Hà Nội : Nhọc nhằn đời trẻ làm thuê

Hà Nội : Nhọc nhằn đời trẻ làm thuê
TPO - Có một thực trạng phổ biến là rất nhiều cửa hàng, quán ăn, xưởng sản xuất đang ra sức tận dụng, thậm chí bóc lột sức lao động của trẻ em nghèo để giảm chi phí. Ghi nhận của PV TPO tại Hà Nội. 

>> Toàn cảnh vụ em gái bị vợ chồng quán phở đày đọa

Hà Nội : Nhọc nhằn đời trẻ làm thuê ảnh 1
Đẩy hàng về khi đã quá nửa đêm ở một quán ốc trên đường Lương Đình Của, Hà Nội. Ảnh: Minh Thùy

Những “ông thợ tí hon”

Hà Nội tổng rà soát trẻ em làm thuê

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở LĐTB&XH, UB Dân số, Gia đình và Trẻ em, CA TP, UBND các quận, huyện yêu cầu phối hợp tiến hành rà soát số trẻ em đang làm thuê tại các gia đình, nhà hàng, cơ sở sản xuất.

Các nội dung thống kê: Tổng số gia đình, nhà hàng, cơ sở có sử dụng lao động trẻ em làm thuê, tổng số trẻ em làm thuê; Phân loại theo nhóm tuổi từ 9 đến dưới 13, từ 13 đến 16 tuổi, từ 16 đến dưới 18 tuổi; Phân loại theo nhóm công việc (giúp việc gia đình, làm thuê tại các nhà hàng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ). Tình hình hưởng lương và các chế độ, quyền lợi khác; Tình hình bệnh tật, tai nạn lao động (nếu có); Những kiến nghị, đề xuất của sở, ngành, quận, huyện. Sở LĐ - TB&XH báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 30/11/2007.

Tiệm rửa xe đầu phố Khuất Duy Tiến dường như lúc nào cũng nhộn nhịp khách. Là một trong những con đường bụi bặm bậc nhất  Hà thành, những cửa hàng rửa xe ở con phố này vì thế cũng theo nhau mọc lên.

Phần lớn những người làm ở đây đều là trẻ em. Chấn quê Hưng Yên, có dáng người nhỏ thó nom già hẳn so với cái tuổi 16 của cậu.

Hì hụi rửa chiếc xe, Chấn tâm sự, giọng nhỏ rí trong cổ họng: “em làm ở đây được gần 1 năm rồi. Ở quê chả có việc gì làm, lại không có tiền đi học. Hết lớp 7 em xin lên đây rửa xe”.

Chấn được nhận vào làm với mức lương 700.000 đồng/tháng. Tối đến, Chấn và người thanh niên cùng làm ngủ trên chiếc giường ở góc cửa hàng. “Thường thì bao giờ hết khách bọn em mới nghỉ, nhiều hôm đến tận 11h đêm” , Chấn bảo.

Đi một đoạn ngắn vào đầu ngõ 31 đường Nguyễn Ngọc Vũ, chúng tôi gặp đến 3 công trình xây dựng dang dở. Ghé vào một ngôi nhà đang xây, gặp Huy đang trộn vữa.

15 tuổi, Huy đã có thâm niên 2 năm phụ hồ. Bố mất sớm, mẹ quần quật với 4 sào ruộng không đủ ăn, vừa lớn lên Huy đã theo chân một chủ thầu xây dựng trong làng ra Hà Nội kiếm tiền.

Đôi bàn tay bạc phếch vì mảng bám của vôi vữa, cậu bé đenn nhẻm nom chỉ cao bằng một đứa trẻ tiểu học, oằn lưng xách hai xô vữa lên tầng hai cho thợ. Nhắc đến chuyện đi học, ánh mắt cậu bé buồn buồn : “lấy đâu tiền mà đi học hả anh”.

Loanh quanh một số công trình đang xây dựng dở dang trên đường Tây Sơn, Thái Hà, Nguyễn Ngọc Vũ, Láng… chúng tôi đều bắt gặp những công nhân nhí chừng 15, 16 tuổi.  Công việc của những “ông thợ tí hon” này chủ yếu là phụ hồ, nấu cơm cho đội thợ.

Hà Nội : Nhọc nhằn đời trẻ làm thuê ảnh 2
Làm việc trong môi trường bụi bặm ở một xưởng gỗ Cầu Giấy Ảnh: Minh Thùy

16 tuổi, Minh người Nghi Xuân, Hà Tĩnh có 5 năm sống ở Hà Nội. Dáng người còm nhom, giấy ráp trên tay, Minh nói về cuộc sống của mình như một người từng trải : “ Bây giờ việc gì làm ra tiền cũng khổ cả thôi anh ạ. Nếu bố mẹ em mà không bỏ nhau thì chắc giờ em vẫn còn đang được đi học ở trường làng”.

Cuộc sống ban đầu của Minh là theo các bạn làm bốc vác ở bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm sau đó xin được vào làm ở xưởng mộc. “Họ tuyển người đánh giấy ráp, thế nhưng khi vào làm thì đánh giấy ráp chỉ là việc phụ thôi anh à”, Minh kể.

Xưởng mộc mà Minh làm trong ngõ nên xe tải chở hàng không vào đựơc. Thế nên Minh cùng mấy đứa bạn  làm trong xưởng phải thay nhau bốc hàng mỗi khi hàng về.

Hết bốc hàng, lại xẻ gỗ... Có nhiều đêm lấy hàng phải thức trắng vì chỉ có 3 nhân viên mà phải bốc hàng trăm khúc gỗ... mệt cũng phải bốc hết ngay trong đêm.  Làm được 2 tháng Minh đổ bệnh vì cảm hàn nên ông chủ cho tạm nghỉ việc về quê chữa bệnh. 500 nghìn lận lưng mang về nhà vẫn không đủ tiền viện phí cho 15 ngày nằm viện. “Chưa khỏe hẳn nhưng em cũng phải ra làm không ông chủ lại tìm người khác”, Minh vừa ho, vừa nói.

“Khách vào mà chưa kịp ra dắt xe cũng bị chửi, vỡ một cái bát ngoài bị trừ lương nhiều khi còn ăn bạt tai, ăn uống sẵn lúc nào ăn lúc đó...”, Lương 14 tuổi người Hà Tây đang làm cho một quán ốc ở Lương Đình Của, kể về sự đối đãi của chủ.

Hà Nội : Nhọc nhằn đời trẻ làm thuê ảnh 3
Làm nhanh không ông chủ lại mắng       Ảnh: Minh THùy

“Hợp đồng là cái gì ?”

Tiếp xúc với chúng tôi các em đều khẳng định đã làm vài nơi nhưng chưa bao giờ phải viết, ký hoặc xuất trình giấy tờ gì hết. Nếu có chăng thì cũng là câu hỏi xã giao của ông bà chủ mà thôi.

Hỏi bà chủ quán cơm tên Minh cạnh cổng KTX Mễ Trì (Hà Nội), bà cười khẩy rồi trả lời “chúng nó có biết chữ đâu mà giấy với tờ, nó làm tháng nào thì trả lương tháng ấy”.

Cũng theo bà Minh bọn trẻ làm thuê thường làm được vài tháng rồi xin nghỉ. Khi chúng tôi hỏi , nghỉ vì lý do gì thì bà tỉnh bơ : “nó không thích thì nó đi !”. Song theo tìm hiểu chủa chúng tôi, đa phần các em nhỏ đều cho biết, chúng không được trả lương như thỏa thuận.

Theo Nguyễn Trung Đức (14 tuổi) làm việc cho quán ốc V.T trên đường Vũ Trọng Phụng thì ban đầu ông bà chủ bảo 1 năm áo quần 1 bộ, ốm có thuốc thang đầy đủ... Nhưng khi ốm lăn ra mấy ngày thì cũng chỉ được mấy viên thuốc “hạ nhiệt” cho qua ngày rồi lại quần quật dậy mà làm.

2 giờ đêm, quan sát tại 5 quán ốc trên đường Lương Đình Của, chúng tôi đếm được tới hơn 30 đứa trẻ vẫn đang cần mẫn giã gừng, rửa ốc, bê nước rửa bát, dọn bàn ghế... Khi tiếp xúc các em đều không dám tiếp chuyện lâu vì người nào đã có việc nấy, nếu chủ mà biết đang nói chuyện thì sẽ không bằng lòng.

Khi chúng tôi hỏi các em làm đây có hợp đồng hay không thì chúng nhìn nhau và trả lời là có. Nhưng trò chuyện với các em đa phần là đều mù chữ. Tuấn 15 tuổi quê Thanh Thủy, Phú Thọ nói “ở đây chúng em đều là người Phú Thọ và sinh sau năm 90 quen biết nhau rồi gọi nhau vào làm cho vui chứ có giấy tờ gì đâu”.

Chị Hương chủ quán cơm ở Phùng Khoang có 4 nhân viên đều sinh năm 91 người Hà Tây thì khẳng khái : “mình thuê chúng thông qua mấy đứa làm ở đây giới thiệu. Nếu giờ mà bắt chứng minh, giấy chứng nhận địa phương... thì hầu như không có quán nào làm thế cả, phức tạp lắm...”.

Để tránh sự phức tạp như chị Hương, chị Hòa chủ quán ốc trên đường Lương Đình Của nói: “đầu năm mình khai đại có mấy đứa làm, khi nào công an hỏi thì bảo là chúng nó về quê hoặc mới tuyển thêm chưa kịp đi đăng ký...”.

Tương tự như vậy, hỏi chuyện với một người quản lý nhóm thợ xây tại Hà Nội, được biết các em đều là người cùng làng hoặc họ hàng của một thợ nào đó trong nhóm, vì hoàn cảnh khó khăn nên xin đi phụ hồ kiếm tiền cho gia đình. Do vậy, nên các em ra đây làm mà không hề có hợp đồng cũng như giấy tạm trú tạm vắng nào. Công trình đi đến đâu, các em theo đến đấy. Có khi cả năm trời mới về nhà một lần.

Thỉnh thoảng có công an phường tới thì chúng em chạy ra đâu đó hoặc vào bên trong ẩn náu vài phút là xong mà”, Thụ (Ba Vì, Hà Tây) đang làm cho xưởng mộc Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội nói.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.