Hai ông đồ trẻ

Hai ông đồ trẻ
TP - Bên dòng người hối hả, hai ông đồ trẻ chăm chú đưa từng nét cọ trong cái se lạnh đầu năm. Ông đồ Phạm Vũ Hồng Hưng: “Sáu cái tết mình không về quê rồi đấy”.

Quê Hưng ở Quảng Ngãi. Ra Đà Nẵng học Trung cấp Văn hóa nghệ thuật từ năm 2002.

Hưng gặp Trương Lương Hy, ông đồ trẻ sớm thành danh đang học cùng trường.

Hưng được Hy truyền đam mê thư pháp. Từ đó, hai ông đồ quyết... trải chiếu lề đường viết thư pháp.

Đường 2 Tháng 9 ở Đà Nẵng những ngày xuân rợp trời hoa bỗng xuất hiện hai chàng trai, áo dài khăn đóng. Người đi đường ban đầu tò mò, sau lại thích thú và dần quen.

Cái duyên thư pháp kết dính hai người. Năm 2006, Hy ra Huế học đại học. Hưng cũng bỏ việc ở Đà Nẵng đi theo và quyết ôn thi vào Đại học Huế như Hy. Một năm rong ruổi trên đất Cố đô, hai ông đồ vẫn miệt mài trải chiếu lề đường viết chữ để thực hiện lời thề cùng học một trường.

Hiện, Hy học năm thứ hai Sư phạm Nhạc - Học viện Âm nhạc Huế; Hưng học năm thứ nhất Hội họa, Đại học Nghệ thuật Huế.  

Gặp đôi bạn vào một ngày đầu tháng 12 khi họ đang cặm cụi gút lại lần cuối những cọ, mực, nghiên, giấy để chuẩn bị ... đi bán chữ đầu xuân. “Chỉ chờ nghỉ tết là trải chiếu lề đường ngay” - Hưng nói.

Hai kỳ Festival Huế vừa qua, chiếu chữ của hai ông đồ trẻ này luôn chật ních người tứ phương.

Vì sao vẫn trải chiếu ra phố trong khi bút pháp khá thâm hậu? “Phố đông người, thích hơn. Dù chỉ viết ra để cho mọi người xem thôi cũng đủ vui rồi” - Hy nói. Hy kể, một lần có người đàn ông trung niên dáng khắc khổ đến chiếu thư pháp xem.

Thấy một bức đẹp, cứ hết đi tới lại đi lui ngắm nghía những nét chữ mà ngập ngừng không dám hỏi mua vì không đủ tiền. Hai ông đồ trẻ gói ghém cẩn thận bức thư pháp tặng người đàn ông yêu chữ ấy. “Đôi khi ai đó nói chúng tôi lạ. Nhưng đơn giản thôi, bày chiếu chữ ra là giao tiếp với mọi người”.

MỚI - NÓNG