Hai người “lạ” ở Đà Nẵng

Trò chơi sử dụng tiếng Anh. Ảnh: Thanh Trần
Trò chơi sử dụng tiếng Anh. Ảnh: Thanh Trần
TP - Một cách kinh doanh lạ đưa khách hàng từ lạ lẫm đến thú vị, bất ngờ. Một nghị lực sống, một tính cách lạc quan đến ngỡ ngàng. Hai chàng trai trẻ ở Đà Nẵng đang chuyển đi những thông điệp đẹp cho cuộc sống.

Lạ đời!

Một quán cà phê đầy “áp lực” với khách: Ngay từ khi bước vào cổng cho đến khi ra về, mọi giao tiếp đều bằng tiếng Anh, nếu chẳng may nói chuyện bằng tiếng Việt sẽ bị phạt tiền ! Quán cà phê đặc biệt ấy là Tipi ở số 57 Phan Văn Nghị, TP Đà Nẵng.

Chủ quán Ngô Công Thành (42 tuổi) từng học thạc sỹ ở Mỹ, sau đó làm việc cho tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế Việt - Nhật, và tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Đà Nẵng. 

“Cách tốt nhất để giỏi tiếng Anh là phải có môi trường giao tiếp và học hỏi lẫn nhau. Trước khi qua Mỹ, vốn tiếng Anh của tôi cũng rất tệ, nhưng nhờ được tiếp xúc với người nước ngoài, cơ hội được nói, được học hỏi nhiều hơn nên mới thành thạo như bây giờ. Tôi muốn đem may mắn của mình san sẻ với các bạn trẻ”, anh Thành nói.

Những ngày đầu mở quán, người dân xung quanh bảo “hâm”, tiếng mẹ đẻ không cho nói, bắt bô ba theo tiếng Tây. Khách vào quán chẳng ai chấp hành nội quy, toàn nói tiếng Việt. Thấy không ổn, anh đăng thông báo tuyển “nhân sự” ở các trường đại học trong thành phố. 

Công việc là phục vụ quán cà phê, với điều kiện phải giỏi tiếng Anh để nói chuyện với khách nước ngoài, hướng dẫn các bạn trẻ trong nước khi họ lúng túng giao tiếp. 

“Cách tốt nhất để giỏi tiếng Anh là phải có môi trường giao tiếp và học hỏi lẫn nhau. Trước khi qua Mỹ, vốn tiếng Anh của tôi cũng rất tệ, nhưng nhờ được tiếp xúc với người nước ngoài, cơ hội được nói, được học hỏi nhiều hơn nên mới thành thạo như bây giờ. Tôi muốn đem may mắn của mình san sẻ với các bạn trẻ”.

Anh Ngô Công Thành

160 hồ sơ gửi về, qua phỏng vấn, chỉ 10 bạn được nhận vào làm. Có sự dẫn dắt của anh và nhân viên, khách bắt đầu dạn dĩ hơn khi tới quán, họ chào hỏi, gọi thức uống, nói chuyện bằng tiếng Anh, chỉ dùng tiếng Việt khi hỏi người đối diện những câu, từ chưa hiểu. Nếu nói những chuyện bình thường như hỏi tên, tuổi, công việc bằng tiếng Việt sẽ bị …phạt 10.000 đồng. 

“Phải áp lực như vậy, mọi người mới chịu nói tiếng Anh, một lần phạt là một lần nhớ”, anh Thành thẳng thắn.

Ra đời từ tháng 5/2014, đến nay quán đã đông khách. Không chỉ các bạn trẻ, lớp trung niên, cựu chiến binh cũng tìm tới quán vì tò mò, và thích cảm giác được tha hồ nói mà không sợ bị chê cười khi nói vấp, nói sai.

10 nhân viên trong quán cũng là 10 “giáo viên” linh động. Bàn nước nào cũng có một nhân viên ngồi nói chuyện, giải thích từng từ, câu mà khách chưa hiểu, bày cho họ những mẹo học tiếng Anh hiệu quả nhất… 

Đây còn là lớp học ngoại khóa của các trung tâm ngoại ngữ, họ mượn không gian quán, máy chiếu để cùng tranh luận về những vấn đề thời sự, xu hướng trong xã hội bằng tiếng Anh và giao lưu với những nhóm khác.

Rất nhiều sinh viên tìm tới đây để thực hành giao tiếp. Nguyễn Tân Châu (Khoa tiếng Anh chuyên ngành, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng), cho biết: “Học ở trường, mình nắm chắc kiến thức nhưng nói và nghe rất tệ nên mỗi tuần tìm tới đây 3 lần, luyện kĩ năng nghe và trao đổi với người Anh, Mỹ, Canada… sai tới đâu họ sửa tới đấy. Chỉ sau một tháng là tiến bộ hẳn”. 

Những người ngoại quốc mà Châu nhắc đến là những vị khách du lịch, giáo viên ở các trung tâm tiếng Anh… tình nguyện tới Tipi để tập phát âm, sửa lỗi, tập hát… cho các bạn Việt Nam. Họ coi tất cả là bạn, rất vui vẻ khi được nhờ giúp đỡ. Tại Tipi, tối thứ Tư hằng tuần có buổi luyện phát âm, Chủ nhật có khách mời nước ngoài, sáng thứ Bảy có câu lạc bộ tiếng Anh cho người lớn…

Thức uống trong quán thuộc giá bình dân, nhưng sợ các bạn sinh viên tốn kém, chủ quán linh động đưa menu đồng giá 12 ngàn đồng. Anh còn nhiệt tình ngồi chia sẻ những kinh nghiệm để nói tiếng Anh thành thạo.

Vượt lên bệnh ung thư bằng âm nhạc

Cho dù bệnh tật đã lấy đi mất một chân và khiến gia đình Hà Đức Anh Quý (sinh năm 1994, ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng) từ khá giả lâm vào khốn đốn suy kiệt, nhưng không hủy diệt được nghị lực của chàng trai này. 

Quý có lẽ là thí sinh đặc biệt nhất ở hội đồng thi trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) bởi đôi nạng kè kè bên tay và không cần phụ huynh đưa đón. Tiếp chuyện chúng tôi, cậu cũng không hề có thái độ tự ti về khiếm khuyết trên cơ thể mình.

Quý kể, 10 năm trước, sau khi nhận tin dữ từ bác sĩ về căn bệnh ung thư xương, cả gia đình hốt hoảng tập trung lo chạy chữa cho con trai. Tiền bạc thuốc thang khắp nơi, đại gia đình gồm 8 người với 4 thế hệ của Quý từ chỗ có đời sống khá giả lâm vào khó khăn. Thế nhưng, sau 2 năm bỏ dở việc học để ra Hà Nội chạy chữa, phải cắt bỏ chân trái, Quý vẫn phải nhận một kết quả không có gì lạc quan khi bác sĩ cho rằng cậu chỉ còn có thể sống thêm 3 tháng nữa. 

Sau khi bình tĩnh trở lại, Quý quyết định quay về Đà Nẵng với hy vọng được sống nốt những ngày tháng vui vẻ cuối cùng bên cạnh người thân và bạn bè.

Chuyến trở về này có thể coi là một quyết định đúng đắn của “cậu nhóc” hồi ấy mới có 14 tuổi vì nó đã đem lại cho Quý một sự may mắn bất ngờ khác, khi xe duyên với âm nhạc. Những bài hát, các nhạc cụ đã đánh thức niềm đam mê lẫn nghị lực sống mạnh mẽ, giúp cậu bé vượt qua nỗi đau của căn bệnh quái ác. 

Đam mê âm nhạc cũng dần dần giúp Quý đi đến sống tự lập khi có thể tự kiếm được nguồn thu nhập thông qua các buổi biểu diễn ở các quán cà phê, phòng trà tại Đà Nẵng. Cậu bé Quý bất hạnh đã không còn là nỗi phiền lụy, khó khăn cho gia đình như lúc ban đầu mắc bệnh nữa, mà là một thanh niên có thể kiếm sống dựa trên tài năng của mình. 

Cũng chính nhờ sức mạnh tinh thần từ âm nhạc, Quý quyết định đi học trở lại. Trở lại trường sau 2 năm bỏ dở, cậu trở thành người đi muộn so với các bạn cùng lứa. Nhưng với khả năng của một học sinh ưu tú của trường THCS Nguyễn Duy Hiệu suốt 4 năm cấp 2, sự học tiếp theo của Quý vẫn tiến triển bình thường tại trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.

“Quý đăng ký thi Dược không hẳn vì đam mê, vì đam mê lớn nhất của mình dĩ nhiên là với âm nhạc. Nhưng điều kiện của Quý khó có thể đi học ở xa, ba mẹ cũng đã có tuổi, và không muốn ba mẹ lo lắng nhiều. 

Trở thành một dược sĩ sẽ giúp Quý ổn định công việc, trả ơn ba mẹ. Sau này có thể ban ngày bán thuốc cho khách hàng, ban đêm thì đi biểu diễn âm nhạc” - Hà Đức Anh Quý thật thà tâm sự.

Nghe những lời bộc bạch chân tình ấy, ít ai biết hiện Quý vẫn bị những cơn ốm đau hành hạ.

Căn bệnh ung thư xương quái ác bị nghị lực của Quý “ghìm” xuống trong suốt 8 năm qua, nhưng thật ra cũng trong khoảng thời gian đó nó chưa bao giờ chấm dứt. Cầu chúc cho Hà Đức Anh Quý với nghị lực của mình sẽ làm được những điều mà cậu mong muốn.

“10 năm trước, bác sĩ điều trị cho Quý tại Hà Nội từng chẩn đoán rằng Quý có thể không sống thêm quá 3 tháng do căn bệnh ung thư xương di căn” - Anh Quý tâm sự sau khi thi xong buổi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 2 này. Quý thi khối B, ngành Dược học của trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.