Giảm rủi ro, tình nguyện viên cần gì?

CLB Tâm Nguyện Thiện Vi cứu trợ người dân miền Trung bị lũ lụt.
CLB Tâm Nguyện Thiện Vi cứu trợ người dân miền Trung bị lũ lụt.
TP - Tiền trạm, liên kết chặt chẽ với mạng lưới tình nguyện ở các địa phương, siết chặt kỷ luật… đó là những hiến kế của các thủ lĩnh CLB tình nguyện nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trong quá trình làm tình nguyện.

Liên kết mạng lưới tình nguyện viên

Tình nguyện đang trở thành phong trào tạo dấu ấn đẹp trong dư luận xã hội, với hình ảnh những bạn trẻ không quản ngại vất vả, hiểm nguy lên rừng xuống biển, vào vùng tâm lũ cứu trợ nhân dân. Bên cạnh những việc làm tích cực, thời gian gần đây, xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc trong hoạt động tình nguyện. Điển hình, đầu tháng 7/2016, vụ ba nữ sinh trường Ngoại thương tình nguyện bị lũ cuốn trôi ở Quảng Ninh, hay vụ nữ sinh Đặng Thị Thu Hương bị tử nạn khi đi tình nguyện tại Quảng Bình ngày 20/10/2016. Điều đó dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh làm sao đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động tình nguyện. 

Trong đợt lũ lịch sử vừa xảy ra ở các tỉnh miền Trung, CLB tình nguyện Tâm Nguyện Thiện Vi là một trong những tổ chức tình nguyện đầu tiên bất chấp hiểm nguy xông vào vùng tâm lũ kịp thời cứu trợ người dân. Đến thời điểm này, CLB Tâm Nguyện Thiện Vi đã tổ chức được 3 chuyến cứu trợ với hàng chục nghìn tấn mỳ tôm, lương thực, thực phẩm trao tận tay người dân vùng lũ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Chia sẻ về những thành công này, anh Nguyễn Quốc Phương, Chủ nhiệm CLB Tâm Nguyện Thiện Vi cho biết: “Chúng tôi đến với người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) đúng lúc lũ đang dâng cao. Vì nóng lòng giúp đỡ bà con trong lúc “nước sôi lửa bỏng” nhất nên chúng tôi không chút chần chừ, nhưng không phải “làm liều”. Chúng tôi nhờ các tình nguyện viên ở Nghệ An, Hà Tĩnh khảo sát rất kỹ địa bàn, phương tiện đi lại cũng như cách tiếp cận người dân sao an toàn hiệu quả nhất. Khi đã lên phương án, kế hoạch cụ thể, liên hệ trước, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tình nguyện viên ở địa phương dẫn đường, cả nhóm mới sẵn sàng lên đường”.

Anh Phương cho biết, trong chuyến đầu vào Hà Tĩnh cứu trợ trong mưa lũ, mặc dù đã lên phương án rất kỹ nhưng anh lưu ý các tình nguyện viên: Tham gia cứu trợ bằng sự tự nguyện của bản thân; phải biết bơi và xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh thư, địa chỉ cụ thể. Đảm bảo được 3 yếu tố đó mới được tham gia đoàn cứu trợ.

Cũng theo anh Phương, nguyên tắc trong hoạt động thiện nguyện của Tâm Nguyện Thiện Vi là luôn phối hợp chặt chẽ với mạng lưới tình nguyện ở khắp các tỉnh, thành. Mỗi lần tổ chức chương trình thiện nguyện, anh đều nhờ mạng lưới tình nguyện ở địa phương đến trực tiếp khảo sát thực tế, nắm rõ đối tượng mà nhóm muốn đến trao tặng quà, rồi nghiên cứu giao thông đi lại thế nào để đảm bảo an toàn nhất.

“Nguyên tắc của chúng tôi là khi chưa có sự khảo sát, thẩm định thực tế của các tình nguyện viên địa phương thì CLB chưa đến. Khi có kết quả khảo sát, các trưởng phó đoàn sẽ họp lại, lên phương án đi cụ thể rồi mới lên đường. Chứ tự xách ba lô lên đi theo cảm tính là chúng tôi không làm bao giờ, vì như thế không đảm bảo sự an toàn cho đoàn tình nguyện”.

Siết chặt kỷ luật

Chị Nguyễn Thùy Dương, Chủ nhiệm CLB tình nguyện HOPE cơ sở Hà Nội cho biết để tổ chức một chương trình thiện nguyện phải qua các bước: Tiền trạm; tuyển tình nguyện viên; rèn luyện thể lực và kỷ luật. Thùy Dương cho biết, mỗi lần tổ chức chương trình từ thiện, nhóm luôn muốn đi đến những vùng sâu, vùng xa để giúp đỡ người dân.

“Công tác tiền trạm rất quan trọng nhằm nắm bắt rõ địa hình, thời tiết, giao thông đi lại khó khăn không. Nếu thời tiết xấu thì đi lại thế nào, vận chuyển hàng hóa ra làm sao. Tất cả những vấn đề đó phải có phương án giải quyết rõ ràng trước khi lên đường. Trong tuyển tình nguyện viên, Ban chủ nhiệm CLB luôn ưu tiên chọn những người có sức khỏe tốt, không say xe. Đặc biệt, với những chương trình dài hơi như: Mùa hè xanh; Mùa đông yêu thương… các tình nguyện viên phải tập thể dục, chạy bền để rèn luyện sự dẻo dai trước khi lên đường cả tháng. Mỗi chuyến đi bắt buộc phải có một tình nguyện viên có chuyên môn về y tế để tiến hành sơ cấp cứu cho các tình nguyện nếu không may xảy ra tai nạn trong quá trình làm tình nguyện”.

Thùy Dương cho biết thêm, điều quan trọng nhất để tạo sự thành công trong các chuyến thiện nguyện của HOPE đó là tính kỷ luật. “Kỷ luật hết sức nghiêm ngặt, quy định chặt chẽ từ giờ giấc đi lại, ăn, ngủ. Đặc biệt, không ai được tắm ao hồ, sông suối với bất cứ lý do nào… Nếu vi phạm kỷ luật, tình nguyện viên bị phạt nhẹ nhất là khiến trách, nặng nhất là không cho tham gia chương trình nữa. Đã có tình nguyện viên vi phạm kỷ luật bắt buộc phải rời chương trình”.

Anh Vũ Minh Lý, Phó Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên,  Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, T.Ư Đoàn cho rằng, để đạt hiệu quả và đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trong hoạt động tình nguyện cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đội, nhóm tình nguyện với đoàn thanh niên địa phương và chính quyền nơi đón các đoàn tình nguyện. Đặc biệt làm tốt công tác tiền trạm, khảo sát địa bàn để xây dựng kế hoạch tình nguyện chu đáo, khoa học.

“Việc trang bị kiến thức, tập huấn kỹ năng cho sinh viên, thanh niên tình nguyện là vô cùng cần thiết, các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện nội dung này trước khi triển khai tại địa bàn. Tất cả các cơ sở Đoàn, Hội cần quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đoàn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bạn trẻ tham gia vào các hoạt động tình nguyện”, Anh Vũ Minh Lý nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia cho rằng, ý thức kỷ luật của tình nguyện viên là điều cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết trước khi lên đường tình nguyện: Kỹ năng sơ cấp cứu, ứng xử, kiến thức về văn hoá, phong tục tập quán tại địa phương, những quy định chung trong quá trình tham gia tình nguyện...

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.