Gian nan tìm nhà trọ thời tăng giá

Gian nan tìm nhà trọ thời tăng giá
Giá cả đồng loạt tăng, nhiều chủ trọ nhân cơ hội này đẩy giá thuê phòng “nhích” lên một nấc nữa. Thế nên dù không phải mùa nhập học, cảnh sinh viên tìm nhà trọ vẫn tấp nập bởi ít ai chịu được mức giá khá “chát” của chủ.

Đầu tháng 12, ra nộp tiền nhà, Quang (ĐH GTVT, sống ở xóm trọ ngõ 337 Cầu Giấy - Hà Nội) nghe chủ thông báo tiền phòng tăng thêm 150.000 đồng.

Choáng váng. Phòng trọ chỉ hơn 10m2, Quang thuê cùng với một người bạn với giá đã ngất ngưởng là 550.000 đồng, chỉ sau ba tháng giờ lại tăng tiếp.

Chẳng biết làm thế nào, Quang quay về vay tiền người bạn bên cạnh nộp đủ tiền nhà, đồng thời báo với chủ: “Tháng sau cháu trả phòng”.

Cô chủ nói tỉnh bơ: “Đúng sáng mùng một tháng sau, sẽ có người chuyển đến. Cuối tháng cháu cố tìm chỗ mà chuyển đi”.

Không chỉ mình Quang, cả dãy trọ có 12 phòng thì chủ nhân 5 phòng nữa cũng trong tình trạng… “tháng sau sẽ trả phòng”, vì không thể “gánh” giá thuê mới. Sau hôm đó, ngoài giờ học, mọi người lại rậm rịch đi tìm phòng.

Bốn cậu sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Xây dựng thuê căn nhà cấp bốn ọp ẹp ở ngõ 97 Khương Trung, Thanh Xuân với giá một triệu hai, nhưng các cậu vẫn cố cầm cự vì nghĩ giá thuê nhà này đã chẳng rẻ chút nào, chắc sẽ không tăng nữa.

Vậy mà, như “sét đánh ngang tai” khi chủ nhà hủy hợp đồng cũ, báo mức giá mới là một triệu rưỡi, không ở được thì phải chuyển ngay trong tháng.

Phan Trọng Cường cho biết: “Ở đây quen, mọi người không muốn chuyển đi một chút nào. Nhưng giá mới cao quá, nếu thêm người thì không thể chèn nổi một chiếc xe đạp nữa”…

Cơ cực với nhà giá rẻ

Trước đây, những vùng “ngoại ô” Triều Khúc, Phùng Khoang là lựa chọn của sinh viên Kiến trúc, Ngoại ngữ, Nhân văn, Bưu chính…; các làng Phú Mỹ, Nhân Mỹ (Mỹ Đình) là “vùng xa xôi” của sinh viên ĐH Quốc gia, Thương mại, Sư phạm vì giá rẻ hơn nhiều nơi khác. Nhưng bây giờ cũng tăng chóng mặt, phòng trọ không có giá dưới 400 nghìn.

Có một tuần để chuyển đi chỗ khác, Nguyễn Hồng Hoa (ĐH Sư phạm Hà Nội) lang thang khắp các ngõ ngách ở Cầu Giấy, lên tận Diễn, Nhổn tìm nhà nhưng không tìm nổi một phòng vừa tiền, vừa ý.

Cuối cùng, Hoa tìm được được một chỗ ở khu trọ không thể bẩn hơn được nữa ở Cầu Diễn với giá 270.000 đồng/tháng. Phòng nằm ở cuối dãy, sát ngay cạnh nhà vệ sinh ống (không dội nước) từ hàng chục năm trước. Bể chứa nước cũng nằm ngay cạnh đó.

Một cô bé phòng bên cạnh nói với Hoa: “Hồi trước phòng cuối này là cống chứa phân lợn nên mới hôi thối thế này. Các phòng khác là chuồng lợn nên… đỡ hơn”.

Cảnh Cường và các bạn đi tìm nhà cũng gian nan không kém. Có thời gian rảnh rỗi là hai cậu len vào mọi ngõ ngách. Không phải là không có phòng, nhưng đến đâu cũng nghe hỏi: “Thuê phòng bao nhiêu?” Hai cậu nói giá mình thuê ra, họ lại lắc đầu: “Giá ấy tìm đâu ra!”

Cuối cùng, được người quen giới thiệu cho một phòng ở cuối phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) với giá 350.000 đồng, nhưng đến nơi Cường mới biết “tiền nào của nấy”.

Căn phòng như một lô cốt bịt kín, ngoài cánh cửa ra vào không hề có một lỗ hở. Cách cửa ra vào chỉ hơn hai gang tay bị ngay phần “lưng” của phòng khác. Vì thế ngày cũng như đêm cả xóm trọ đều phải sáng điện.

Chưa hết, Cường chỉ vào đống chăn gối của mình, nhăn nhó: “Tối nào lũ chuột cũng thi nhau tè ướt hết cả chăn. Giặt thì chẳng có nước, chỗ phơi cũng chẳng có, thôi thì sống bẩn cho quen vậy”.

Thế nên cũng không có gì lạ khi Cường mong “suốt ngày đi học, không phải về nhà”.

“Không có gì khổ bằng đang ở yên ổn lại phải chuyển đến ở tối tăm, ẩm thấp. Nhưng biết làm sao được, giá cả phòng trọ tăng dần nên sinh viên lại phải đi tìm những chỗ trọ rẻ hơn, tiền nào của nấy mà.

Phòng “ổ chuột” thế này nhưng vẫn mong chủ không tăng giá để thoát cảnh tìm nhà, chuyển nhà” - Cường nói.

Theo Hoài Nam
Dân trí

MỚI - NÓNG