo dài Việt Nam tôi cảm thấy ngỡ ngàng, trở nên đẹp, dịu dàng hơn. Lọt vào top 5 là một bất ngờ, trở thành Á khôi lại càng lạ hơn”.

Bogi đồng thời được nhận danh hiệu Gương mặt ăn ảnh của cuộc thi. Với Bogi, đây là một dấu ấn trong cuộc đời. Bố mẹ cô ở Mông Cổ đã rất vui khi Bogi gọi điện báo tin.

Ngạc nhiên khi thấy nữ sinh đánh nhau

Bogi ngạc nhiên khi ở Việt Nam gần đây rộ lên tình trạng bạo lực học đường, với nhiều vụ nữ sinh đánh nhau. Cô nói: Ở Mông Cổ nữ sinh không đánh nhau, thậm chí họ cảm thấy xấu hổ khi cãi nhau. Kỷ luật học đường được siết chặt nên học sinh ít chơi game.

Theo Bogi, buổi tối con gái Mông Cổ thường bị quản lý chặt, phải về nhà trước 21 giờ. “Buổi tối con gái đi ngoài đường rất nguy hiểm, khoảng 20 giờ là hết xe buýt. Tại thủ đô Mông Cổ không sử dụng xe đạp, xe máy nên chỉ có thể đi bộ về, không an toàn. Nếu bạn gái có người yêu, phụ huynh đỡ lo lắng hơn vì có con trai đi cùng”.

Bogi cho biết, việc sinh viên đến trường bằng ô tô là điều rất bình thường ở thủ đô Mông Cổ, bởi giá ô tô không quá đắt. Bản thân Bogi trước khi sang Việt Nam cũng có một ô tô mua với giá 9.000 USD.

 Hải Yến

Chào đón tin bài của bạn

TP- Nhằm phản ánh đời sống giới trẻ một cách toàn diện, sâu sát hơn, trang Thế giới trẻ (Báo Tiền Phong) luôn chào đón tin, bài cộng tác của bạn.

Chúng tôi đặc biệt ưu tiên những tin bài mang tính phát hiện về lối sống mới, xu hướng trẻ; những góc nhìn mới về tình yêu, tình dục, chuyện thầm kín; cảnh báo hành động phản cảm, lệch lạc trong giới trẻ; tấm gương vượt khó trong học tập, kinh doanh...

Đời sống giới trẻ ở vùng nông thôn, miền núi và người Việt trẻ ở nước ngoài cũng luôn được quan tâm.

Bài cộng tác xin ghi rõ địa chỉ email, điện thoại và gửi về: thegioitre@tienphong.vn.

MỚI - NÓNG