Giới trẻ Đài Loan nghiện trầu

Giới trẻ Đài Loan nghiện trầu
Nó có vị rất đắng, nó làm đen răng và theo nhiều chứng minh khoa học thì nó có thể gây bệnh ung thư. Nhưng đồng thời, nó cũng làm bạn cảm thấy phấn chấn và... là lạ!
Giới trẻ Đài Loan nghiện trầu ảnh 1
Chia Lin Pan, một cô gái bán cau dọc đường quốc lộ ở Đài Loan đã được 3 năm nay. (Ảnh: VNN)

Và đó là lý do tại sao chính quyền Đài Loan đang gắng hết sức để kêu gọi một bộ phận những-người-nghiện-trầu, hầu hết là giới công chức trẻ và sinh viên năm cuối, bỏ thói quen này.

Nó không những là một mối nguy hiểm cho sức khoẻ của thế hệ trẻ, mà những vết trầu màu đỏ trên vỉa hè trông cũng chẳng đẹp mắt và vệ sinh chút nào.

“Phong trào” nhai trầu cau bắt đầu từ những người lái xe tải ở Đài Loan. Họ nhai cau vì thấy nó mang lại cảm giác ấm nóng, phấn chấn, giúp họ tỉnh táo suốt những chuyến đi dài vào buổi đêm.

Sau đó, nó lan sang giới trẻ: những sinh viên phải thức khuya vì sắp đến kỳ thi, những công chức trẻ phải chịu sức ép công việc...

“Nhai cau cho cảm giác rất thú vị. Hoặc vừa nhai vừa hút thuốc lá và uống một ngụm Wisby (nước tăng lực) thì rất sảng khoái”, Lin Shuei-wang vừa nói vừa cho vào miệng một miếng cau tươi được gói trong lá trầu có quệt vôi.

Những nỗ lực để buộc giới trẻ Đài Loan bỏ thói quen này bắt đầu từ vấn đề “thuần phong mỹ tục”: nghiêm cấm các cô gái trẻ bán trầu cau ăn mặc hở hang (vì hiện nay, các cửa hàng bán trầu cau đều có nhân viên bán hàng là các cô gái mặc váy ngắn và đôi khi là cả... áo hở rốn); đến vấn đề môi trường: phạt những người nông dân chuyển từ nhiều nhóm cây trồng có ích khác sang trồng cau (rễ nông) làm hại đất đai.

Không những thế, chính quyền Đài Loan cũng lo lắng vì rất nhiều cô gái nói rằng ngồi chẻ cau và bán trầu còn kiếm nhiều tiền hơn là học hành khổ sở rồi làm việc trong một dây chuyền nào đó ở một trong số rất nhiều nhà máy công nghệ cao của Đài Loan.

“Tôi chưa từng thấy công việc mùa vụ nào lương cao như bán trầu cau”, Hsiao Han nói. Cô mới 23 tuổi, ngày nào cũng mặc áo ngắn, váy siêu ngắn và đi guốc cao 12cm, bán trầu cau ở một quầy trên đường cao tốc.

“Tôi dễ dàng bán được hơn 100 hộp mỗi ngày. Mỗi hộp trầu cau to bằng bao thuốc lá, được bán với giá 50 Đài tệ (khoảng 25.000 VNĐ). Chính những người như Lin và Hsiao Han làm “ngành công nghiệp trầu cau” Đài Loan vẫn còn hoạt động mạnh.

“Nhưng thật khó để bắt mọi người bỏ thói quen này. Nó giống như nghiện thuốc lá, đã quen ăn trầu rồi thì rất khó ngừng”, Chao Kynyu, Phó giám đốc điều hành ở Cục Y tế nói, “Chính vì vậy, bây giờ chúng tôi phải chuyển những nỗ lực sang giáo dục các em học sinh từ khi còn nhỏ, để chúng không nhiễm thói quen này, dù sức ép bài vở học tập có căng thẳng đi chăng nữa”.

Các quan chức trong ngành Y tế nói thật khó để đưa ra số liệu cụ thể rằng bao nhiêu người bị mắc ung thư do nhai trầu cau, vì thói quen này thường đi kèm cả chứng nghiện thuốc lá và rượu.

Nhưng những “fan” của trầu cau như Lin thì chẳng hề bối rối: “Nếu tôi mà sợ ung thư đến thế thì tôi đã chẳng thử nhai trầu. Mà ung thư thì đâu phải dễ mắc, trầu có gây nhiều loại bệnh như thuốc lá đâu” - Lin vừa nói vừa nhổ nước trầu đỏ choét xuống đường.

Đó lại là một vấn đề khác mà chính quyền Đài Loan cần lo ngại: giới trẻ chưa biết sợ các bệnh gây ra bởi trầu cau, vì nó không được phổ biến rộng rãi như thuốc lá và rượu.

Theo Minh Dung
Sinh viên Việt Nam

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.