Hai chàng trai của những ý tưởng

Hai chàng trai của những ý tưởng
TP - Nguyễn Trường Vũ với ý tưởng lập trình phần mềm cho chương trình tính doanh thu của dịch vụ chăm sóc khách hàng và Nguyễn Huy Dũng sử dụng chung một CPU giúp Cty tiết kiệm chi phí và điện.
Hai chàng trai của những ý tưởng ảnh 1
Nguyễn Huy Dũng

Đây là những công trình thiết thực nhất để chào mừng Đại hội Đoàn Thanh niên Tổng Cty Viettel diễn ra vào hôm nay (5/11).

Ý tưởng nhờ… giành nhau máy tính

Đó là câu chuyện của Huy Dũng, 26 tuổi, quê ở huyện Châu Thành (Bến Tre) hiện là nhân viên kỹ thuật Viettel, chi nhánh Tiền Giang. Dũng kể, mỗi buổi tối, anh có thói quen tìm kiếm thông tin trên mạng còn anh của Dũng lại say mê soạn giáo án trên máy tính để chuẩn bị cho tiết dạy ngày hôm sau. Dũng đã nghĩ đến việc trang bị thêm một máy tính nữa, nhưng căn phòng nhỏ bé không đủ chứa hai bộ máy vi tính nên anh chọn phương án mua một bộ máy cũ nhỏ gọn khoảng 3 triệu đồng là được.

Hôm sau, Dũng lặn lội lên đường Tôn Thất Tùng (TPHCM) tìm card MUPC với giá gần 800.000 đồng, cộng với màn hình, bàn phím và chuột…, tất tần tật khoảng 1,2 triệu đồng. Thế là ung dung mang về.

“Hay nhất là đến khi lắp hai anh em cùng test thử thì cảm giác như đang làm trên hai máy tính độc lập. Máy chạy rất tốt, mới toanh mà chỉ tốn vỏn vẹn chưa tới 2 triệu đồng. Vừa tiết kiệm gần 8 triệu đồng vừa tiết kiệm được không gian, lại vừa tiết kiệm điện nữa” - Dũng hồ hởi khoe.

Từ hiện thực về một chiếc máy CPU dùng chung trong nhà, Dũng nghĩ ngay đến cơ quan. “Em nghĩ từ ngôi nhà nhỏ của hai anh em đã tiết kiệm gần 8 triệu đồng, nếu áp cho “đại gia đình Viettel” thì con số tiết kiệm sẽ rất lớn”.

Theo anh, nếu tính 4 người dùng 4 bộ máy vi tính văn phòng như hiện nay phải chi phí mất gần 58 triệu đồng. Nhưng theo cách làm của Dũng, 4 người dùng chung 1 CPU, chỉ mất 24 triệu, mà tính năng không thay đổi. Nếu áp dụng giải pháp này cho 64 tỉnh thì tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng và còn tiết kiệm hơn 40% lượng điện tiêu thụ hàng tháng”.

Tiện ích đến tận răng

Hai chàng trai của những ý tưởng ảnh 2
Nguyễn Trường Vũ

Trong khi đó, đồng nghiệp của Dũng, Nguyễn Trường Vũ, 28 tuổi, lại mang đến cho khách hàng sử dụng dịch vụ 178 những tiện ích mới: Đó là hệ thống theo dõi và chăm sóc khách hàng sử dụng dịch vụ.

Theo Vũ, để hỗ trợ nhân viên chăm sóc khách hàng theo dõi cước gọi 178 hàng ngày của các doanh nghiệp, khách hàng có mức cước sử dụng lớn rất khó khăn, nên Vũ có ý tưởng viết một chương trình để tiện theo dõi.

Ngoài ra, hàng tháng, bộ phận kinh doanh có kế hoạch tặng quà, hay có những chương trình chiết khấu cho những khách hàng sử dụng có mức cước lớn, chương trình này đều có thể đáp ứng được.

Bên cạnh đó, những dữ liệu khách hàng không có thông tin về tên thuê bao và địa chỉ, chương trình sẽ lọc ra và nhân viên chăm sóc khách hàng có thể tra cứu, gọi điện đến chăm sóc.

Vũ cho biết, xây dựng hệ thống này anh có ý định muốn chăm sóc khách hàng dùng dịch vụ của mình “tận răng”. Có nghĩa, anh đã làm nên chuỗi hệ thống từ khi khách hàng sử dụng 178 chưa có thông tin đến khi lưu đầy đủ thông tin khách hàng.

MỚI - NÓNG