Tân sinh viên tìm chỗ trọ- Bài 2

Giá tăng, chất xuống

Giá tăng, chất xuống
TP - Chưa vào thời điểm tựu trường tập trung, nhưng tình hình phòng trọ ở các trung tâm đại học, cao đẳng lớn đang nóng lên từng ngày. Giá phòng, giá điện nước... đều tăng chóng mặt, trong khi chất lượng phòng trọ lại không đảm bảo.

>> Bài 1: KTX - muối bỏ bể

Giá tăng, chất xuống ảnh 1
Tân sinh viên đi tìm chỗ trọ - Ảnh: Nguyễn Huy 

Đỏ mắt tìm phòng trọ

Biết tin đỗ đại học, tân sinh viên Phạm Văn Huấn - trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đã tất tả từ quê Nam Định để vào Đà Nẵng tìm chỗ trọ. Ròng rã gần tuần lễ, đạp xe khắp các khu vực đường Núi Thành, Phan Đăng Lưu... Huấn đều nhận được những cái lắc đầu từ phía chủ trọ.

Huế: Phòng trọ rào rào tăng giá

Khảo sát tại các phòng trọ trên đường Trần Phú, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Huệ... gần các khu vực trường ĐH Khoa học, ĐH Sư phạm Huế hầu hết đều có tăng giá từ 100.000 - 200.000 đồng/tháng so với năm học trước.

“Phòng trọ đang có xu hướng ngày càng thu hẹp diện tích, nhưng giá thì tăng lên chóng mặt khiến đời sống của sinh viên ngày càng khó khăn” - Trần Văn Đức, sinh viên năm 3 ĐH Khoa học Huế cho biết.       

“Em nghe mấy anh chị năm hai nói nếu muốn tìm được phòng ưng ý thì vào sớm để chủ động, vậy mà tìm mãi, đi đâu cũng bị nói hết phòng, có cố tìm những phòng trọ vừa, thậm chí ở tạm cũng khó lắm anh ạ” - Huấn than thở.

Chấp nhận xa trường, Huấn chuyển hướng tìm phòng trọ khắp các tuyến đường bên quận Sơn Trà nhưng cũng không dễ gì kiếm được. Cậu cho biết “Có mấy dãy phòng đang xây chuẩn bị hoàn thành để đưa vào sử dụng năm học mới nhưng cũng đều có người đặt cọc hết rồi”.

Khảo sát tại các điểm trọ sinh viên dọc khu vực trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm... tại Đà Nẵng hầu hết đều treo biển hết phòng.

Theo chị Nguyễn Thị Nhung, chủ trọ trên đường Phan Thanh, mọi năm thường sinh viên năm cuối hay trả phòng nên có phòng dư đón các tân sinh viên. Tuy nhiên, năm nay họ đều đặt lại phòng từ trước hè và chịu tiền đặt cọc để có phòng cho người thân vào trọ học.

Chung cảnh ngộ, Trần Văn Học, tân sinh viên ĐH Sư phạm vẫn không khỏi tiếc nuối: “Tìm cả tuần, em mới kiếm được phòng nhỏ trên đường Phạm Như Xương gần trường nhưng chủ nhà hét giá cao quá. Do đắn đo, đi tìm phòng khác, nên đến hôm sau quay lại đã bị chủ nhà cho thuê mất rồi. Giờ đi tìm khó quá”.

Tiền lên, chất xuống

Giá tăng, chất xuống ảnh 2
Những phòng trọ như thế này được hét với giá trên trời - Ảnh: Nguyễn Huy 

Khảo sát tại khu vực Trung Văn, Nhân Chính, Triều Khúc, Mai Động, Xuân Thuỷ, Cầu Giấy (Hà Nội), những nơi tập trung nhiều nhà trọ sinh viên, giá phòng trọ tăng hơn năm ngoái.

Một phòng khoảng 12m2 tại khu vực Xuân Thuỷ năm ngoái cho thuê với giá 1 triệu đồng/tháng chưa kể điện nước, năm nay cho thuê 1,3 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ dãy nhà trọ ngõ 123 Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết số lượng phòng có hạn, mà nhu cầu sinh viên lớn, nên tăng theo thị trường. Mỗi lần tăng giá khoảng 50.000 đồng - 100.000 đồng, vài tháng nhà trọ lại có khung giá mới.

Chiều 20/8, theo chân Trần Thanh Ngân (sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân) đi tìm nhà trọ chúng tôi thấu hiểu nỗi khó của các bạn sinh viên, đặc biệt tân sinh viên.

Tìm được một phòng rộng khoảng 12m2 tại ngõ nhỏ trên đường Đại La (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Ngân tỏ ra khá ưng ý. Phòng thoáng, vệ sinh sạch sẽ, có thể ở được hai người, nhưng bà chủ đòi 1,5 triệu đồng/tháng ngoài ra tiền điện, nước tính riêng, quá sức của Ngân.

“Em chỉ có một triệu đồng, tìm nhà trọ dãy cũng khó, nơi thì giá đắt nơi thì không còn phòng”, Ngân nói. Gần một tuần đi tìm nhà trọ, Ngân vẫn chưa tìm được nơi trọ.

Giá trung bình của một phòng trong khu nhà trọ dãy khoảng 600.000 đồng/tháng cho một phòng chừng 10m2, nhà tắm, vệ sinh chung. Phần nhiều sinh viên chọn ở nhà dãy là giải pháp.

Những phòng này thường ẩm thấp, vệ sinh không đảm bảo. Nhà trọ dãy gần các trường ĐH giá cao hơn khoảng 10 phần trăm so với giá thị trường.

Theo chị Phùng Thị Thu, nhân viên một trung tâm tìm và giới thiệu nhà trọ, giá phòng trọ năm nay tại các khu vực tập trung nhiều trường ĐH tăng, dao động từ 30 - 40 phần trăm, tiền điện nước cũng tăng theo. Sinh viên có xu hướng đi tìm nhà trọ xa trường, và ở nhà trọ dãy.

Tại TP Đà Nẵng, theo lời giới thiệu, chúng tôi ngoằn ngoèo hết con hẻm kiệt 408 đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng) để tìm đến phòng trọ sinh viên. Căn phòng rộng chưa đầy chục mét vuông, nằm sát bên đường hẻm, trên tường nham nhở vôi vữa bong tróc vì được xây dựng khá lâu nhưng chủ nhà vẫn hét với giá 700.000 đồng/tháng.

“Phòng trọ năm nay đều tăng cao so với những năm trước. Nói gì các tân sinh viên, ngay cả bọn em cũng bị tăng giá phòng từ 100.000 – 300.000 đồng/tháng trong khi chất lượng và các điều kiện vệ sinh thì chẳng tốt hơn chút nào” - Nguyễn Thị Hoài Thương, sinh viên năm 3, ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết.

Ghi nhận hầu hết các xóm trọ trên đường Phạm Như Xương (cạnh trường ĐH Sư phạm), các khu trọ gần đường tàu cạnh trường ĐH Bách khoa... hầu hết đều không đạt yêu cầu. Phòng nhỏ, lợp fibro xi măng... nên, đã cuối giờ chiều, nóng vẫn hầm hập.

Vừa bật quạt, Trần Thanh Phong, sinh viên ĐH Kiến trúc (trọ đường Phan Chu Trinh) phải bê chậu nước để cách nhiệt mới giảm phần nào cái nóng. “Phải chịu thôi anh, nắng thì nóng, mưa thì dột. Lo nhất là giá phòng, điện nước cứ tăng ngùn ngụt khiến chúng em vừa học vừa lo” - Phong than thở.

Hớn hở tìm được phòng trọ trên đường Ngô Quyền, nhưng Trần Thanh Chung, tân sinh viên ĐH Ngoại ngữ không khỏi ngỡ ngàng “Chủ nhà chỉ có cái phòng không, tất cả giường, bàn học đều chẳng có. Hỏi họ thì cũng chỉ nghe trả lời ở đâu cũng chỉ như vậy hết. Có tìm được phòng, phải lo sắm sửa cũng đủ ngốn hàng triệu đồng anh ạ”.

Hầu hết các giá phòng trọ đều phổ biến ở mức 600.000 đến 1.000.000 đồng/tháng, tăng gần gấp đôi so với năm học trước, trong khi giá điện nước tính riêng và mỗi nơi mỗi giá.

Tại nhiều khu trọ trên đường Điện Biên Phủ, Phan Thanh, Nguyễn Lương Bằng điện được tính giá đến 2.500 đồng/KW, nước cũng được áp giá 4.000 - 6.000 đồng/m3, cao gấp đôi ba lần so với mức tính bình thường.

Theo giải thích của anh Dương Thành Nam, chủ trọ trên đường Nguyễn Lương Bằng, giá điện nước cao vì phải tính theo giá kinh doanh, hơn nữa có sinh viên các gia đình phải dùng vượt mức cho phép và phải chịu giá điện phạt theo quy định của ngành điện lực.

MỚI - NÓNG