Gieo chữ nơi đất mũi Cà Mau

Cô giáo Nhung đã có gần 20 năm dạy học cho trẻ em nơi đất mũi Cà Mau. Ảnh: Xuân Tùng.
Cô giáo Nhung đã có gần 20 năm dạy học cho trẻ em nơi đất mũi Cà Mau. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Đã gần hai chục mùa nước lũ, cô giáo Phạm Thị Nhung (Trường Tiểu học 2 Khánh Bình Tây) tận tụy gieo những con chữ và lan tỏa ước mơ nghề “trồng người” cho nhiều thế hệ học trò xã nghèo Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Cô Nhung là một trong số 42 giáo viên được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2016.

Thương trò nghèo

Dọc theo con đường nhựa chạy xuyên qua những bờ lau hun hút, cánh đồng mênh mang nước và kênh rạch chằng chịt, chúng tôi tìm đến nhà cô Phạm Thị Nhung trong chiều mưa cuối tháng 10. Ngôi nhà khang trang mới được dựng từ tiền lương giáo viên ít ỏi được hai vợ chồng dành dụm suốt nhiều năm. Cô Nhung cho biết quê gốc ở Nghĩa Hưng (Nam Định), sinh ra trong gia đình nghèo có 6 anh chị em. Để có cơ hội tiếp tục đến trường và nuôi dưỡng ước muốn làm giáo viên, học xong lớp 9, cô theo anh trai vào lập nghiệp ở vùng sông nước Cà Mau. Vượt qua những ngày lạ lẫm và những chiều khóc nhớ nhà, cô vừa học vừa làm, hiện thực hóa ước mơ đứng trên bục giảng truyền dạy con chữ.

Những năm đầu tiên đi dạy, cô Nhung gắn bó với nhiều điểm lẻ của trường Tiểu học Nông trường Khánh Hà, cách trở sông nước, kênh rạch. Trường lớp đơn sơ vách lá, bàn học là tấm ván đặt lên những cành cây cắm thẳng xuống nền đất, thiếu thốn dụng cụ học tập, sách vở. Học trò thưa thớt lại lệch tuổi so với cấp học, có em 14-15 tuổi mới vào học lớp 1. Nhiều học trò là con em gia đình nghèo, con em đồng bào dân tộc nên trình độ nhận thức còn hạn chế. Phụ huynh không mặn mà cho con đi học với lý do “chỉ biết lấy táo đong lúa gạo chứ không ai lấy táo đi đong chữ”. Nhiều trường hợp cho con nghỉ học để phụ giúp bố mẹ việc nhà khi mới thuộc mặt chữ. “Khi đó tôi thấy chạnh lòng, càng thương cảm hơn và quyết tâm nỗ lực vì học trò”, cô Nhung tâm sự.

Tìm đến ngôi trường cô Nhung công tác và nghe đồng nghiệp chia sẻ, chúng tôi càng thêm cảm nhận tình yêu trẻ, tận tâm hy sinh với nghề của cô và sự đồng cảm, sẻ chia của người bạn đời cũng là giáo viên. Vì điều kiện gia đình nội ngoại đều nghèo khó, lại xa xôi, hai vợ chồng cô lên lớp đành gửi con nhỏ. Những khi không gửi được ai, cô đành khóa cửa để con chơi trong nhà. Ai cũng bảo cô liều, nhà cửa thì xiêu vẹo, có thể sập bất cứ lúc nào, nhất là những ngày mưa gió. “Hồi đầu con nói không dám ở nhà một mình, nhất là hôm mưa gió. Tôi động viên rồi dặn nhà sập con cứ chui xuống gầm giường trú. Có đêm khuya nằm cạnh thấy con mãi còn thức, hỏi thì con nói sợ ngủ không biết chui xuống gầm giường khi nhà sập”, cô Nhung kể.

Hạnh phúc người gieo chữ

Trong suốt thời gian gần 20 năm làm nghề, cô Nhung luôn dành tình cảm, thời gian và công sức để truyền con chữ, kiến thức cho học trò. Cô tình nguyện dạy thêm ngoài giờ để kèm cặp, rèn học sinh yếu. Cô tham khảo tài liệu và có nhiều sáng kiến làm đồ dùng giảng dạy giúp học sinh tiếp nhận kiến thức dễ dàng, nhanh hơn.

Cô Nhung cho biết, động lực gắn bó với nghề chính là sự trưởng thành và tình cảm của học trò. “Niềm vui nhất của tôi là mỗi ngày thấy các em khôn lớn và trưởng thành. Có nhiều em thành đạt công tác nhiều vị trí trong xã hội, cũng có em đã tiếp bước trở thành người thầy người cô về công tác tại ngôi trường thân yêu này”, cô nói.

Đến nay, cô Nhung vẫn xúc động khi kể về nụ hôn và bông hồng của cô học trò tên Trần Thị Loan - nay đã trở thành đồng nghiệp và dạy cùng trường với cô. “Đó là món quà đầu tiên sau hơn 10 năm tôi gắn bó với các học trò ở xã Khánh Bình Tây. Đó cũng là món quà tôi không thể nào quên trong suốt cuộc đời cầm phấn của mình”, cô Nhung tâm sự.

Cô Trương Xuân Đào - Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 Khánh Bình Tây nhận xét: Cô Phạm Thị Nhung là giáo viên nghị lực, tận tụy với nghề “luôn là người đi sớm về sau” và dành nhiều tình cảm cho học trò. Cô có nhiều sáng kiến góp phần vào nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường. Học sinh cô dạy từ khối 2 đến khối 5 không có học trò lưu ban, riêng khối lớp 1 tỷ lệ ngày càng giảm. Đến nay, cô giáo Nhung nhiều năm liền đạt thành tích Lao động tiên tiến, Giáo viên giỏi cấp huyện, Chiến sỹ thi đua cơ sở.

Hôm nay, 42 giáo viên tiếp kiến Phó Chủ tịch nước

Từ 11 đến 13/11, tại Hà Nội, 42 giáo viên vùng biển đảo được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016”. Các giáo viên sẽ tham gia nhiều hoạt động quan trọng. Hôm nay (11/11), 42 giáo viên sẽ tiếp kiến Phó Chủ tịch nước, sau đó tham dự Lễ tuyên dương và gặp Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2016 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long và Bộ GD&ĐT tổ chức. Mỗi thầy cô được nhận sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.

MỚI - NÓNG