Giúp dân thoát ác mộng “bệnh lạ”

Phó chủ tịch xã Nguyễn Anh Khoa (ngoài cùng bên phải) được T.Ư Đoàn vinh danh Top 20 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc.
Phó chủ tịch xã Nguyễn Anh Khoa (ngoài cùng bên phải) được T.Ư Đoàn vinh danh Top 20 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc.
TP - 26 tuổi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Anh Khoa (SN 1985, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) mang tấm bằng đại học về xã nghèo Ba Điền (Ba Tơ, Quảng Ngãi) thử sức với vai trò phó chủ tịch xã. Chỉ một thời gian ngắn anh đã giúp đồng bào Hre thoát khỏi ác mộng “bệnh lạ”, và dần thoát nghèo.

Làm cho mình đen đi để gần dân

Trước khi thi vào ĐH Quy Nhơn, Nguyễn Anh Khoa có 3 năm rèn luyện trong môi trường quân ngũ. 22 tuổi bắt đầu làm sinh viên sư phạm, anh ước mơ nối nghiệp gia đình theo nghề giáo viên. “Ước mơ rẽ ngang khi một lần tình cờ xem ti vi biết được Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo. Không suy nghĩ nhiều, tôi quyết định làm đơn đăng ký tham gia với khát vọng là sẽ chinh phục và đổi thay vùng đất nghèo khó”, Khoa kể.

Nộp đơn gần nửa năm, tháng 12/2011, anh được gọi phỏng vấn và trúng tuyển với vị trí Phó chủ tịch xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Biết được xã Khoa sẽ đến, lập tức gia đình, bạn bè của anh ngăn cản, phản đối quyết liệt, bởi thời điểm đó xã Ba Điền đang bùng lên căn bệnh lạ - Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân nhưng căn nguyên vẫn còn là một ẩn số.

Thời điểm đó, xã có tới 246 ca nhiễm bệnh, 24 người tử vong từ năm 2011 đến năm 2012. Xã nghèo xơ xác, người dân chỉ lo phòng chữa bệnh, không chuyên tâm lao động sản xuất. Một số khu dân cư còn xuất hiện hiện tượng mê tín dị đoan, khiến cuộc sống của nhân dân càng thêm xáo trộn. Nhưng anh Khoa vẫn quyết tâm xách ba lô lên đường. “Ngày tôi bước chân về với người dân Ba Điền, mẹ tôi giàn giụa nước mắt. Tôi biết những ngày ở vùng đất này là những đêm mẹ lo không chợp mắt. Thương mẹ, tôi cố gắng nỗ lực từng ngày”, anh Khoa kể.

Việc đầu tiên khi về miền đất Ba Điền của vị phó chủ tịch xã trẻ tuổi là làm cho mình đen đi để gần dân. “Đồng bào Hre ai cũng cháy nắng, da đen. Là sinh viên mới ra trường lúc đó còn thư sinh, trắng trẻo. Vì thế để dễ hòa đồng với bà con, tôi đến từng nhà hỏi thăm, nói chuyện người dân và phơi nắng cho mình bớt trắng”, anh Khoa nhớ lại.

Dự án nước sạch 10 tỷ đồng

Kỷ niệm đầu tiên của Nguyễn Anh Khoa tại xã Ba Điền là một kỷ niệm buồn. “Tôi đi dự đám tang của một người mất vì bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Một người thân trong gia đình ôm tôi khóc nói: “Bác sĩ làm gì đi chứ… để bà con chết miết thế này…”. Lúc đó tôi mới lên công tác, một số người dân chưa biết tưởng tôi là bác sĩ. Đêm đó, tôi trằn trọc mãi với cảm giác xót xa. Tôi tìm đọc các tài liệu về căn bệnh trên, mới biết tác nhân gây bệnh là do nhân dân sử dụng gạo mốc và nguồn nước không đảm bảo. Tôi nghĩ nguyên nhân gạo mốc có thể loại bỏ được, chỉ cần tuyên truyền cho bà con phơi sấy và bảo quản lúa thật kỹ. Còn nguyên nhân nguồn nước mới là khó xử lý”.

Ngay sau khi xác định được nguyên nhân căn bệnh, anh đi về các tổ dân cư tìm hiểu và biết được, trong 10 tổ dân cư trong xã có một tổ không có người bị bệnh trên và tổ này người dân sử dụng nước suối Gầm. Như người đang chết đuối vớ được cọc, anh Khoa lập tức khảo sát, lên kế hoạch và xây dựng Đề án “Xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy xã Ba Điền năm 2013” trình UBND xã.

Đề án sau đó được sự hỗ trợ của thạc sĩ Nguyễn Triều Dương (Viện Công nghệ môi trường) hoàn thiện và nhận được sự ủng hộ của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Ngãi và được cấp kinh phí “khủng” 10 tỷ đồng để thực hiện. Để nhanh chóng hoàn thiện công trình nước sạch cho người dân sử dụng, anh Khoa còn vận động người dân tham gia đóng góp ngày công xây dựng công trình. Người dân nhiệt tình hưởng ứng làm ngày làm đêm, công trình đã hoàn thành sớm hơn dự kiến. Hiện công trình cung cấp nguồn nước sạch dồi dào phục vụ sinh hoạt cho bà con, góp phần ngăn chặn bệnh.

Trong những năm tháng ở Ba Điền, chàng trai trẻ Nguyễn Anh Khoa còn ghi dấu ấn trong việc cùng lãnh đạo UBND xã thực hiện chuyển đổi sản xuất cho nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người từ 7 triệu đồng/năm (2012) lên 9,5 triệu đồng/năm. Anh đang xây dựng Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ Ba Điền. “Đây là đứa con tinh thần của tôi. Tôi mong muốn qua hợp tác xã có thể giúp nhân dân đa dạng hóa các loại hình sản xuất, giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nhân dân”, anh Khoa chia sẻ.

Với những đóng góp tích cực của mình, được nhân dân tin tưởng, trong kỳ họp HĐND vừa qua, anh Nguyễn Anh Khoa được người dân bỏ phiếu tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền nhiệm kỳ 2016 - 2021, với số phiếu trên 98%. Với anh Khoa, Ba Điền giờ là quê hương thứ hai của mình. Anh đi đến xóm nào cũng được chào đón, giữa anh và người dân Ba Điền không có khoảng cách.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.