Giám đốc... online

Giám đốc... online
TP - Một trong những “mốt” mới của dân du học hiện nay là liên kết online với bạn bè, người thân trong nước để làm ăn, trao đổi, nghiên cứu.
Giám đốc... online ảnh 1
Những thành viên của nhóm Trường Sơn nhận giải Ba Trí tuệ Việt Nam 2005

Xu hướng liên kết trên mạng ảo để làm giàu thật đang tràn vào quan niệm sống của những người trẻ năng động.

Làm giám đốc… online

Không chỉ nổi tiếng với vai trò Phó Chủ tịch Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), Nguyễn Việt Hà (SN 1981) còn được đông đảo bạn bè biết đến với khả năng làm kinh tế.

Đang học thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Yokohama theo chương trình học bổng của Chính phủ Nhật, nhưng Hà vẫn đảm trách vai trò… đồng Giám đốc Cty Cổ phần Giải pháp Thông minh ở Việt Nam.

Dù học ngành Tài chính nhưng suốt quãng thời gian ở Nhật, cô cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân này nhận thấy thị trường phần mềm ở Nhật rất tiềm năng.

Lập tức, một ý tưởng táo bạo nổ tung trong đầu: thành lập công ty chuyên gia công phần mềm CNTT ở Việt Nam xuất sản phẩm sang thị trường Nhật Bản. Hà là người đảm nhiệm việc tìm đối tác và đầu ra cho sản phẩm trên đất Nhật.

Để biến ý tưởng thành hiện thực, Hà đã liên kết với 6 người bạn ở Việt Nam - những người bạn cũ có kiến thức về CNTT. Do bận học ở Nhật nên cách tiện ích nhất để làm việc, trao đổi thường xuyên với nhau là dùng email và… chat.

“Từ chuyện tìm đối tác, lo hợp đồng… đến việc thực hiện yêu cầu theo đơn đặt hàng của các đối tác ở Nhật Bản đều được chúng tôi thảo luận kỹ với nhau khi họp qua mạng. Đó là lý do tại sao, tôi luôn treo nick sáng mọi lúc, mọi nơi có thể”, Việt Hà tâm sự.

Với dân IT du học Nhật Bản nói riêng và nhiều bạn trẻ nói chung, mô hình liên kết làm giám đốc online như vậy không phải là cái gì đó quá mới mẻ.

Trước đó, Ngô Văn Tẩu, cựu nghiên cứu sinh thạc sĩ ngành CNTT của Đại học Điện tử Viễn thông Nhật Bản đã rất thành công với mô hình vừa học vừa làm này.

Trong suốt thời gian du học, những ngày tháng làm thêm cho các công ty phần mềm của Nhật đã giúp nhóm bạn Ngô Văn Tẩu, Nguyễn Tấn Minh, Đoàn Mạnh Cường, Trần Xuân Hoà tích góp được những thứ quý giá hơn tiền công 800 yên/giờ được trả lúc đó.

Khi đã có kinh nghiệm và mối quan hệ, Ngô Quang Tẩu về nước thành lập RunSystem Corporation - công ty chuyên gia công phần mềm với sự tham gia của hơn 50 kỹ sư ở Việt Nam.

Công ty liên doanh với 4 đối tác chuyên về phần mềm CNTT khác của Nhật để tạo ra những sản phẩm phần mềm bán tại thị trường Nhật.

Những “đồng đội” còn lại vẫn vừa học, vừa làm chân rết, lo công việc cho công ty ở “đầu cầu” Nhật Bản. Và tất nhiên, phương tiện liên hệ thường xuyên và phổ biến của những đồng giám đốc trẻ này là những thứ mà nhiều người cho là chỉ để tán gẫu trên mạng: Yahoo messenger và Skype.

Cũng trong tình trạng kiêm nhiệm vừa học ở Nhật, vừa làm “sếp” ở Việt Nam nhưng Nguyễn Đức Phương, Giám đốc điều hành Cty TNHH Các Giải pháp liên Nhật Việt (79 Linh Lang, Ba Đình, Hà Nội) lại đầu tư vào lĩnh vực đào tạo tiếng Nhật (Trung tâm tiếng Nhật Tokyo); tư vấn đầu tư; đào tạo và tuyển chọn lao động cho các doanh nghiệp FDI Nhật Bản…

Bận “làm” cho xong bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản nên hoạt động của công ty ở Việt Nam, Phương giao hết cho cậu em trai Nguyễn Trí Toàn – SV năm 4 ĐH Quản lí và Kinh doanh Hà Nội.

“Do Toàn còn thiếu kinh nghiệm nên mình thường xuyên phải “chỉ đạo” qua mạng, hoặc gọi điện thoại khi cần kíp. Mải học và bận làm ăn qua… chat quá nên giờ vẫn chưa có người yêu”, Phương hài hước.

Xu hướng mới của giới trẻ

Giám đốc... online ảnh 2
Nguyễn Việt Hà tại Công ty Dầu khí BP ở Anh

Cùng với những hỗ trợ của CNTT, sự nhanh nhạy, chủ động, ham học hỏi của nhiều bạn trẻ đã giúp họ sát cánh bên nhau cho dù có cách xa hàng nghìn km về địa lý.

Vì thế, ngày càng có nhiều những nhóm liên kết online mà những thành viên là những người 8X đầy sáng tạo. Nhóm Trường Sơn là một trong những ví dụ cụ thể.

Đoạt giải ba trong cuộc thi Trí tuệ Việt Nam vừa qua và đạt nhiều giải ở nước ngoài trước đó, ít ai biết rằng sản phẩm “Giải pháp khám bệnh và theo dõi bệnh nhân thông qua các thiết bị di động” của Trường Sơn được thực hiện bởi những sinh viên đang học tập tại Việt Nam và Singapore.

Với ý định ban đầu làm ra một sản phẩm CNTT dự thi Imagine Cup 2006 do Microsoft tổ chức, Nguyễn Huy Dũng, sinh viên chuyên ngành CNTT, Đại học Công nghệ Nanyang Singapore đã “moi móc” trong danh sách Dean’s List (top 5% SV xuất sắc nhất trường) và mời được 2 bạn Huỳnh Anh Vũ và Nguyễn Thị Nhật Ánh cùng tham gia.

Để tạo ra một sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, nhóm còn mời Nguyễn Thùy Trang, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đinh Thu Trang, sinh viên Đại học Ngoại Thương nhập cuộc.

Sau 4 tháng chat đêm… mỏi tay, làm việc cật lực trên mạng, cuối cùng nhóm đã cho ra đời một phần mềm cho phép khám bệnh qua… điện thoại di động.

Đề tài mang tên “thiết bị nhúng và công nghệ cao cho ĐTDĐ mới” này của nhóm đã được giải Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất cấp độ sinh viên (Best Undergraduate Project) trường ĐH Công nghệ Nanyang Singapore năm học 2004 - 2005.

Không những thế, đề tài này còn được huy chương đồng công trình nghiên cứu khoa học khối các trường Kỹ thuật, giải ba Singapore Sony Ericsson Challenge 2005, giải Ba Trí tuệ Việt Nam 2005.

Nắm chắc quy luật “một cây làm chẳng nên non” của cuộc sống, họ - những thành viên của Trường Sơn và nhiều người trẻ khác - đã đoàn kết nhau thành những “tập đoàn mini” trên mạng để thực hiện những ý tưởng táo bạo mà thoạt nghe tưởng chừng là “nhiệm vụ bất khả thi”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.