Hai anh em “Olympic Toán học”

Hai anh em “Olympic Toán học”
Sinh ra trong gia đình nghèo khó nhưng với tâm nguyện vượt qua số phận, hai anh em Nguyễn Dư Huy Vũ và Nguyễn Dư Huy Nhân đã đạt được những kết quả học tập xuất sắc.
Hai anh em “Olympic Toán học” ảnh 1
Thầy giáo Nguyễn Dư Huy Vũ đang lên lớp

Một căn nhà cấp bốn tại thôn Hòa Cư, xã Nhơn Hưng, An Nhơn - Bình Định, bên trong là những vật dụng đơn sơ. Thế nhưng trong căn hộ này, tôi nhận ra một tài sản vô giá mà không phải gia đình giàu có nào muốn cũng có được.

Đó là những tấm bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo và của Hội Toán học Việt Nam tặng cho hai cậu con trai về những thành tích đã đạt được qua những kỳ thi "Olympic Toán học sinh viên toàn quốc" lần thứ XII (2004) và lần thứ XIII (2005) được tổ chức tại TP Quy Nhơn và cố đô Huế. 

Thấy tôi háo hức dán mắt vào những tấm bằng khen được gắn sơ sài trên những tấm lịch tường, anh Nguyễn Như Ngọ (cha của Vũ và Nhân) vừa rót nước mời, vừa hài hước nói về gia cảnh của mình.

"Tôi thì  nghèo mà "chơi sang" lắm, tất cả những bằng khen của con đều được treo bằng "khung ngoại" hẳn hoi!", anh Ngọ tâm sự. 

Khung ngoại mà anh Ngọ nói là những tờ lịch tường, những cái bằng khen đã được ép nhựa, gắn 2 góc vào tờ lịch, thế là xong!

Tiếp xúc với tôi, Vũ đã giải thích vì sao mình chọn môn toán để chuyên tâm đầu tư bằng một câu nói giản dị: "Em thích cả môn văn nữa, nhưng em thấy môn toán "mạnh" hơn, phù hợp với con trai hơn nên chọn để theo!".

Kết quả kỳ thi tú tài của Vũ cũng đã từng là niềm tự hào của cả làng Hòa Ninh. Vũ được biết đến như một tấm gương vượt khó học giỏi với điểm thi là trung bình 8,55, chỉ đứng sau hai bạn khác của trường PTTH An Nhơn I.

Tiếp đến, chuyện Vũ thi đậu cả hai trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM với số điểm 17,5 và trường Đại học Quy Nhơn với số điểm 22,5 lại là một sự kiện của cái làng nông thôn hẻo lánh này.

Chọn học ở Quy Nhơn để được gần nhà, phù hợp với hoàn cảnh của gia đình, Vũ đã tìm cách tự lo cho việc học của mình bằng nghề gia sư.

Sức học của Vũ đã thuyết phục nhiều thầy cô trong trường và họ đã tin tưởng nhờ Vũ dạy kèm cho con em. Để kiếm được 700.000đ/tháng, Vũ phải đảm nhận 3 cua dạy kèm.

Vũ đã dành mỗi đêm 2 giờ đồng hồ và những ngày cuối tuần để trang trải tiền ăn, ở của mình hàng tháng. Còn tiền mua sách vở học tập, Vũ "tựa" vào số tiền học bổng (1 triệu đồng/năm) và phần thưởng của những cuộc thi giải toán do khoa và trường tổ chức. Cứ thế, Vũ vượt qua những năm đại học mà không cần đến sự "tiếp sức" của cha mẹ.

Hai anh em “Olympic Toán học” ảnh 2
Nguyễn Dư Huy Vũ và Nguyễn Dư Huy Nhân (trái)

Mặc dù vừa học vừa làm nhưng "phong độ" học tập của Vũ không hề suy giảm. Trong kỳ thi Olympic Toán học sinh viên toàn quốc lần thứ XII, được tổ chức tại trường Đại học Quy Nhơn năm 2004, Vũ đã đoạt giải khuyến khích.

Không những thế, kết quả tốt nghiệp đại học (khóa 24) của Vũ được xếp thứ hạng 3 với số điểm 8,03! Vũ đã thực hiện được tâm nguyện của mình, hiện Vũ đang là giáo viên trẻ nhất của trường PTTH An Nhơn 1.

Cậu anh học giỏi là vậy, cậu em còn vượt trội hơn nhiều lần. Nhân đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt những năm tiểu học và phổ thông, thi tú tài đạt điểm 9,25; là Á khoa khóa 26 của trường Đại học Quy Nhơn.

Với số điểm thi này, nếu không có một điểm "liệt" dưới... 8 của môn Hóa ở năm lớp 10 thì Nhân đã không "nhường" một suất du học cho một bạn khác có số điểm thi đầu vào thấp hơn. Ngay năm đầu đại học, Nhân đã nổi bật với kết quả học tập là 9,17 điểm, cao nhất trường.

Tiếp đó, trong cả hai kỳ thi Olympic Toán học sinh viên toàn quốc lần thứ XII (2004) và XIII (2005), Nhân đều đoạt cả giải nhì trong mỗi kỳ thi với 2 môn toán giải tích và toán đại số.

Ngay cả việc biết tự lo việc học cho mình Nhân cũng không chịu thua kém người anh. Dù chỉ mới hết năm 2 nhưng Nhân hiện đang là một gia sư có uy tín.

Ngoài ra, trong năm học này, Nhân còn nhận được học bổng của Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential và Hội Khuyến học tỉnh trao tặng. Và vào đầu năm 2006, Nhân lại là một "ngôi sao tháng giêng" trên bầu trời sinh viên.

Trước khi chia tay, anh Ngọ lại hài hước: "Với 2 sào ruộng và cái nghề "thợ đụng" của vợ chồng tôi, nuôi hai đứa vượt qua những năm phổ thông là đã "mướt mồ hôi" lắm rồi. Những khoản đóng góp của những năm phổ thông, nhà trường còn thông cảm cho "chậm trả" chứ vào đại học thì nếu chúng không xoay xở được thì quả là vợ chồng tôi chẳng biết phải liệu làm sao. Bây giờ, cháu Vũ đã kiếm được việc làm, cháu sẽ có điều kiện giúp cho em trong những năm học còn lại, vợ chồng tôi đã có thể yên tâm rồi!".

Theo Vũ Đình Thung
Thanh niên

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.