Gặp tác giả bài văn gây xôn xao cư dân mạng

Gặp tác giả bài văn gây xôn xao cư dân mạng
TP - Trong khi cả nước đang bàn về việc thay đổi cách dạy học, ra đề, chấm bài làm văn thì bài kiểm tra lấy điểm 1 tiết của nữ sinh Hà Minh Ngọc như một hướng dạy và học văn mới thu hút sự quan tâm của dư luận.  
Gặp tác giả bài văn gây xôn xao cư dân mạng ảnh 1

Hà Minh Ngọc (phải) trong lớp học cùng các bạn. Ảnh: Hồng Vĩnh

Hà Minh Ngọc học lớp 10 Văn, khối chuyên THPT trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Điều vui mừng nhất toát lên từ cô học trò này là bài văn ấy không chỉ dừng lại ở việc học mà là kết quả từ những gì chắt chiu, cảm thụ được những giá trị đích thực từ chính cuộc sống.

Văn là Người

Bài tập làm văn đạt điểm 9+ nói trên là bài kiểm tra đầu tiên của Minh Ngọc cũng như học sinh lớp 10 Văn ngay sau ngày khai giảng (6/9). Để kiểm tra kỹ năng viết và kiến thức của học trò, cô giáo dạy văn, kiêm chủ nhiệm lớp Nguyễn Bích Thảo đã ra đề bài mở: “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa của cuộc sống đã tặng cho em”.

Là một học trò học khá đều các môn (trước khi quyết định học chuyên Văn, Ngọc đã từng cân nhắc thi vào lớp chuyên Hoá và học khối A), Ngọc bị lôi cuốn và tìm kiếm sự sáng tạo.

“Em cũng đã nghĩ đến nhiều phương án như chọn hình thức viết thư cho một người thân để cám ơn về việc làm của người đó với em hay viết về một người lớn tuổi với nhiều thành công mà em biết… Tuy nhiên, ý nghĩa về những điều em biết, em cảm nhận được từ cuộc sống chợt đến và thuyết phục em. Đó là những gì gần gũi, thân thiết, những gì tưởng chừng như nhỏ bé thôi nhưng lại là điều cực kỳ cần thiết cho cuộc sống này. Bởi Văn không hề xa lạ. Văn chính là người”.

Ngọc đã lục những tư liệu “lưu giữ’ trong trí nhớ, sắp xếp lại và viết bằng lập luận, suy nghĩ của mình.

Cô giáo Bích Thảo mới được chuyển về trường và lần đầu tiên trở thành giáo viên trong môi trường sư phạm. Đây cũng là quãng thời gian thử thách lớn đối với chị.

Chị Thảo kể: “Qua bài kiểm tra này, mình muốn biết các học trò nhận thức như thế nào về cuộc sống. Và bài của Ngọc đã thực sự làm mình sửng sốt và ngạc nhiên. Mình không giấu nổi cảm xúc và sự tự hào khi phê vào bài làm của Ngọc.

Bài viết đúng với hoàn cảnh, tâm trạng của mình trong thời gian gặp nhiều khó khăn. Chính bản thân mình phải cám ơn em học trò đã có bài viết đầy tình người và sâu sắc. Mỗi lúc mình nản trí lại nhớ tới từng câu, từng chữ trong bài viết để thấy rằng thành công là những gì nhỏ bé thôi mà mình đang làm được”.

Trong giờ trả bài cách đây 2 tuần, cô Thảo còn nhận xét, nếu bài này được sửa đi một chút thì xứng đáng đưa vào tuyển tập “Những bài học cuộc sống”.

Dạy và học văn ở lớp chuyên văn

“Giáo viên đôi khi phải tự nhận mình cũng có lúc sai để khuyến khích học sinh nói thẳng, nói thật”

Cô giáo Bích Thảo

Chúng tôi gặp Ngọc vào tiết học cuối chiều 24/10. Xen lẫn tiếng mưa rào lúc trời sầm sập tối, giọng nói nhỏ nhẹ của cô học trò lớp 10 chuyên Văn như làm tan đi sự ồn ào của giờ tan lớp.

Khó có thể tin được một cô gái 16 tuổi lại có lập luận sắc sảo, sâu xa về những triết lý nhân sinh, về con người, về cuộc sống đến vậy. Để có phông kiến thức phong phú như thế, Ngọc đọc nhiều sách báo và đặc biệt rất thích xem chương trình thời sự...

Trở lại việc dạy và học văn làm sao cho tốt đang là vấn đề của xã hội, Ngọc điềm tĩnh: “Các bác lãnh đạo không phải lo đâu ạ. Chỉ cần tạo điều kiện tốt cho học sinh là các bạn ấy tha hồ thể hiện. Điều đó khuyến khích sự tưởng tượng, khám phá của mỗi học sinh cho dù bạn đó bị coi là kém nhất”.

Ngọc đưa ngay ví dụ giờ văn vừa học buổi sáng: Sau khi giảng xong nội dung theo sách giáo khoa về cuộc đấu trí giữa Uylixơ và Pênêlôp, hai nhân vật trong truyền thuyết Ôđixê của nhà văn Hômerơ, cô giáo ra đề bài: “Các em hãy tạm gác lại câu chuyện để nghĩ ra một kết thúc khác so với tác giả. Sau đó hãy trình bày lập luận về quan điểm của mình”.

“Thế là đám học trò tha hồ bàn luận, đọc sách bổ sung thông tin, kiến thức để bảo vệ quan điểm của mình. Học như thế, sao lại không “ngấm?”- Ngọc kết luận đầy hứng thú.

Khác với cách giảng dạy xưa nay thầy đọc, học trò chép đến mỏi tay, những giờ học văn của lớp 10 văn khối chuyên THPT (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đầy sáng tạo, tìm tòi và hứng thú.

Ngọc kể, cô giáo thường xuyên ra đề mở trong tất cả các tác phẩm trong và ngoài nước. Cô cung cấp thông tin, nhận định của một nhà phê bình nổi tiếng nào đó nhưng chỉ một nửa vế. Rồi sau đó để học sinh tự tìm phần còn lại, ai tìm đúng và bổ sung được những thông tin “vệ tinh” sẽ được chấm điểm. Vậy là cả lớp nhao nhao đọc và học.

Điều làm Ngọc tâm đắc cũng chính bởi lời tâm sự của cô. Cô Thảo từng nói: “Cô ngồi đây khác các em chỉ ở vị trí chỗ ngồi thôi. Ở vị trí này rất khó có thể thấy mình sai nhưng người giáo viên phải tự nhận thấy cũng có lúc mình sai để được nghe học sinh nói thẳng và nói thật”.

Gặp tác giả bài văn gây xôn xao cư dân mạng ảnh 2
Ngọc là con cả trong gia đình có 2 chị em. Người có vai trò giúp Ngọc say mê học hành chính là người mẹ- chị Nguyễn Song Hà, giảng viên ĐH Dược Hà Nội.

Bố Ngọc, anh Hà Văn Thúy công tác ở Ban quản lý các dự án Tây Nguyên (Bộ Y tế) thực sự khâm phục bài viết của con gái và anh đã tự hào mang đi khoe với bạn bè.

Chung tâm trạng như anh, một người bạn là Việt kiều ở Mỹ về đã vội post lên blog của mình và nhanh chóng được các công dân mạng chuyển cho nhau.

Bài viết của Ngọc được đánh giá cao và có người còn ví “giống như là nước, len lỏi tới từng ngóc ngách của tâm hồn.

Nó như lời an ủi, động viên đầy xúc động bằng chính những gì nhỏ bé nhất đang hiện hữu xung quanh mỗi con người”.

MỚI - NÓNG