Giúp thanh niên phát triển toàn diện

Chương trình Thắp sáng ước mơ con công nhân của Thành Ðoàn Hà Nội được thanh niên công nhân quan tâm. Ảnh: VƯƠNG ÐỨC.
Chương trình Thắp sáng ước mơ con công nhân của Thành Ðoàn Hà Nội được thanh niên công nhân quan tâm. Ảnh: VƯƠNG ÐỨC.
TP - Đoàn kết, tập hợp chăm lo thanh niên công nhân; giúp thanh niên có điều kiện phát triển toàn diện...đó là những vấn đề được các đại biểu quan tâm tại Hội nghị Ban thường vụ T.Ư Ðoàn lần thứ năm, khóa XI, ngày 18/9.

Hội nghị tập trung thảo luận và cho ý kiến về các nội dung: Sơ kết Nghị quyết số 03-NQ/TWĐTN-BTC ngày 5/3/2014 của BCH T.Ư Đoàn khóa X về phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên.

Ðồng hành, hỗ trợ thanh niên công nhân

Anh Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho rằng, việc thành lập tổ chức chính trị, xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thanh niên công nhân là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, theo anh Việt, thực tế để thành lập được tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước rất khó khăn. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do đặc thù công nhân làm việc theo ca kíp, doanh nghiệp không mặn mà. “Có những doanh nghiệp mới nghe đến việc đoàn thanh niên xin vào thành lập tổ chức Đoàn, Hội là họ đã không muốn tiếp rồi. Vì thế, khi đi vận động doanh nghiệp, tổ chức đoàn chúng tôi thường phối hợp cùng với các cơ quan, đoàn thể khác như liên đoàn lao động, tài chính dễ thuyết phục hơn”, anh Việt cho hay.

Thành Đoàn Hà Nội cũng nghiên cứu nhiều mô hình tập hợp đoàn kết thanh niên công nhân như:  Nhà trọ công nhân, cung cấp những dịch vụ liên quan công nhân; phòng đọc thanh niên công nhân, các hoạt động khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. “Vừa rồi chúng tôi triển khai mô hình Thắp sáng ước mơ con công nhân, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, khám bệnh, tặng học bổng. Qua hoạt động này, thanh niên rất hào hứng tham gia với những hoạt động của Đoàn có sự quan tâm đến con của mình”, anh Việt chia sẻ.

Chị Đinh Thị Phượng, Bí thư Tỉnh Đoàn Ninh Bình cũng khẳng định việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp muôn vàn khó khăn. 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Ninh Bình chỉ thành lập được 6 tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Chị Phượng hiến kế, trước khi vận động, cần có sự khảo sát kỹ doanh nghiệp đó. Và khi tiếp cận cần có kỹ năng, phương pháp tiếp cận thuyết phục doanh nghiệp thấy được những lợi ích của tổ chức Đoàn, Hội mang lại cho họ. Tiếp theo là có cơ chế hỗ trợ đối với doanh nghiệp có tổ chức Đoàn, Hội. “Chúng tôi đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động ban đầu cho các tổ chức Đoàn, Hội mới thành lập; đồng thời thường xuyên gặp gỡ, hỗ trợ, tư vấn tổ chức các chương trình, hoạt động”, chị Phượng chia sẻ.

Tổ chức Ðoàn, Hội làm lợi cho doanh nghiệp

Theo chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Ban Đoàn kết, tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, điều quan trọng là cần tập huấn cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội kỹ năng tuyên truyền, vận động và thuyết phục khi gặp gỡ các chủ doanh nghiệp. Phải làm cho chủ doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực, làm lợi cho doanh nghiệp khi có tổ chức Đoàn, Hội. “Chúng ta phải nắm được vấn đề cốt lõi, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài họ sợ nhất điều gì. Đó là sợ công nhân nghỉ việc sau các đợt nghỉ tết, sợ công nhân đình công, biểu tình… Khi đến tiếp cận, vận động doanh nghiệp, chúng ta phải khẳng định, cam kết được rằng, tổ chức Đoàn, Hội sẽ hỗ trợ, giúp họ được những vấn đề đó”, chị Vân hiến kế.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nhấn mạnh, việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp là câu chuyện Đoàn phải dồn sức rất nhiều, kiên trì để đi đến kết quả cuối cùng. Anh Phong đánh giá, 3 năm thực hiện Nghị quyết số 03 đã có nhiều sự chuyển biến. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đều quan tâm đến việc này, nhiều địa phương xây dựng đề án tập hợp, chăm lo thanh niên công nhân. Nhận thức các tỉnh, thành đoàn về vấn đề này tốt hơn.

Anh Phong khẳng định, với trách nhiệm của tổ chức Đoàn, ở đâu có thanh niên thì tổ chức Đoàn phải tham gia, nắm bắt được. Anh Phong đề nghị, với việc phát triển Đoàn, Hội trong doanh nghiệp, tổ chức đoàn các cấp cần sáng tạo, vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp khác nhau. “Làm sao để doanh nghiệp hiểu được sự hiện diện của tổ chức Đoàn trước hết góp phần phát triển doanh nghiệp. Thông qua việc chăm lo về đời sống tinh thần, các hoạt động bổ trợ của tổ chức Đoàn, Hội giúp người lao động nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, trách nhiệm và tái tạo sức lao động để làm việc tốt hơn. Chúng ta phải chứng minh cho doanh nghiệp thấy được những lợi ích đó”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhấn mạnh.

Liên quan đến góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn Lê Quốc Phong cho biết, tinh thần chung của Luật Thanh niên lần này là cụ thể, cập nhật được những vấn đề thanh niên quan tâm. Từ đó, đề xuất các cơ chế, chính sách giúp thanh niên phát triển toàn diện.

MỚI - NÓNG