Giới trẻ Việt Nam lạc quan về tương lai

Giới trẻ Việt Nam lạc quan về tương lai
(TPO) “Thanh thiếu niên Việt Nam có suy nghĩ tích cực về tương lai, có nhiều kỳ vọng, đánh giá cao bản thân và cảm thấy mình có giá trị đối với gia đình...”
Giới trẻ Việt Nam lạc quan về tương lai ảnh 1
Phần lớn thanh niên ngày nay tin rằng mình sẽ có cuộc sống tốt trong tương lai

Đây là kết luận rút ra được từ cuộc Điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, Unicef, và Tổ chức Y tế thế giới phối hợp tiến hành tại 42 tỉnh thành của Việt Nam trong 2 năm và được công bố sáng 26/8 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo sáng nay, 26/8, Tiến sĩ Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thanh thiếu niên ngày nay duy trì mối quan hệ gắn bó mật thiết với gia đình, điều này có ý nghĩa bảo vệ và hỗ trợ đối với các em.

Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy có tới 94,7% thanh thiếu niên nghĩ mình có giá trị đối với gia đình. Các thanh thiếu niên cũng đồng ý với nhận xét “Tôi có khả năng làm được những việc mà người khác làm được” (với 71,3% đồng ý hoàn toàn và 22,7% đồng ý một phần). Mức độ lạc quan của thanh thiếu niên khi được hỏi về gia đình, cuộc sống cũng tăng theo độ tuổi và không có sự khác biệt giới, thành thị và nông thôn.

Hầu hết thanh thiếu niên đều có những ước vọng lạc quan về hạnh phúc gia đình với 82,6% hoàn toàn đồng ý với nhận định “Tôi sẽ có một gia đình hạnh phúc hơn trong tương lai”. Trong đó, nam thanh niên (86,7%) lạc quan hơn nữ (78,2%) trong nhận định này.

49,5% thanh thiếu niên cho biết việc làm là ước vọng đầu tiên mà họ muốn đạt được; 25% muốn có kinh tế, thu nhập ổn định; 22% thanh thiếu niên chọn đóng góp cho đất nước.

87,5% thanh thiếu niên được hỏi cho rằng sẽ có một cuộc sống tốt hơn cuộc sống hiện tại của bố mẹ. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn đối với nhóm nữ dân tộc (81,2%). 12% cho rằng cuộc sống của họ cũng vẫn như vậy và chỉ có chưa đầy 1% cho rằng cuộc sống của họ sẽ kém đi.

Nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng cao vào con cái, mong rằng con họ sẽ thành đạt và có cuộc sống tốt hơn họ. Chính những kỳ vọng đó có thể tạo ra mong muốn và động cơ để thành đạt đối với thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, cuộc điều tra cũng cho thấy việc cha mẹ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con cái trong một số trường hợp làm thanh thiếu niên cảm thấy phải có trách nhiệm và chịu áp lực bên trong lẫn bên ngoài trong việc thực hiện các ước muốn trên.

Cuộc Điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên (SAVY) là cuộc điều tra lớn và toàn diện về thanh thiếu niên lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam.

Điều tra sử dụng dàn mẫu hộ gia đình của Tổng cục Thống kê được tiến hành với 7.584 thanh thiếu niên trong độ tuổi 14-25 ở 42 tỉnh, thành phố từ những vùng thành thị lớn nhất cho tới những vùng nông thôn xa xôi với sự phối hợp giữa Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc.

MỚI - NÓNG