Giữ chân nhân tài tại công ty nhỏ

Giữ chân nhân tài tại công ty nhỏ
Năm cũ qua, năm mới đến cũng là lúc nhiều bạn trẻ tìm thách thức mới bằng cách thay đổi chỗ làm, còn ban giám đốc nhiều Cty thì đau đầu vì nhân viên đua nhau nộp đơn xin thôi việc.

Việc đào tạo lại một nhân sự mới tốn rất nhiều chi phí và thời gian của công ty, mà không phải bao giờ cũng đạt được kết quả như ý. Để giải quyết vấn đề này, các Cty cần phải phát triển các chiến lược thu hút và giữ nhân tài.

Điều quan trọng mà các Cty cần lưu ý là tăng lương hay thăng chức chỉ có tác dụng nhất thời.

Cty cần cải thiện môi trường làm việc, có nhiều dự án hấp dẫn, có các kế hoạch đào tạo... đồng thời có các biện pháp xây dựng thương hiệu ngày một vững mạnh để chiếm được niềm tin và cảm tình của đội ngũ nhân viên.

Vậy làm sao có thể tạo được môi trường làm việc để nhân viên không bao giờ muốn rời xa Cty? Dưới đây là vài kinh nghiệm của các chuyên gia nhân sự về nghệ thuật giữ chân nhân viên giỏi tại các Cty nhỏ.

Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh

Để việc kinh doanh đạt kết quả tốt, cần có sự nỗ lực của cả tập thể. Không ai có thể tự mình làm tốt mọi việc dù cho đó là phần việc của mình, nên điều quan trọng là xây dựng tinh thần đồng đội và nếp thi đua trong Cty.

Có thể chọn một trong hai cách sau để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong Cty:

- Thiết lập trách nhiệm cụ thể cho từng vị trí công việc và nhân viên nào hoàn thành phần việc của mình sẽ được khen thưởng;

- Tạo môi trường làm việc mà tại đó, thay vì đánh giá hiệu quả riêng từng người, nhân viên trong nhóm cùng được khen thưởng nếu thành quả chung tốt đẹp.

Cách thứ hai khó áp dụng hơn, nhưng mang tính cạnh tranh lành mạnh hơn cách thứ nhất.

Thiết kế giờ làm việc linh động

Nhân viên trẻ thường thích được chủ động công việc của mình thay vì gò bó mỗi ngày làm việc 8 giờ, 5 ngày mỗi tuần.

Thực tế qua khảo sát cho thấy nếu được tự do, thời gian để họ hoàn tất mọi công việc chỉ chiếm một nửa thời gian ngồi tại Cty.

Hãy làm một cuộc thăm dò ý kiến trong Cty, nếu đa số nhân viên đồng ý hãy cho họ cơ hội chủ động giờ làm việc của mình với điều kiện đạt được hiệu quả công việc cao.

Đừng tiết kiệm lời khen

Nhiều giám đốc chỉ phê phán nhân viên khi có sai phạm nhưng quên khen khi nhân viên làm tốt công việc của mình. Họ cho rằng đó là trách nhiệm tất nhiên của nhân viên.

Hãy cải thiện tình thân giữa giám đốc và nhân viên, đồng thời khích lệ họ tiếp tục phấn đấu bằng hình thức khen thưởng công khai bằng vật chất.

Nếu tình hình tài chính không cho phép thì một cái thiệp, thư tay, hay mail cảm ơn và động viên cũng có tác dụng tốt.

Không tùy tiện phê bình

Khi có sai sót xảy ra trong công việc lập tức mọi nhân viên đều lo lắng sẽ bị qui trách nhiệm.

Hành động sáng suốt hơn việc “quy tội” là ban giám đốc cùng các nhân viên có liên quan trực tiếp thảo luận để tìm ra nguyên nhân dẫn tới sai phạm trên, sau đó đề ra các giải pháp cần thiết để tránh sai lầm tương tự bị lặp lại.

Tạo cơ hội học tập

Để giữ chân nhân viên, bạn có thể cho họ thấy rằng Cty mong muốn góp phần làm cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, mở ra cho họ những hiểu biết mới bằng cách tạo mọi cơ hội học tập có thể.

Bất kỳ người nào cũng thích được hướng dẫn, dạy dỗ người khác. Hãy xây dựng đội ngũ giảng viên về một số đề tài quan trọng và giao cho họ nhiệm vụ truyền đạt kiến thức kinh nghiệm cho đội ngũ nhân viên.

Nếu kết quả huấn luyện nhân sự tốt như yêu cầu, công ty nên có thể khen thưởng các giảng viên, còn giả như không có phần thưởng lớn thì lời tuyên dương hay thư cảm ơn cũng đủ để làm vui lòng họ.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

MỚI - NÓNG