Giữ hồn cho ánh trăng rằm

Giữ hồn cho ánh trăng rằm
Cả xóm đồ chơi ở làng Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) bây giờ chỉ còn một chàng trai cương quyết bám lấy nghề. Đó là anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng, người con út của nghệ nhân Nguyễn Văn Nhâm.

Những người cao niên nhất ở xóm Hồng, làng Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) đều nhớ từ hàng trăm năm qua, xóm Hồng đã nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc với nghề làm đồ chơi tinh xảo cho trẻ con mỗi khi đến mùa trung thu.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nhâm năm nay đã 80 tuổi kể: “Đồ chơi xóm Hồng làm bằng tôn thiếc nhưng rất độc đáo với những chiếc lồng đèn trái đào tiên, bướm lượn, thỏ ngọc đánh trống, tàu thủy đẹp như thật và di chuyển được một thời làm trẻ con mê đến độ quên ăn quên ngủ”.

Gia đình ông Nhâm nổi tiếng là “trung tâm sản xuất tàu thủy” với những chiếc tàu vừa chạy trên mặt nước vừa nhả khói như tàu thật. Thời Pháp thuộc, trẻ con Tây cũng mê tít “tàu ông Nhâm” vì hiện đại hơn cả đồ chơi từ “chính quốc” gửi sang.

Mùa trung thu của những năm 1950, 1960, các chủ cửa hiệu đồ chơi trên Hà Nội, các tỉnh và cả bên Trung Quốc phải đến chầu chực ngày đêm chờ lấy hàng.

“Xóm đồ chơi” bây giờ chỉ còn là tên gọi trong dĩ vãng. Đồ chơi Trung Quốc tràn vào làm phá sản nghề làm đồ chơi của làng. Hầu hết nghệ nhân nơi này đều giải nghệ. Cả xóm bây giờ chỉ còn một chàng trai cương quyết bám lấy nghề, đó là anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng, người con út của nghệ nhân Nguyễn Văn Nhâm.

Đến thăm “phân xưởng” sản xuất đồ chơi rộng chỉ vài mét trong những ngày cận Tết Trung thu, thấy anh Hùng vẫn đang miệt mài sản xuất tàu thủy kiểu mới chạy bằng pin, có những tàu dài gần 2m, để chào hàng các công ty sản xuất đồ chơi trong và ngoài nước.

Cách đây hai năm, anh Hùng được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời ra trình diễn làm đồ chơi tại bảo tàng. Nhiều lần chính quyền địa phương đề nghị anh đứng ra mở lớp truyền lại những bí quyết.

Anh Hùng vui lắm: “Đó cũng là ước mơ duy nhất của tôi để sau này bọn trẻ không phải hỏi câu vì sao người lớn lại không thể làm ra những món đồ chơi cho chúng mà phải đi nhập hàng ngoại!”.

Để ước mơ đó thành hiện thực, những ngày trung thu này, anh Hùng lại lặng lẽ mang từng chiếc tàu thủy lên phố chào bán...

Chị em xóm lồng đèn

Giữ hồn cho ánh trăng rằm ảnh 1
Cô bé Giang Ngọc Ánh, 11 tuổi, đang miệt mài làm lồng đèn trung thu - Ảnh: Tuổi Trẻ

Ở cư xá Phú Bình, phường 5, quận 11, TP Hồ Chí Minh, hàng chục năm qua được nhiều người biết với cái tên “xóm lồng đèn”. Đây một thời là nơi chuyên làm lồng đèn trung thu truyền thống bằng giấy, cung cấp cho khu vực Sài Gòn và cả miền Tây.

Vậy mà trở lại xóm lồng đèn bây giờ buồn hiu, cả xóm chỉ còn trên dưới mười gia đình bám với nghề. Bác Nguyễn Văn Đoàn với hơn 20 năm trong nghề cho biết: “Cả hai năm nay không nhận được một đơn đặt hàng nào, chỉ làm bán lẻ cho các xóm lao động thôi, chỉ còn bọn trẻ dám bám với nghề”.

Đến cái xóm nhỏ này hỏi nhà hai chị em “siêu nhân dán đèn” không ai không biết bởi tốc độ dán đèn cực nhanh của họ. Cô bé Giang Ngọc Ánh mới 11 tuổi mà đã có tới bốn năm kinh nghiệm sản xuất đèn trung thu.

“Năm nào cũng vậy, cứ đến trung thu là hai chị em làm lồng đèn bán, kiếm không nhiều, chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng, vậy mà không bỏ nghề được chị ơi” - Ngọc Ánh nói.

Ngọc Ánh luôn là trợ thủ đắc lực cho chị Giang Ngọc Yến - Một trong những tay nghề hiếm hoi còn bám trụ với nghề của xóm. Hai chị em kiêm luôn việc bỏ mối nhưng nhiều lần phải đành lủi thủi quay về vì “người ta chỉ thích đèn chạy bằng pin thôi”. Vậy là lồng đèn xóm nghèo chỉ bán được cho trẻ em nghèo.

Trong xóm nghèo này có hơn 20 thanh thiếu niên vẫn bám nghề xem như kiếm chút tiền trang trải việc học hành. Như em Hỷ Thân Quyên, 18 tuổi, cứ mỗi mùa trung thu tới, ba chị em Quyên lại vót tre, căng đèn dán giấy kiếm được khoảng 400.000 đồng mua tập sách để theo việc học, còn dư một phần hỗ trợ chi tiêu trong gia đình.

Một mùa trung thu lại tới, phố xá bắt đầu đông vui với bánh, lồng đèn. Những chiếc lồng đèn, đồ chơi Việt vẫn lặng lẽ mang hồn Việt xuống phố...

Theo Vũ Bình - Thủy Ngọc
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG