Giá xăng tăng : Sinh viên gác xe máy, đi xe buýt

Giá xăng tăng : Sinh viên gác xe máy, đi xe buýt
(TPO) Hai đợt tăng giá chỉ trong gần 4 tháng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống  giới sinh viên. Song hành cùng cái nắng găy gắt mùa hè là nỗi lo về xăng tăng giá và những giải pháp tạm thời để..."thoát hiểm".

“Gác xe máy - đi xe buýt” là xu hướng của nhiều người trẻ khi làm thêm trong mùa hè này. Tất cả cũng chỉ vì giá xăng lại tiếp tục leo lên. Theo giải thích của Lan Anh (ĐHSP) thì : một tháng kiếm được bảy, tám trăm, trừ ăn uống, tiền thuê nhà thì còn được mấy. Nếu thêm cả xe máy nữa thì chỉ có “âm” thôi. Một chiến lược mới ra đời : chuyển sang ở  cùng mấy đứa bạn bên Cầu Giấy để tiết kiệm tiền thuê nhà, gửi xe máy cho ông anh họ làm phương tiện làm ăn và làm thẻ xe buýt. Cầm tấm thẻ xe buýt, cô nàng tung tăng đến chỗ làm gia sư ở ngõ chợ Khâm Thiên mà không phải lo nắng gắt hay tắc đường.

Cũng giống như thế, Hải Anh (đang bán hàng cho một cửa hàng lưu niệm trên phố cổ) cũng phải chuyển sang đi xe buýt vì không chịu được “nhiệt”.

Tháng đầu tiên đi làm bằng xe máy, cậu ngã ngửa khi tiền xăng xe đã “nuốt” mất nửa tháng lương của mình. “Chuyển đổi cơ chế”, làm thẻ xe buýt tháng và chính thức trở thành “công dân” của xe tuyến 01. “Nhà tớ tận Hà Đông, lên chỗ làm đúng là chỉ đi xe buýt là rẻ và tiện nhất...” - cậu tâm sự.

Đối với những công việc không thể thiếu cái “bình bịch” làm phương tiện thì buộc phải linh động nếu không muốn gọi điện xin gia đình tiếp tế. Quang Hào (ĐHQGHN) đang nhận đưa báo cho các gia đình vào mỗi buổi sáng sớm cho biết. Với mật độ không dưới 30 nhà một ngày, tiền phụ phí là cả một vấn đề mặc dù đã được trợ cấp thêm 200.000 mỗi tháng. Thế là cậu nhận thêm việc chuyển thư, bưu phẩm, quà tặng cho các gia đình cùng cung đường và làm “xe ôm tháng” để giảm tải cho tiền xăng xe.

5h30 sáng, con Wave “tàu” khởi hành với hai chồng báo đầy ứ ự và một lô bưu phẩm đằng sau để 7h30 đã phải tạt qua xóm trọ đưa hai đứa bé sắp vào lớp một đi học. “Có vẻ hơi ôm đồm nhưng đành phải cố thôi, dành dụm để còn kiếm tiền học thêm tiếng Anh nữa chứ...” - Hào phân trần khi đang xốc lại chồng báo để tiếp tục hành trình.

"Xê dịch" mùa... xăng tăng giá

Đi làm thêm là thế, còn với những người đấy ắp dự định cho một mùa “xê dịch”, giá xăng tăng không phải là vấn đề quá lớn.

Vũ Thắng (ĐH Mỹ thuật CN) đã không ngần ngại bán cái xe Nouvo mới coóng của mình đi để chuẩn bị cho chuyến “Tây tiến”. Mua lại con Honda - Jazz (hàng “thịnh” vào những năm 80) của thằng bạn thân “tha” về từ Lạng Sơn với giá... sáu triệu đồng, đeo ba lô và lên đường. Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu... không nơi nào không có dấu vết của “con ngựa chiến” cực “máu” và cực ít... tốn xăng ấy. 

Trở về sau chuyến đi, “chiếc xe sáu triệu” của  Thắng bỗng trở nên có giá, đến nỗi thằng bạn thân lại phải lặn lội lên Lạng Sơn “điều” thêm hai chiếc nữa về phục vụ cho dân chơi mùa du lịch.

Còn đây là câu chuyện của nhóm bạn tám người ĐHBK. Kế hoạch xuôi Cửa Lò bằng xe máy đổ vỡ khi một thành viên gàn vì... xăng tăng giá. Có vẻ như giá xăng tăng vào đúng mùa du lịch đã làm cho những kế hoạch xê dịch của giới trẻ quay ngoắt 180 độ. Thay bằng xe máy, người trẻ bắt đầu chuộng xe đạp và xe buýt.

Hải Dũng và nhóm bạn (PVBCTT) đã có chuyến dã ngoại thú vị bằng... xe buýt. Mười lăm người chui lên xe buýt sang Sóc Sơn thăm đền Gióng và trở về với một lô “hàng hoá ngoại thành”: rau, ngô... mua ở dọc đường cùng ấn tượng về chuyến đi chơi đầu tiên bằng xe buýt.

Những câu chuyện tình mùa tăng giá cũng lắm thú vị. Thay bằng xe máy, buổi sáng, chàng đạp xe đưa nàng đi làm và buổi chiều đón về dạo quanh một vòng hồ Tây hay ra Tràng Tiền ăn kem vừa để tìm lại hương vị của “thuở ban đầu” cũng là vừa để tiết kiệm. Nguyên lí độ bền tình yêu phụ thuộc vào độ... to của lốp xe máy trở nên sai bét, ít nhất là vào thời điểm này.

MỚI - NÓNG