Giữa biển, thắp sáng “mắt ngọc” Long Châu

Giữa biển, thắp sáng “mắt ngọc” Long Châu
TP - Họ đánh bạn với trời bao la, đại dương xanh ngút tầm mắt và cả nỗi cô đơn với mục đích duy nhất là phát tín hiệu để những con tàu khi qua vùng biển vịnh Bắc Bộ được an toàn.
Giữa biển, thắp sáng “mắt ngọc” Long Châu ảnh 1

Những người gác đèn biển trên đảo Long Châu ảnh: Phạm Duẩn

Mắt ngọc Long Châu là tên thân thương của đèn biển trên đảo Long Châu mà những người đi biển thường gọi. Từ xa, ngọn hải đăng Long Châu sừng sững như tháp bút khổng lồ viết lên trời xanh đã ngót nghét 112 mùa xuân.

Gần 2 tiếng cưỡi tàu đánh cá từ đảo Cát Bà, chúng tôi cập Long Châu. Vỏn vẹn chỉ 1km2, đảo đá, toàn đá tai mèo lạnh ngắt nhưng trên đỉnh núi có 8 người đàn ông quanh năm “thắp lửa”...

Trạm trưởng Trạm đèn biển Long Châu là anh Nguyễn Mạnh Hùng (36 tuổi, quê ở Quất Lâm, Nam Định). Tuy mới về nơi này hơn 1 năm nhưng anh Hùng cũng đã có thâm niên canh đèn biển 15 năm, đã kinh qua đèn biển ở cửa Ba Lạt (Thái Bình) và đảo Trần (Quảng Ninh).

Ngọn hải đăng Long Châu cao 109,5m so với mực nước biển và chiếu sáng xa 27 hải lý, tức là tàu biển cách xa Long Châu tới 49km vẫn nhìn thấy ánh sáng ngọn hải đăng.

Và, công việc của 8 anh em rất đơn điệu là mùa hè: 18 giờ 30 bật đèn và 5 giờ sáng tắt, còn mùa đông: 17 giờ 30 bật đèn và 5 giờ 30 thì tắt.

Nước khan hiếm là “chuyện thường ngày” ở đảo. Long Châu khổ nhất là tháng 12 và tháng 1, cái giá lạnh thấu xương của gió biển Đông từng đợt thổi ràn rạt cũng chưa khổ thấm vào đâu so với thiếu nước ngọt. Từng ca nước chia nhau vẫn không đủ dùng.

Lương thực, thực phẩm được tàu của Cty Bảo đảm an toàn hàng hải 1 ra tiếp tế mỗi tháng 1 lần. Giữa đảo đá xa đất liền, rau xanh là bài toán nan giải nhất.

Năm 2003, Đoàn Thanh niên Cty “liều” nhận làm “dự án” vườn rau cho anh em cán bộ, nhân viên Trạm hải đăng Long Châu. Thế là hơn 20 m3 đất vượt qua bao sóng dữ từ đất liền chuyển ra đảo. Có đất rồi nhưng công đoạn gánh đất lên đỉnh núi cũng là một kỳ công.

Anh Phạm Chung Nam (35 tuổi, nhà ở quận Lê Chân, Hải Phòng) có thâm niên 5 năm ở Long Châu tâm sự: “Chúng tôi phải xây dựng tường rào cao bao quanh vườn rau để tránh gió biển”. 6 tháng một lần họ được về nhà.

Giữa biển, thắp sáng “mắt ngọc” Long Châu ảnh 2
Đèn biển Long Châu

Có gia đình riêng như anh Hùng, anh Long... còn đỡ, cánh thanh niên chưa vợ, chưa người yêu thì nỗi cô đơn đeo bám hàng ngày.

Tốt nghiệp Đại học Hàng hải Việt Nam, anh chàng có cái tên như con gái Trần Anh Thư (25 tuổi, quê ở xã Tú Sơn, Kiến Thụy, Hải Phòng) và Phạm Xuân Hiệp (25 tuổi, nhà ở quận Lê Chân, Hải Phòng) xin được chân canh đèn biển, thế là ra Long Châu.

Nghề canh đèn biển cực nhọc, thiếu thốn, buồn là vậy nhưng không ít gia đình có nhiều thế hệ theo đuổi như gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng, anh Vũ Văn Dụng...

Vui buồn chuyện đảo

Ông Vũ Văn Lợi-56 tuổi, có thâm niên 30 năm gác đèn biển, trong đó gần 10 năm gác đèn Long Châu kể: “Gác đèn biển hãi nhất là mùa mưa bão, sét đánh inh tai nhức óc, từng đợt sét giội xuống như bom tấn làm đèn, tivi dù đã rút ra khỏi ổ cắm vẫn bị nhiễm điện từ vụt sáng rồi cháy... Nhưng sét đánh cũng không sợ bằng rắn.

Trên đảo Long Châu, rắn lục, rắn nâu, rắn xanh cực độc nhiều vô kể. Trên núi đá, rắn to, rắn nhỏ vắt vẻo trên những cành cây, hốc đá chỉ chực lao vào cắn.

Rắn bò cả vào giường ngủ. Nhiều con chó bị rắn cắn mặt sưng vù... 3 người gác đèn đã bị rắn cắn”. Cuối năm 2002, ông Lợi bị rắn cắn vào chân phải, may mà kịp đưa vào bệnh viện ở Hải Phòng cứu chữa.

Ông Lợi trầm ngâm: Để bảo vệ mắt ngọc Long Châu không nghỉ một giây đã có thời người gác đèn biển chúng tôi phải đổ máu. Đó là giai đoạn giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, cán bộ, nhân viên Trạm hải đăng Long Châu vừa phải ngày đêm tránh hàng trăm tấn bom của máy bay địch trút như mưa xuống để ngọn hải đăng không ngừng tỏa sáng dù một giây, vừa bắn trả máy bay địch.

Ngọn hải đăng Long Châu sừng sững tỏa sáng hướng dẫn tàu bè qua vịnh Bắc Bộ góp phần vào biểu tượng cho ý chí quật cường của dân tộc ta.

Trong những tháng năm gian khổ, khốc liệt đó, anh cán bộ Trạm hải đăng Long Châu Cao Quang Viên đã hy sinh anh dũng ngay trên đảo trong để bảo vệ mắt ngọc Long Châu khi còn rất trẻ...

Từ đèn biển xuống bến tàu trở về đất liền, mấy anh chỉ cho chúng tôi gốc cây bàng mất ngọn vì bị sét đánh. Đó là nơi chôn khoảng 12 người đi biển xấu số không rõ tung tích xác theo cánh sóng dạt vào đảo này.

Buồn và cô đơn đến với cả người chết ở đảo này nhưng những người canh gác mắt ngọc Long Châu luôn cảm thấy hạnh phúc bởi theo luồng sáng của ngọn hải đăng, hàng vạn con tàu đã ra vào vịnh Bắc Bộ an toàn đem lại niềm vui cho biết bao gia đình.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.