Gió biển trưa ấy nhuốm héo rặng phi lao

Gió biển trưa ấy nhuốm héo rặng phi lao
TP - Em đã từng nói rất yêu biển và yêu lính biển. Đêm chia tay anh lên đường ra đảo, em thì thầm lời ca sâu lắng: “Không xa đâu, Trường Sa ơi. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”...
Gió biển trưa ấy nhuốm héo rặng phi lao ảnh 1
Chàng lính biển cả gửi tất cả niềm tin và hy vọng ở người con gái quê nhà trước ngày ra đảo Trường Sa

Đó là những tâm tình trên trang đầu cuốn nhật ký mà bao năm qua cựu lính biển Nguyễn Hải Đăng vẫn mang theo…

Hải lộ tới Trường Sa thật khốc liệt. Những ngày đầu chưa quen lắc lư với con tàu, lính trẻ tò te như Đăng cứ nôn thốc tháo. Mệt nhoài, nhưng không hề chi, bởi sau lưng anh là cô người yêu Hương Mơ đã gửi gắm bao niềm tin.

Xa đất liền, mỗi buổi chiều tà, Đăng lại cùng đồng đội ôm đàn hát nghêu ngao cho vơi nỗi nhớ. Khi chia tay, Hương Mơ đã hứa: “Mỗi tháng em sẽ gửi một lá thư ra đảo. Ba năm xa cách đối với em cũng dài lắm. Nhưng em sẽ đợi anh về…”.

Nắm chặt đôi bàn tay người yêu, Đăng hứa: “Ra đến nơi, anh sẽ viết thư cho em ngay…”. Mơ khẽ hỏi: “Lỡ anh quên viết thư cho em thì sao?”. Đăng cười: “Thì em cứ đi lấy chồng”. Mơ nhéo tay anh: “Em đã yêu ai thì người ấy phải cưới em”.

Một tháng, hai tháng trôi qua, vẫn không có lá thư nào của người yêu hồi âm, Đăng rất buồn. Anh viết cùng lúc 2 lá thư gửi cho Mơ và trách cô nhiều lắm… 

Vào những ngày nghỉ, Đăng tranh thủ tìm những con ốc thật đẹp xâu kết lại thành từng cành hoa để dành ngày trở vào đất liền sẽ mang tặng người yêu. Anh chọn con ốc to nhất khắc tên hai người lên vỏ, rồi đưa lên miệng thì thầm: “Mơ ơi, mãi yêu em”.

Nhiều đêm nhớ người yêu. Đăng lại rón rén bật đèn pin, viết nhật ký. Bao nhiêu nỗi niềm cứ trải dài ra trên từng trang sổ. Anh sẽ trao cuốn nhật ký cho Mơ trong ngày trở về gặp mặt để người yêu hiểu tình cảm của mình.

Rồi ngày trở vào đất liền cũng đã đến. Đăng sung sướng như muốn gào thét lên . Theo kế hoạch, Đăng cũng được về phép thăm quê (Nghệ An). Suốt chặng đường dài trên biển, rồi trên xe ô tô, Đăng đã rất mệt, nhưng nghĩ đến được gặp Mơ, anh lại thấy khỏe ra.

Xuống xe, khoác ba lô trên vai, Đăng đi tắt qua mấy cánh đồng. Đến đầu làng, nghe có tiếng loa hát vang.  Thấy anh, mấy cậu bé chăn trâu reo lên: “Chú bộ đội hải quân. Làng mình có đám cưới đấy. Ngày mai cô Mơ lấy chồng”. “Mơ nào, cháu?”. Chú bé trả lời: “Cô Mơ nhà bà Mận”.

“Trời!”- Đất như sụp dưới chân, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu dự định Đăng muốn nói với người yêu, để rồi thế này đây. Anh trấn tĩnh, đi thẳng đến nhà Mơ. Thấy anh lính hải quân bước vào ngõ, Mơ từ trong bếp chạy ra.

Mơ kể cho Đăng tất cả. Chẳng hiểu vì sao, cô không nhận được lá thư nào của Đăng. Nhớ anh nhiều nhưng không có địa chỉ, Mơ biết gửi thư sao đây? Càng chờ, càng mất hy vọng. Mặc dù vẫn còn yêu Đăng, nhưng mọi người trong gia đình cứ khuyên bảo, rồi ép cô lấy chàng trai khác vì “con gái có thì...”.

Nhìn thẳng đôi mắt ngấn lệ của người yêu, Đăng ngậm ngùi: “Em không có lỗi”.

Đăng trở về đơn vị khi chưa hết phép. Gió biển trưa ấy như nhuốm khô héo rặng phi lao. Về đơn vị, Đăng ghi câu cuối cho cuốn nhật ký trước khi cất nó vào đáy ba lô: “Đau khổ này anh chịu được miễn là em hạnh phúc! Lính mà em”.

MỚI - NÓNG