Giải nhất cho đam mê

Giải nhất cho đam mê
TP - Trần Minh Cường là một tấm gương tiêu biểu cho niềm say mê với khoa học, tính độc lập và sáng tạo trong nghiên cứu của sinh viên Việt Nam.
Giải nhất cho đam mê ảnh 1
Trần Minh Cường (thứ ba từ trái sang) trong buổi lễ trao giải Sinh viên Nghiên cứu khoa học và giải Vifotec - Ảnh: Như Quỳnh

Là sinh viên lớp máy và thiết bị nhiệt - lạnh, thuộc Viện Khoa học và công nghệ Nhiệt - Lạnh (ĐH Bách khoa Hà Nội) nhưng đó lại không phải là chuyên ngành mà Cường chọn lúc thi đại học. Ước mơ thời  học sinh của Cường là trở thành một kỹ sư Công nghệ thông tin.

Thế nhưng duyên số đã đưa cậu học trò Hải Phòng vào một chuyên ngành cậu chưa bao giờ nghĩ đến: Nhiệt - Lạnh. “Giờ nghĩ lại thấy nó hợp với mình, càng học càng thích thú và chưa bao giờ thấy hết hứng thú cả!” - Cường cười vui vẻ.

Là con út trong gia đình có hai anh em trai, bố mẹ là công chức, từ nhỏ, Cường luôn tỏ ra là một người có tính tự lập, thích tự làm và theo đuổi tới cùng những đam mê của mình.

Dường như hiểu được điều đó, bố mẹ Cường luôn tin tưởng và ủng hộ những quyết định của con. “Mình rất yên tâm mỗi khi nghĩ về gia đình vì những suy nghĩ và quyết định của mình luôn được bố mẹ đồng tình”-   Cường cho biết:

Niềm đam mê và sự nỗ lực đã giúp Cường “rinh” về một lúc 2 giải nhất cho công trình “Nghiên cứu hiệu quả tổng hợp hệ thống bơm nhiệt sấy lạnh”.

Đó là sự tiếp nối từ một ý tưởng thành công của thầy giáo – GS.TS Phạm Văn Tùy - từ năm 2003. Từ ngạc nhiên trước những sản phẩm được hút ẩm và sấy lạnh mà vẫn giữ được màu sắc, mùi vị và cả hàm lượng chất dinh dưỡng tới ngưỡng mộ người thầy – tác giả của công trình, Cường đã nghĩ đến chuyện phải tìm ra một hướng nghiên cứu mới từ công trình này.

Và từ tháng 4/2006 chàng trai vốn quen với tính tự lập này đã đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học với một đề tài đánh giá hiệu quả công trình của… thầy giáo mình!

Cường cho biết: “Hệ thống bơm nhiệt sấy lạnh có rất nhiều ứng dụng trong thực tế như: hút ẩm, sấy lạnh các sản phẩm không thể chịu được nhiệt độ cao... Tuy nhiên, hiệu quả làm việc của các hệ thống bơm nhiệt sấy lạnh trong thực tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: nhiệt độ sấy, tốc độ gió trong buồng sấy...

Do đó, mình đã nghiên cứu và xác định sự ảnh hưởng của các thông số này đến hiệu quả làm việc của hệ thống, từ đó xác định các chế độ làm việc tối ưu phục vụ cho thiết kế cũng như sử dụng hệ thống”.

Công trình của đam mê và chịu khó

Giải nhất cho đam mê ảnh 2
Chiếc máy sấy, sản phẩm từ công trình của GS.TS Phạm Văn Tùy, nơi Cường tiến hành thực nghiệm  

“Chịu khó và say mê” là lời nhận xét về Cường của GS.TS Phạm Văn Tùy (người hướng dẫn).

Thực hiện một công trình nghiên cứu mới đã khó, tiếp nối một công trình đã được nghiệm thu để tìm ra những kết quả mới lại càng khó gấp bội phần. Chính niềm đam mê và sự chịu khó đã giúp Cường đạt được những kết quả ngoài mong đợi.

“Có những hôm tìm ra được một kết quả nho nhỏ là vui vô cùng, thế là cả hôm ấy nhốt mình trong phòng thí nghiệm luôn” - Cường cười. Những con số, những phép tính toán, những lần sấy thử thất bại như có một sức hút lạ kỳ khiến chàng trai đất cảng không biết mệt mỏi.

Cường tâm sự: “Sáng đi học trên giảng đường, chiều tới phòng thí nghiệm làm bạn với những “phép thử”, có khi một ngày bắt đầu và kết thúc đều từ phòng thí nghiệm nhưng chưa khi nào mình thấy chán”.

Nghệ đen là sản phẩm thực nghiệm Cường chọn sấy thử. Kết quả sau nhiều lần sấy, với những tính toán về các thông số và hiệu quả năng lượng, sản phẩm ra được với chất lượng tốt, giữ được tối đa màu sắc và mùi vị.

“Để có được sản phẩm như thế, mình đã phải tiến hành sấy 27 lần với 27 chế độ khác nhau, đó là còn chưa kể, đang sấy máy móc có trục trặc thì phải sấy lại từ đầu.

Từ những khó khăn trong quá trình nghiên cứu giúp mình nhận ra rằng bài học ở mọi nơi. Nếu chịu tìm tòi ta sẽ thấy có những thứ tưởng chừng như rất đơn giản nhưng khi biết ứng dụng đúng chỗ thì rất tốt.

Chẳng hạn như việc áp dụng cách “bẫy nước” (thường làm ở các đường thoát nước để tránh bị mùi hôi xông ngược trở lại) cho nước ngưng do máy xả ra sẽ tự động chảy thay vì phải hứng sau từng chu kỳ mà không sợ không khí lọt vào” - Cường chia sẻ.

Giải nhất cho đam mê ảnh 3
Trần Minh Cường

Sự chịu khó và niềm say mê của chàng trai Hải Phòng đã được bù đắp xứng đáng bằng giải Nhất nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2007, giải Nhất cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC.

Cường còn được nhận huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn. Công trình của Cường cũng là công trình duy nhất đang được Ban Tổ chức cuộc thi đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng giải thưởng WIPO.

MỚI - NÓNG