Giang hồ bãi vàng và chuyện tình phục thiện

Giang hồ bãi vàng và chuyện tình phục thiện
TP - Từ một sinh viên tương lai phới phới, anh trở thành kẻ giang hồ khét tiếng ở các bãi vàng miền núi phía Bắc. Ngập ngụa trong khói thuốc phiện, rượu chè, cờ bạc, anh sẽ tàn đời nếu không có tình yêu của một cô sơn nữ….
Giang hồ bãi vàng và chuyện tình phục thiện ảnh 1
Vợ chồng anh Hưu - chị Tuyến kể chuyện đời mình

Trần Anh Hưu có đôi mắt và bộ ria con kiến “biết nói”  trên gương mặt ngăm đen từng trải. Người đàn ông to lớn này-  ngồi đối diện với tôi-  kể lại những ngày đi tìm vàng đầy “máu lửa”: “Chẳng ai nghĩ tôi sẽ trở thành giang hồ bãi vàng.

Tôi sinh ra trong một gia đình có 9 anh em ở Giao Thủy, Nam Định. Tôi ham học, chỉ ước mơ đậu vào trường Kinh tế Kế hoạch. Thi đại học thiếu mất 0,5 điểm nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn vào Đại học Mỏ, tôi không học mà đi bộ đội, trong quân ngũ đã được kết nạp Đảng.

Ra quân, nghe lời khuyên của anh trai, tôi  vào Đại học Mỏ. Mấy học kỳ đầu ở Đại học Mỏ, tôi học khá, nhưng môn triết bị điểm kém nên không đủ tiêu chuẩn đi nước ngoài. Chán nản, tôi bỏ học về nhà, ôn thi, quyết tâm đậu bằng được vào trường Kinh tế Kế hoạch.

Chỉ còn 1 tháng nữa đến kỳ thi Đại học nhưng lúc đó, gia đình khó khăn quá, lại nghe tin đồn: Ở huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai người ta đào được nhiều vàng lắm. Tôi liền xếp bút nghiên theo việc...tìm vàng, từ đấy bị cuốn theo cơn lốc vàng, quên cả mộng đèn sách...”

Bãi vàng huyện Văn Bàn năm 1985 xuất hiện một chàng thư sinh trông có vẻ lạc điệu so với mảnh đất bạo liệt này. Hưu vào đến bãi vàng thì gặp mấy người phụ nữ ở lán, trong đó có cô gái trẻ mà ngay từ cái nhìn đầu tiên đã khiến trái tim anh xốn xang...

Đang độ  tuổi 17, Phạm Thị Tuyến đẹp rực rỡ như một bông hoa rừng mặc dù từ nhỏ vẫn phải ăn đói mặc rét. Nhà đông anh em, 9 tuổi Tuyến  phải đi bán nước dạo ngoài bến xe. Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, gia đình Tuyến từ Lào Cai sơ tán xuống Yên Bái.

Bố đi vớt củi, mẹ bắt cua, nhà có cái ri đô cũng phải xé ra để may quần cho mấy chị em Tuyến....Trong bước đường mưu sinh, Tuyến tìm đến bãi vàng làm thuê...

Hưu nhập vào nhóm của Tuyến. Nhưng chỉ mấy ngày sau, Tuyến phải rời bỏ bãi vàng vì không chịu nổi sự khắc nghiệt ở chốn thâm sơn này. Song sự ra đi đó lại  khởi đầu cho một chuyện tình.

Hưu bắt tay vào đãi vàng và cáng đáng hết những công việc nặng nhọc mà mấy người phụ nữ chân yếu tay mềm trong nhóm không làm được. Dần dần, Hưu thành  lập một đội của riêng mình, cung cách làm ăn ngày càng “tư bản”.

Hưu  thuê cửu vạn thành lập 14 đội, mỗi đội 6 người, nuôi ăn trả lương tháng. Khi dòng vàng bắt đầu đổ vào túi, Hưu bắt đầu sa đà cờ bạc.

Vị đại ca này lúc ấy đã lôi dậy không biết bao nhiêu đàn em gục xuống bên bàn đèn thuốc phiện. Nhưng chẳng ngờ, đến một ngày kia Hưu cũng gục xuống bàn đèn. 

Cuộc sống ở bãi vàng thật hoang dã. Một vòng quay hình thành: Đào được vàng, phê thuốc phiện, rồi lại rợn người vì một lưỡi dao của tướng cướp kề vào cổ bắt “nôn” ra hết số vàng vừa đãi được. Vì thế, Hưu bắt đầu phải nghĩ cách chống lại.

Có lần, nhận được tin  40 tên cướp từ Phố Lu (Lào Cai) đang vào trấn lột vàng của mình, Hưu nhanh chóng chuyển “quân” vào bản tìm súng để đối phó...

Với những “chiêu thức” thông minh và không kém phần liều lĩnh, Hưu nhanh chóng gây dựng được “số má” ở vùng đất dữ này. Hưu đứng đầu đội quân đào vàng lúc ấy được xem như một “đế chế”.

“Đế chế” suy tàn

Sau khi rời bãi vàng, Tuyến đi buôn đường dài bị vỡ nợ, trong cơn cùng quẫn đã trở lại vùng đất dữ. Đêm ấy, bãi vàng có người chết, chưa kịp chôn, xác để  ngay bên cạnh lều. Tuyến sợ không dám đi ngủ.

Hưu bảo: “Em cứ nằm cạnh anh mà ngủ”. Nhìn thấy sự chân thành trong mắt Hưu, Tuyến nghe lời. Đêm ấy, Tuyến đã rúc vào nách Hưu ngủ một giấc ngon lành mà chẳng có chuyện gì xẩy ra.

Đêm ấy “lửa gần rơm nhưng không cháy”, nhưng thực ra “lửa” đã “cháy” trong lòng họ. Rồi họ yêu nhau và có một đám cưới độc đáo giữa rừng sâu. Anh chị Hưu-Tuyến vẫn nhớ như in đó là ngày 16/6/1987. Đêm ấy, họ lấy nửa vầng trăng trên trời làm giấy giá thú, chiếc liếp tre ọp ẹp làm giường tân hôn.

Nhưng sau đó, “đế chế” của Hưu dần dần lụi tàn. Đến mức kẻ một ngày đốt cả cây vàng vào bàn đèn thuốc phiện như Hưu phải về quê vay mẹ hai chỉ vàng, để cùng 10 đệ tử sang đất Tuyên Quang.

Họ đến bãi vàng đúng lúc nước sông Gâm đang lên, phải chờ đến mùa cạn mới có thể hạ trại. Sau đó, Hưu lại tìm lên đất Bắc Quang - Hà Giang vào đúng những ngày giáp Tết. 

Đêm 30 Tết, Tuyến bụng chửa vượt mặt vẫn phải cùng chồng và mấy người thân tín vượt rừng trốn bọn cướp đang truy đuổi. Họ chia làm 2 đoàn để tránh cướp, Hưu đi trước, Tuyến đi sau. Cuối cùng Tuyến vẫn bị cướp sạch tiền vàng và đau đớn hơn, cô bị sẩy thai.

Sau cái đêm khủng khiếp đó, Tuyến về nhà bố mẹ đẻ, cô muốn đoạn tuyệt với các bãi vàng-nơi đầy tội ác và tệ nạn, nơi tính mạng nhân phẩm con người hạ giá.

Không nghề không nghiệp, Hưu vẫn mải mê đi theo tiếng gọi từ những bãi vàng. Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Ba Vì, Đà Nẵng, Đà Lạt... đều là những địa danh Hưu đã đào vàng, đánh bạc và hút thuốc phiện.

Bây giờ ngồi tính lại, người đàn ông này đưa ra một con số “gây sốc”: Đời tôi đào đãi được gần 1.000 cây vàng rồi đổ cả vào chiếu bạc và bàn đèn...Thế mà vẫn túng, con trai đầy tháng Hưu chỉ còn 2 phân vàng đưa cho đàn em mua hai chỉ thuốc phiện để “ăn mừng”...

Một lần hiếm hoi về thăm con ở nhà bố mẹ vợ, trớ trêu thay, vừa bế con vào lòng thì Hưu lên cơn vật thuốc... Bố vợ không chịu nổi đứa con rể nghiện hút. Ông nói với Hưu: “Tôi không bố con gì với anh”.

Hưu bỏ đi. Tuyến khóc, nhưng lại chạy theo chồng. Họ lên tàu. Vô định. Đi đâu, về đâu? Tàu dừng ở ga Mộc A, chẳng hiểu sao cả hai vợ chồng đều nghĩ mảnh đất neo đậu đời mình đây rồi. Họ xuống ga.

Đang chưa biết nương thân ở đâu thì họ được gia đình ông Lạp bà Phụng cho ngủ nhờ. Hẹp nhà nhưng rộng bụng, gia đình ông Lạp đã cưu mang vợ chồng Hưu như người ruột thịt. Khi hai vợ chồng ra thuê trọ ở chợ, ông bà vẫn giúp đỡ từng cái bát ăn cơm, cái chổi quét nhà...

Tìm được “vàng mười của cuộc sống”

Trong tay chỉ có 400 trăm nghìn, Tuyến kiếm sống bằng nghề buôn thúng bán mẹt. Trong khi vợ tất tả ngược xuôi, thì Hưu vẫn bị nàng tiên nâu bám riết. Một lần, đang hút bên bàn đèn, công an ập đến.

Anh Lê Nguyên Hòa – Công an thị trấn Mộc A hẹn Hưu lên trụ sở, hỏi: “ Có bỏ được thuốc phiện không?”. “Bỏ được”. Anh Hòa bảo: “ Mày về đây, tao tạo điều kiện cho mày làm ăn, không tạo điều kiện cho mày hút xách. Nếu mày bị bắt lần thứ hai thì tao sẽ trục xuất  mày khỏi đất này”.

Anh Hòa giờ đây đã là Chủ tịch UBND thị trấn Mộc A và Hưu vẫn luôn nhớ về người ấy với sự hàm ơn.

“Tôi bỏ được thuốc phiện bằng cách cai vo-Hưu trầm tư nói-Lúc mới cai  nước mắt chảy ròng ròng, tay chân đau buốt như kiến bò tận xương tủy, vật lên vật xuống. Nhưng khi tỉnh dậy thấy vợ ngồi bên, nhỏ nhẹ: “Anh ơi đừng hút nữa”.

Tôi lại quyết lao vào làm việc để cắt cơn nghiện. Tôi nuôi lợn, tôi làm cửu vạn, tôi lên tàu đi buôn hoa quả với vợ. Có lúc, vật quá, chui xuống ghế tàu nằm. Chính tình yêu của vợ đã “giết chết” nàng tiên nâu bám tôi mười mấy năm nay”.

Cả hai vợ chồng tích cóp mua được một ngôi nhà nhỏ gần chợ, Tuyến đi buôn chuyến...Đến năm 2000, hai vợ chồng ngồi kiểm điểm lại kinh tế gia đình. Giật mình. Nợ  hơn 100 triệu đồng.

Còn ít vải ế, Tuyến đưa lên thị xã Yên Bái  thuê người ta may túi để bán. Lúc ấy, Hưu tự hỏi: Tại sao lại phải thuê, trong khi mình có thể tự làm. Bố mình làm thợ may kia mà?

Hưu thuyết phục vợ đi mua vải vụn về để may túi bán. Nhưng đường kim mũi chỉ ban đầu còn vụng về, nhưng sau trở nên thành thạo. Một  cân vải vụn may được ba cái túi. Ba túi bán được 50 nghìn. Cứ thế, mỗi tạ vải vụn may túi bán lãi 4 triệu đồng. Hưu ngồi ở nhà, may ngày may đêm...

Hai vợ chồng ngược xuôi mua vải vụn. Hơn một năm sau, gia đình Hưu đã “ngoi lên được mặt đất”, số nợ hơn 100 triệu đã trả xong. Lúc đó, túi vải bắt đầu ế, Hưu lại nghĩ đến việc may quần áo bán.

Vợ không tin vào tay nghề của chồng, bắt đi học may. Nhưng Hưu bảo: Cho ít vải để  may thử. Hưu may thử. Anh vẫn nhớ cái quần đầu tiên đũng hơi bị hẹp nhưng vẫn bán được. Sau đó, quần áo Hưu may cứ đẹp dần.

Giờ đây, xưởng may của họ đã phát triển tới hơn 40 công nhân. Quần áo từ xưởng vươn tới các thị trường từ Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội... Anh chị xác định làm quần áo dành cho người nghèo, nhưng đường may bao giờ cũng phải kỹ lưỡng.

Hưu không cho phép bất cứ một sự cẩu thả nào, bởi như thế khác nào “móc túi” người nghèo. Hàng của vợ chồng Hưu đã có uy tín đối với người dân Yên Bái, Lào Cai, giờ đây họ đang muốn phát triển thành một thương hiệu trong nước.

Chẳng biết tự bao giờ xưởng may của vợ chồng Hưu trở thành bến đậu của những mảnh đời éo le, bất hạnh. Hào, con liệt sỹ, làm ở một cơ quan Nhà nước trót dính vào nghiện hút, bị đuổi việc. Hào được Hưu mời về xưởng may, cho học nghề.

Tại đây Hào gặp Thơm – công nhân may. Họ yêu nhau rồi nên vợ nên chồng. Đức, một cô gái mồ côi cha, mẹ lại vừa qua đời, bơ vơ phải bán kim chỉ kiếm sống. Vợ chồng Hưu mời Đức về, dạy nghề may, sống chan hòa như người một nhà...

Hơn chục năm ngụp lặn với giang hồ, giờ đây Hưu ngộ ra rằng: Tình người mới là thứ “vàng mười”  của cuộc sống. 

Từ một kẻ đã có những năm tháng sống bạt mạng, Hưu trở thành người nhân nghĩa, tri ân. Cụ Nguyễn Thị Lại, 74 tuổi có cô con gái duy nhất bị lừa bán sang Trung Quốc, được vợ chồng Hưu qua lại thăm nom như mẹ.

Ông Lý xe thồ, vợ mất sớm, một mình gà trống nuôi con...Ông sẽ khó nuôi nổi mấy đứa con ăn học, sẽ tủi thân đến phát khóc nếu không có vợ chồng Hưu cứ đầu năm học mới đến biếu quần áo sách vở, và thỉnh thoảng  giúp đỡ ít tiền học cho các cháu.

“Tôi muốn biến cái không thể thành có thể. Muốn xưởng may phát triển để giúp được người nghèo nhiều hơn ”-Hưu nói đầy tự tin. Và tôi nghĩ với vốn liếng “vàng mười” ở nơi ga xép này, đôi vợ chồng ấy sẽ thành công.

Ông Lê Nguyên Hòa - Chủ tịch thị trấn Mộc A , huyện Văn Yên, tỉnh Lào Cai, người trực tiếp bắt giữ Trần Anh Hưu hút thuốc phiện hơn 10 năm trước nói:

Trước khi  giữ chức Chủ tịch thị trấn Mộc A  tôi làm công an xã,  tiếp xúc  với rất nhiều  đối tượng nghiện hút. Nhưng trong hai mươi năm làm công an, tôi chỉ chứng kiến có một trường hợp duy nhất đoạn tuyệt được thuốc phiện, đó là anh Hưu.

6 người bị bắt cùng đợt với anh Hưu sau đó đã chết vì ma tuý, chỉ mỗi mình anh Hưu cai nghiện thành công và xây dựng kinh tế gia đình trở nên khá giả. Bây giờ, xưởng may của vợ chồng anh Hưu hoàn toàn đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp.

Vợ chồng anh Hưu đã giúp đỡ nhiều người nghèo, thanh niên nào ở địa phương thất nghiệp, nghiện hút, hay có hoàn cảnh éo le, anh Hưu thường đến tận nơi, động viên rồi dạy nghề, nhận làm công nhân, trả lương đàng hoàng. Với tư cách là lãnh đạo thị trấn Mộc A, tôi ghi nhận đóng góp này của vợ chồng anh Hưu, chị Tuyến.

MỚI - NÓNG