"Gậy thần" tránh thai của những cô bé

"Gậy thần" tránh thai của những cô bé
Xong "chuyện ấy", cháu lao vào toillet, xối vòi hoa sen thật mạnh để "trục xuất" khỏi người những thứ bạn ấy để lại. Vậy mà sao vẫn bị "sự cố"?..
"Gậy thần" tránh thai của những cô bé ảnh 1
Song hành với những đau đớn về thể xác là sang chấn tinh thần

"Hôm ấy cháu to be (có kinh). Cháu tưởng những ngày ấy thì an toàn. Mới lại, anh ấy bảo thế mới là yêu thật lòng...".

"Chúng cháu đứng, chỉ gặp nhau bên ngoài; rõ ràng chưa có gì vào người bạn ấy cả. Thế mà bạn ấy bảo đợi gần 2 tháng rồi mà vẫn chưa thấy kinh...".

"Chúng cháu ra ngoại ô chơi, cháu không giữ được mình. Sau đó cháu kiên quyết cắt đứt quan hệ, không gặp lại người ấy nữa. Cháu uống 6 gói thuốc điều kinh rồi mà vẫn chưa thấy gì... Chỉ một lần, sao lại có thai được hả cô?".

Nhiều học sinh Hà Nội đã gọi đến đường dây tư vấn sức khoẻ - tình dục 1088 với những tâm sự đầy lo âu như vậy.

Một nhân viên tư vấn ở đây cho biết, trong số thắc mắc của những "khách hàng" rất trẻ (theo nhận định của chị, phần lớn đang tuổi vị thành niên), có đến già nửa là câu hỏi liên quan đến có thai, tránh thai và phá thai.

Điều nguy hiểm nhất là các em hầu như "trắng" về kiến thức sức khoẻ giới tính - tình dục, chỉ xin tư vấn khi "sự" đã "quá" (thai đã  lớn, 4- 5 tháng), nhằm mục đích thổ lộ cho vơi nỗi lòng và khắc phục "sự cố" chứ không để trang bị kiến thức phòng tránh tai nạn sau.

"Lỗ hổng" kiến thức nói trên được thể hiện rất rõ trong một thăm dò mới đây của Viện Xã hội học về thời điểm có thai trong vòng kinh với 1.464 học sinh PTTH, CĐ và ĐH tại TPHCM.

Khi được hỏi "Ngày nào người phụ nữ có thai", chỉ có 42% trả lời đúng là vào giữa chu kỳ kinh, 22,7% không biết và 5% không rõ.

Khảo sát của Viện trên 2.126 vị thành niên 7 tỉnh, thành (Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tây, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang, TP.HCM) cho thấy, tỷ lệ trả lời đúng câu hỏi này chỉ là 18%.

Hiểu biết về các biện pháp tránh thai của số học sinh nói trên lại càng "trống". Chỉ 65% có nghe nói hoặc biết về các bệnh pháp tránh thai. 52,6% "mù tịt" về cách tránh thai lần đầu hoặc có ý định thực hiện. 33,33% biết và dùng cách "cho ra ngoài" hay tính ngày rụng trứng (tiếc thay các biện pháp này lại có tỷ lệ thất bại cao nhất).

Nỗi đau kẹp mỏ vịt, dao kéo và fo-xép

TS - BS sản - phụ khoa Vương Tiến Hoà (ĐH Y Hà Nội) kể, mới đây đồng nghiệp của ông đã xử lý một ca có thai ngoài ý muốn, sản phụ là một bé gái... 13 tuổi.

Còn "người mẹ bất đắc dĩ" trong câu chuyện của BS Nguyễn Hoài An (đang làm việc tại một bệnh viện tư ở Hà Nội) là một nữ sinh 15 tuổi, nhưng la hét inh tai không khác một bé gái lên 3; trong cơn chuyển dạ đau đớn đầy hận thù, đã cắn chảy máu tay y tá đang giữ đầu mình.

Đấy là những em gái được cha mẹ, gia đình "áp tải" đến các cơ sở y tế lớn, đầy đủ chuyên gia, thuốc men và trang thiết bị.

Còn ở những chốn "ít người biết đến" như các phòng khám tư, cơ sở nạo phá thai "chui", các em thường lủi thủi một mình, nộp tiền làm dịch vụ rồi cắn răng chịu đau, cốt thoát "cái nợ đời".

Trong số những em đang tuổi "quần xanh, áo trắng" tưởng chỉ biết ăn, biết ngủ ấy, nhiều em thai đã quá lớn (do sợ hãi, giấu diếm gia đình lâu ngày, bạn trai lại dại khờ), phải "can thiệp" bằng những biện pháp đặc biệt như đẻ Kovak hoặc kích sinh non. Có em mang bầu đã đến tháng thứ 6, buộc phải chờ sinh con. Tất cả đều xanh xao sau thời gian dài lo lắng và phải nuôi thêm một cơ thể khác trong mình.

Theo phân tích của TS. Vương Tiến Hoà trong nghiên cứu Có thai và sinh con tuổi vị thành niên: Những nguy cơ về sức khoẻ sinh sản vừa công bố, các em gái  "trót dại", do cơ thể chưa phát triển và bị khủng hoảng tinh thần vì "sự cố", sẽ phải chịu hậu quả nạo, phá thai, sinh nở lớn gấp nhiều lần phụ nữ trưởng thành.

Những em được chỉ định sinh con, ngoài các nguy cơ nhiễm độc thai nghén, xảy thai, đẻ non, ngôi bất thường, còn có thể bị sản giật, chuyển dạ kéo dài, sang chấn nặng đường sinh dục; thường phải mổ hoặc cắt nới âm hộ rộng để lấy thai ra.

Với những em chọn giải pháp nạo, hút thai, đa số tìm đến các cơ sở không được phép làm dịch vụ này (do thiếu phương tiện cấp cứu và vô trùng kém) để được những người thiếu chuyên môn và kinh nghiệm "giúp".

Nhiều trường hợp đã bị thủng tử cung, rách bàng quang; thậm chí thủng ruột, sót rau, nhiễm trùng máu và có thể tử vong. Những em từng nạo hút thai nhiều lần sau này còn có thể bị rau tiền đạo, phải mổ cứu mẹ khi sinh hoặc vỡ tử cung khi chuyển dạ, chỉ vì những sẹo thủng tử cung sau những lần bỏ thai khi đang tuổi vị thành niên.

Song hành với những đau đớn về thể xác là sang chấn tinh thần và bất hạnh trong đời sống riêng tư sau này do hậu quả những lần can thiệp nhớ đời ấy gây ra cho các em.

Chưa cứu nổi vị thành niên?

Một chuyên gia tâm lý buồn rầu nhận định, tỷ lệ trẻ vị thành niên phá thai cao cho thấy một phần thất bại của công cuộc giáo dục giới tính - tình dục cho đối tượng này. Một số chương trình giáo dục giới tính theo kiểu "tình dục an toàn" hiện nay (phần lớn được nước ngoài tài trợ) cổ suý việc dùng bao cao su và phương pháp giáo dục đồng trang lứa (bỏ qua vai trò giáo dục của gia đình và thầy cô), vô hình chung gợi tò mò cho các đối tượng đang tuổi phát dục.

Kết quả là nhiều em vẫn "trắng" kiến thức về tâm lý giới tính tuổi mới lớn, không được rèn luyện khả năng phòng vệ và tự chủ để vững vàng nói KHÔNG trước cám dỗ quan hệ tình dục.

Trong khi đó, theo TS Vương Tiến Hoà, cả nước hầu như chưa có trung tâm tư vấn sức khoẻ sinh sản và tiền hôn nhân; vai trò của gia đình và nhà trường trong giáo dục giới tính, tình dục cho vị thành niên hãy còn khá mờ nhạt. Các cơ sở dịch vụ y tế tư nhân thiếu chuyên môn và phương tiện lại sẵn sàng "phục vụ" giới trẻ "trót dại" mà không một lời tra hỏi danh tính như ở các bệnh viện công, dẫn đến việc nhiều vị thành niên không chút ngần ngại nói CÓ với quan hệ tình dục

Thế là trong khi đợi một "cây gậy thần" chứa sức mạnh giáo dục tổng hợp của cả xã hội, đau xót thay, nhiều vị thành niên vẫn ngây thơ chờ đợi phép màu của những chiếc vòi hoa sen.

MỚI - NÓNG