Góc khuất game online: Đánh cắp tương lai

Game thủ đang cày tại một quán internet trên đường La Thành Ảnh: Đ.V
Game thủ đang cày tại một quán internet trên đường La Thành Ảnh: Đ.V
TP - Ban đầu chỉ là chơi để giải trí, song chơi nhiều thành nghiện, khiến kết quả học tập sa sút, sức khỏe suy giảm, thậm chí bị đuổi học. Game online đang đánh cắp tương lai của nhiều bạn trẻ.

Ðã nghiện rồi đâu có dễ bỏ!

Thi đậu vào một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội, N.T.Đ (19 tuổi, quê Thái Bình) từng là niềm tự hào của gia đình. Thế nhưng khi bước chân vào cánh cửa đại học, có nhiều thời gian rảnh, Đ. bắt đầu mon men tìm đến game online. Ban đầu Đ. chỉ chơi cho vui, giết thời gian rảnh sau những giờ trên lớp. Nhưng càng chơi càng mê, Đ. dành thời gian cho game online nhiều hơn là học.

“Sau giờ học mình lại ra quán net để “chiến đấu” cùng anh em, chứ ở phòng trọ thì chán lắm. Chơi game giúp giảm căng thẳng, lúc đói thì mua bánh mì ăn, mệt thì ngả ghế ra ngủ, cứ để chế độ auto cho nhân vật tự hoạt động. Ngủ nghỉ xong rồi lại "chiến" tiếp. Mình còn nhận “cày” thuê game cho người khác để kiếm thêm tiền”, Đ. nói.

Có bao nhiêu tiền gia đình gửi lên cho Đ. ăn học cậu cũng đầu tư hết vào game với hy vọng “sau có thể bán lại đồ game kiếm tiền”. Lợi ích của game thì chưa thấy, thế nhưng những tác hại đã hiện rõ. Nghiện game lâu ngày đã biến Đ. thành một người khác, người gầy hốc hác, da đen sạm, ẩn sau cặp kính dày cộp là đôi mắt lờ đờ, quầng mắt thâm đen vì thiếu ngủ. Lực học sa sút, số tín chỉ nợ nhiều đến mức có lần Đ. bị cảnh báo học vụ.

“Mình nghiện game lúc nào không biết nữa. Trong mơ nói sảng mình cũng gọi tên các nhân vật trong game, hò hét đồng đội. Tính cách mình cũng thay đổi hẳn, hay cáu gắt với bạn bè, thậm chí cả bố mẹ. Nhiều lúc mình cũng muốn từ bỏ nhưng bước chân ra khỏi cổng trường là chạm mặt, bị bủa vây bởi những quán game. Những lời lôi kéo của bạn bè khiến mình chùn bước”, Đ. chia sẻ.

N.T.A (22 tuổi, quê Hà Nam) từng đỗ vào trường Đại học Mỏ - Địa chất với số điểm cao chót vót, thế nhưng cậu không thể kiềm chế trước sự hấp dẫn, lôi kéo của những quán game online trước cổng trường đại học. Chỉ sau hơn một năm học A. đã bị đuổi vì bỏ học quá nhiều.

“Đỗ đại học với điểm cao mình đã “ngủ quên trên chiến thắng”, sa đà vào ăn chơi và game online. Lúc đầu nghĩ chỉ là thả lỏng bản thân sau hơn một năm vất vả ôn thi đại học. Nhưng càng chơi càng mê muội, mình đầu tư vào game nhiều hơn, có nhân vật đến cả chục triệu đồng. Đầu tư tiền với mục đích trình của bản thân cao hơn, đồng thời phục vụ cá cược. Hình thức cá cược trong game gần giống như cá độ bóng đá. Số tiền cá cược từ vài trăm nghìn đến vài triệu, trận nào lớn có thể lên đến hàng chục triệu đồng”, A. cho biết.

Từ nghiện game, A. dấn thân vào những trận cá cược đỏ đen. Thua nhiều hơn thắng, A. phải đi vay lãi. Khi lên năm hai đại học cũng là thời điểm cậu phải bỏ học vì nợ tiền và nợ tín chỉ. “Đây là quãng thời gian đen tối nhất của mình, không dám về nhà, không dám đối mặt với sự thật. Nghĩ đến hình ảnh mẹ ở nhà mình cũng muốn từ bỏ, nhưng đã nghiện rồi thì đâu có dễ”, A. chia sẻ.

Bố A. mất sớm, mẹ phải tần tảo sớm hôm chăm mấy sào ruộng để có tiền gửi cho con ăn học. Nhiều khi đến tháng không đủ tiền, mẹ phải bán đàn lợn đi để đủ tiền gửi cho A. ăn học. Giờ mẹ A. vẫn chưa biết đứa con của mình bị đuổi học.

Nhấn chìm tương lai trong những trò chơi bạo lực

Theo chỉ dẫn của Đ. và A., tôi tìm đến một “quán quen” của các game thủ trên đường La Thành, khu vực gần trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tôi thực sự sững sờ trước cảnh tượng ở đây còn đông sinh viên hơn cả một giảng đường đại học. Căn nhà 2 tầng với khoảng 50 máy tính gần như không còn chỗ trống. Không khí ngột ngạt khói thuốc lá pha lẫn mùi mì tôm, và kèm theo cả những câu chửi tục tĩu của những game thủ. Hơn 23 giờ đêm, các game thủ vẫn miệt mài bên màn hình máy tính với những trò chơi bắn giết ảo. Đ. cho biết, với nhiều sinh viên đầu tư vào game ban đầu chỉ là tiền sinh hoạt phí, tiền học nhưng khi cần thì “máy tính, xe máy, giấy tờ tùy thân… cứ cõng nhau ra tiệm cầm đồ”. Cuối tháng về lấy đủ lý do xin tiền gia đình để chuộc ra. 

Đi một vòng quanh các trường đại học, cao đẳng, trường THPT, ký túc xá, khu trọ sinh viên,… chúng tôi bắt gặp các quán game online mọc lên như nấm. Chỉ riêng trên đường Tạ Quang Bửu, đường Trường Chinh, Trần Đại Nghĩa, gần các trường đại học: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Xây dựng đã có đến hàng chục quán game online.

Như con thiêu thân, nhiều bạn trẻ đang đốt sức khỏe, thời gian, tiền bạc của gia đình vào những trò chơi thâu đêm suốt sáng. Hôm sau đến lớp thiếu ngủ, tiếp thu bài kém, kết quả học tập sa sút, sức khỏe suy giảm. Họ giam cầm chính bản thân và nhấn chìm tương lai trong những trò chơi bạo lực, sau cánh cửa sắt của phòng game.      

(còn nữa)

Xung quanh trường THCS Văn Quán, trường THPT Hà Đông (Hà Nội) có tới 7 quán game online phục vụ chủ yếu là học sinh. Hầu hết các quán game đều có chương trình quảng cáo, lời mời hấp dẫn, phục vụ khách 24/24. Ban ngày các quán này hoạt động công khai, ban đêm cửa đóng nhằm che mắt cơ quan chức năng nhưng bên trong vẫn phục vụ tận tình thượng khách.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.