Giấc mơ tiếp thị hình ảnh Việt Nam

Giấc mơ tiếp thị hình ảnh Việt Nam
Một cô gái dám bỏ mọi êm ấm ở Việt Nam, mang theo trong người 6 tháng tiền học và 3 tháng tiền ăn, một mình đi học và leo lên “đỉnh” của những công việc mà chính nhiều người Úc cũng khát khao.
Giấc mơ tiếp thị hình ảnh Việt Nam ảnh 1
Phi Vân: "Tôi sẽ làm một chiến lược tiếp thị hình ảnh Việt Nam " 

Sau những ngày vật lộn với mọi thứ khó nhọc xứ lạ quê người, cô trở về...

Phi Vân nói cô khao khát một hình ảnh mới của Việt Nam: “Kế hoạch lớn nhất trong tương lai của tôi là một chiến lược tiếp thị hình ảnh Việt Nam. Tôi có dự định làm nó và tặng không cho Tổng cục Du lịch.

Đó là vì tôi khát khao một hình ảnh mới, một cách thức mới, một nụ cười mới của Việt Nam.

Bầu trời trước mặt tôi là một lớp trẻ Việt Nam đầy đủ kiến thức và năng lực quản lý không thua kém bất kỳ người nước ngoài nào. Họ sẽ góp phần cho tương lai Việt Nam!”.

Tay trắng... lên đường

Ý định đi du học chỉ bắt đầu khi kinh tế châu Á khủng hoảng vào những năm 1997, 1998. Lúc này tôi đang là Gám đốc Marketing của Khách sạn Saigon Star.

“Tình hình chắc sẽ còn kéo dài, chờ hết khủng hoảng thì biết khi nào. Sao không tận dụng cơ hội này để đi học thêm?”

Lúc ấy, trong đầu tôi cứ đến giai đoạn sau khủng hoảng kinh tế, khi các nhà đầu tư nước ngoài trở lại châu Á và VN, mình sẽ có gì trong tay để làm việc ngon hơn bây giờ? Vậy là thôi, bỏ chức mà đi học vậy. Tôi đi Úc.

Ai cũng cho rằng tôi rất liều mạng khi bước chân lên một đất nước xa lạ mà chỉ có đủ tiền học phí sáu tháng và chi phí sinh hoạt trong vòng ba tháng. Sống như thế nào và tiếp tục đóng tiền học ra làm sao là một câu hỏi mà đôi khi tôi phải giả vờ không nhớ để trấn tĩnh bản thân mình.

Ngay vừa bước chân lên đất Úc tôi đã bắt đầu tìm việc làm. Bạn bè bảo tôi “điên” bởi ai mà đi thuê một du học sinh vừa chân ướt chân ráo từ một nước châu Á đến.

Tôi mỉm cười mặc kệ. May sao một tháng sau tôi có được việc làm. Vậy là ổn! Cả năm đầu tiên chỉ làm dọn phòng khách sạn, bồi bàn, bartender...

Ngày đầu tiên thật háo hức nhưng mấy ngày sau thì chỉ muốn về nước ngay. Xung quanh chẳng có một người thân hay bạn bè, áp lực về chi phí lại quá lớn.

Tiền Việt Nam lúc đó chỉ có giá trị khoảng 1/7 tiền Úc nên có cảm giác như mình không có tiền trong tay, mọi thói quen mua sắm, tiêu xài đều phải từ bỏ một cách không điều kiện.

Từ một Giám đốc tiếp thị ở Việt Nam, tôi đã làm lại từ đầu trên đất khách quê người với một số tiền ít ỏi. Đó chính là quyết định rủi ro nhất và cũng chín chắn nhất dẫn đến bước ngoặt trong cuộc sống và sự nghiệp của tôi.

Chính những năm tháng phải đi học tám tiếng và đi làm tám tiếng đã rèn luyện cho tôi một nghị lực và tính thích nghi cao độ để làm lại từ đầu. Những lúc mệt mỏi nhất, từ “thành công” trở thành một từ lúc nào cũng xuất hiện trong kho từ điển của tôi...

Học để “master” chính con người mình

Hình như tôi là một cô gái quá bướng bỉnh. Hồi ở Việt Nam, tốt nghiệp ngoại ngữ Anh Trường ĐH Tổng hợp, được giữ lại trường làm giảng viên, được một thời gian thấy mình còn “thiếu trước hụt sau” nhiều kiến thức thực tế quá nên bỏ đi làm cho kinh nghiệm dày lên.

Làm từ nhân viên tiếp thị quèn cho tới lúc là giám đốc tiếp thị thì... bỏ đi lần nữa!

Và lần này, tôi bắt đầu bằng khóa học Advanced diploma ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn tại William Blue International Hotel Management School ở North Sydney.

Đây là một trong hai trường đào tạo ngành Quản trị khách sạn nổi tiếng nhất của Úc. Sau khóa học hai năm, vẫn cảm thấy mình chưa khai thác hết năng lực của bản thân.

Coi kỹ lại thì chuyên ngành khách sạn vẫn còn quá hẹp, tôi quyết định tiếp tục học lấy bằng MBA tại Trường Đại học Central Queensland trong vòng bốn năm.

Hệ thống giáo dục tại Úc bắt buộc một sinh viên phải tự lực cánh sinh trong suốt quá trình học tập, từ việc chuẩn bị đọc bài trước khi lên lớp cho đến làm vô số bài viết thu hoạch hay luận án trong mỗi môn và từng khóa học.

Chúng tôi được chuẩn bị một cơ sở rất vững để có khả năng phân tích, giải quyết vấn đề và bảo vệ quan điểm trong bất kỳ hoàn cảnh, môi trường làm việc nào.

Đến năm thứ hai sang Úc, tôi bắt đầu những công việc “sang” hơn một chút như đặt phòng khách sạn, tiếp tân khách sạn. Khi bắt đầu khóa MBA cũng là lúc tôi được nhận vào làm full-time tại Flairview - một tập đoàn viễn thông, địa ốc, du lịch khá lớn của Úc.

Trong vòng một năm tôi được thăng chức và tăng lương từ nhân viên giao dịch khách hàng lên nhân viên phòng phát triển kinh doanh và cuối cùng là giám đốc phát triển kinh doanh phụ trách khu vực châu Á.

Tôi là người Việt Nam duy nhất trong số rất ít nhân viên châu Á của công ty và là nhân viên duy nhất không mang quốc tịch Úc trong tập đoàn này.

Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi của du học sinh thành công ở nước ngoài vì thậm chí trong cộng đồng Việt Nam tại Úc cũng không có nhiều người làm được.

Cứ thử tưởng tượng những khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, kinh nghiệm thị trường... là có thể thấy tôi phải trải qua những năm đầu tiên như thế nào. Sau bước ngoặt này, tôi hoàn toàn tự tin để nói rằng: mình có thể sống, làm việc và thành công ở bất kỳ nước nào.

Ngày tốt nghiệp, thầy chủ nhiệm hỏi sinh viên lớp tôi: “Thế các bạn đã đạt được điều gì sau chương trình này?”. Người thì cho rằng mình đã lấy được bằng MBA, người thì cho rằng mình đã học được rất nhiều kiến thức về quản trị...

Riêng tôi trả lời: “Em cảm thấy mình đã “master” được chính con người của mình”.

Ấy là tôi nói tới một trải nghiệm: Rằng sáu năm qua đã cho tôi sự trải nghiệm nghiêm túc nhất, biết đo lường được tiềm năng bản thân và có thể vận dụng để phát triển tối đa năng lực của mình.

Tôi ý thức được rằng mỗi con người chúng ta đều dự trữ trong mình một tiềm lực vô biên và ai biết cách “quản trị” tiềm lực ấy ắt sẽ thành công. Tôi nghĩ đó cũng là lý do mà ngành quản trị nguồn nhân lực ngày càng phát triển trên thế giới.

Đường về nhà

Với vị trí tại Úc lúc đó, có thể nói cả một sự nghiệp đang mở ra trước mắt tôi. Đời sống vật chất thì thật là thoải mái. Tuy nhiên tôi cảm thấy đã đến lúc người Việt Nam chúng ta thay thế được người nước ngoài trong các vị trí quản lý cao cấp.

Cứ nhìn các nước lân cận như Singapore, Philippines... thì thấy, họ không cần “nhập khẩu” người nước ngoài để điều hành công ty lớn, ngay cả công ty đa quốc gia cũng do chính người trong nước quản lý.

Nói không phân vân khi quyết định thì cũng không đúng vì tôi biết mình sẽ đánh đổi tất cả sự ổn định và cơ hội đang có với một thử thách mới mà chưa biết sẽ đưa mình về đâu...

Thời gian đầu về nước tôi cảm thấy bị áp lực vì không đạt được những mục tiêu công việc mình đặt ra do quá nhiều điều kiện khách quan.

Đường truyền Internet rất chậm, chi phí liên lạc quá cao, phong cách làm việc một số cơ quan rất quan liêu... gây chậm trễ trong công việc cho rất nhiều người liên quan. Nhưng rồi tôi cũng tự tìm cách thoát ra giữa một môi trường đang phát triển...

Công ty bên Úc quyết định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, cho tôi tiếp tục công tác phát triển kinh doanh khu vực châu Á. Tôi đã một mình mở văn phòng cho công ty và làm trưởng đại diện trong vòng một năm.

Thời gian này, tôi nhận rất nhiều hợp đồng tư vấn về marketing cho các công ty nước ngoài mới vào thị trường Việt Nam.

Sau một thời gian nghiên cứu ngành quản trị tại Việt Nam, tôi nhận thấy một lỗ hổng quá lớn: Toàn bộ nhân sự cao cấp phục vụ tầm "chiến lược" của các công ty quảng cáo quốc tế đều nằm trong tay người nước ngoài. Người Việt chỉ có thể làm từng công đoạn cụ thể cấp thấp và không được quyền quyết định.

Tôi muốn mình có mặt ở lĩnh vực này và nhận lời làm cho XPR Campaigns. Công việc của tôi là phụ trách mảng xây dựng chiến lược tiếp thị và quảng cáo. Thật ra, mục đích cuối cùng là giữ vị trí quản lý cao cấp tại Việt Nam hay khu vực cho một công ty tầm cỡ và trở thành nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực.

Một lần trong chuyến giao lưu sinh viên tại Malaysia, một sinh viên Malaysia nói với chúng tôi: “Việt Nam phải mất ít nhất 15-20 năm nữa mới có thể được như Malaysia bây giờ".

Nỗi ám ảnh này đã đi theo tôi suốt cuộc hành trình khẳng định mình. Tôi làm việc, làm việc và làm việc.

Tôi có quá nhiều công việc phải làm: hoạch định chiến lược, giải quyết những vấn đề cụ thể của công ty, tìm ra một hành trình cho những thương hiệu mà tôi phụ trách.

Rồi nữa, công việc ở Hội cựu du học sinh ở Úc với hơn 4.000 thành viên và những sinh hoạt trong các CLB doanh nhân Úc, Anh, Singapore, Việt kiều...

Một công việc khác khá quan trọng với tôi và bạn bè trong ngành quảng cáo, tiếp thị: Thành lập CLB Marketing VN (Vietnam Marketing Network).

Một trang web đang trong giai đoạn hoàn thành, chúng tôi muốn đó là một nơi để các chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo, xây dựng, quản lý nhãn hiệu, tiếp thị, nghiên cứu thị trường... học tập trao đổi kinh nghiệm và chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ ở VN cùng phát triển. Có nhiều việc quá không? Tôi cũng không biết nữa.

Theo Nguyễn Văn Tiến Hùng
Báo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG