Hai 'thủ khoa' môn Văn tiết lộ bí quyết

Hai 'thủ khoa' môn Văn tiết lộ bí quyết
TP - Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin Bộ GD&ĐT, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay có 2 thí sinh đạt 9,5 điểm môn Văn là Nguyễn Hồng Ngọc Lam và Nguyễn Đức Phú Thọ. Hai HS này đã tiết lộ bí quyết học giỏi môn Văn với PV Tiền phong.

Nguyễn Hồng Ngọc Lam là học sinh trường THPT Trưng Vương (TPHCM) đỗ vào khoa Xã hội học, ĐHKHXH & NV TPHCM với số điểm 23,5 và Nguyễn Đức Phú Thọ, học sinh trường THPT Thoại Ngọc Hầu (An Giang) đỗ vào ngành Sư phạm Văn ĐH An Giang với số điểm 19,5.

Đọc thật nhiều để vun đắp tâm hồn

Hai 'thủ khoa' môn Văn tiết lộ bí quyết ảnh 1
Nguyễn Hồng Ngọc Lam

Gặp Nguyễn Hồng Ngọc Lam tại căn nhà nhỏ của em nằm khuất sâu trong một con hẻm đường Bến Vân Đồn (Q4, TPHCM), em nói vui: “Em đang thèm ngủ!”.

Giấc ngủ để bù lại đêm thức khuya dậy sớm ôn thi mà kết quả thật xứng đáng: đỗ vào khoa Xã hội học (ĐH KHXH & NV TPHCM) và là một trong hai thí sinh của cả nước được 9,5 điểm môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh năm nay.

Lam là chị cả trong gia đình có hai chị em. Mẹ chỉ ở nhà làm nội trợ. Từ sau khi nghỉ làm tại Quận Đoàn quận 4, ông Nguyễn Ngọc Nam, ba Lam xin vào làm tại một Cty xây dựng, làm thêm tại hai Cty khác để cáng đáng gia đình. Lam ảnh hưởng nhiều tính cách của cha, từ việc trầm tính, ít nói, chịu thương chịu khó đến việc xác định sẵn con đường đi cho tương lai mình.

Thầy Hoàng Xuân Quảng - Phó Hiệu trưởng ĐH An Giang: Bài văn vẫn còn một số lỗi chính tả, diễn đạt một số chỗ chưa thật sự mạch lạc, chưa có nhiều cảm xúc. Tuy nhiên đó là một bài văn tốt, thí sinh nắm kiến thức văn học rất vững.

Ba Lam đã tích cực mua sách cho con mình học từ khi cô còn rất nhỏ. Là một người mê sách, ông muốn tạo cho con mình một thói quen đọc sách để vun đắp tâm hồn. Ngay cả đến bây giờ cũng vậy, cứ lúc nào rảnh rỗi, ông lại tìm đến các hiệu sách cũ mua sách. Lam đã không phụ công cha mình.

Từ lúc nhỏ đến lớn, Lam luôn học rất xuất sắc. Em luôn yêu thích nhất môn Văn cũng như là một trong những người học Văn xuất sắc nhất lớp. Năm lớp 12, Lam đã xuất sắc giành giải Ba môn Văn toàn thành phố.

Lam kể: “Vào phòng thi môn Văn, em chỉ biết cắm cúi viết. Đến khi làm xong, em mới nhận ra là mình đã làm 4 tờ giấy thi. Khi biết điểm cao như vậy, em cũng rất bất ngờ vì cô giáo dạy Văn từng nói: thi đại học, môn Văn được 7-8 điểm là đã thành công lắm rồi.

Có lẽ ngoài việc phân tích đúng hướng, các ý chính xác, câu văn lưu loát, em còn lồng cảm xúc vào bài. Bài thơ Tràng Giang cũng là bài thơ em thích nhất trong chương trình Văn học lớp 11. Em có cảm giác mình “moi” cả sáng tạo từ bài thơ ra mặt giấy”.

Cô cựu học sinh 12A7 trường THPT Trưng Vương (TPHCM) quan niệm: Học Văn phải yêu thích mới hiệu quả. Cũng phải biết tập trung nghe giảng “mới thấm”  và để rút tỉa những ý mới từ giáo viên. Lam còn có một cuốn sổ tay để ghi lại những ý chính của bài giảng để nhớ sâu hơn.

Lam cũng chính là một trong những người trong lớp siêng đọc sách tham khảo nhất. Vì thế, khi làm bài, Lam thường hiếm khi dẫn chứng sai tư liệu.

Lam mơ ước làm marketting nhưng biết sức mình không đủ để thi vào một trường nào có ngành này, vì vậy đã chọn cho mình một con đường vòng. Lam dự định sẽ làm hồ sơ đi du học ngành này ở Đức sau khi học được một học kỳ. Dù thế nào, em vẫn ấp ủ một dự định với ngành học mình yêu thích.

Ông Nguyễn Ngọc Nam tâm sự: “Gia đình không thúc ép hay bắt buộc Lam chọn một ngành nào cụ thể. Nhận thấy Lam học khá các môn xã hội, gia đình còn khuyến khích”.

Phải có cái của riêng mình

Hai 'thủ khoa' môn Văn tiết lộ bí quyết ảnh 2
Nguyễn Đức Phú Thọ

Chúng tôi tìm về nhà Nguyễn Đức Phú Thọ, thí sinh đạt 9,5 môn Văn ngành Sư phạm Văn ĐH An Giang, ở đường Phan Bội Châu, phường Bình Khánh, Long Xuyên, An Giang.

Góc học tập khá ngăn nắp. Trên bàn nhiều cuốn sách văn học xếp thành chồng. Trên tường, một giấy chứng nhận giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12 môn Văn và vài bằng khen về cuộc thi vẽ tranh từ thời học cấp I được đóng khung và treo cẩn thận.

Niềm yêu thích môn văn của Thọ bắt đầu từ năm lớp 6. Bài văn đầu tiên cô giáo yêu cầu hóa thân vào một trong các nhân vật trong tác phẩm “Sơn Tinh, Thủy Tinh”. Trong lúc các bạn chọn Sơn Tinh hay Mỵ Nương thì Thọ lại chọn Thủy Tinh.

“Em biết nhiều bạn sẽ chọn các nhân vật chính diện, nếu chọn sẽ bị trùng lặp và giống nhau, không thể hiện được cái riêng của mình” - Thọ nói.

Bài văn đó cao điểm nhất lớp và được cô giáo đọc cho cả lớp nghe. Từ đó các tác phẩm, chủ yếu là thơ của Thọ xuất hiện đều trên báo Mực tím.

Ba Thọ, ông Nguyễn Đức Chiến, cho biết “Có lẽ Thọ giống mẹ vì mẹ cháu cũng rất yêu thích văn chương. Tuy nhiên khi cháu chuẩn bị thi vào lớp 10 thì mẹ mất, tôi cứ sợ cháu mất tinh thần nhưng rất may là cháu đã vượt qua. Thỉnh thoảng tôi có đọc những bài viết dở dang của cháu, góp một vài ý và dần dần tôi không phải góp ý gì thêm”.

“Học văn cũng cần chút năng khiếu. Nếu không có năng khiếu nhưng chịu khó thì vẫn có thể học tốt được” - Thọ bật mí. Theo Thọ, việc đọc sách rất quan trọng nhưng quan trọng nhất là giờ học trên lớp. Phần cô giáo ghi trên bảng chỉ là sườn, lời giảng của cô mới quan trọng. Những ý “râu ria” này phải được ghi chép đầy đủ để sau đó sâu chuỗi toàn bộ bài học.

Thọ cho rằng muốn học tốt môn Văn cần đọc nhiều sách, nhất là về tác giả bởi khi phân tích hay bình luận bất kỳ tác phẩm nào cũng không thể bỏ qua yếu tố này. Khi học bài phải đọc kỹ tác phẩm, đọc bài giảng ghi chép trên lớp để nắm ý chủ đạo của tác phẩm sau đó mới đọc thêm sách tham khảo để bổ sung những ý thích hợp.

Thọ cho biết học sinh lớp em đã được cô giáo rèn cho cách làm bài tự lập từ các bài kiểm tra. Các đề cô cho không giống bất kỳ trong cuốn sách nào nên không thể đọc sách rồi chép lại.

Mỗi khi kết thúc bài học cô giáo đều yêu cầu tụi em về nhà phải đọc thêm nhiều bài viết liên quan đến tác phẩm vừa học để có thể nắm bài một cách chắc chắn nhất.

“Việc bị ảnh hưởng sách tham khảo với bài thi là khó tránh khỏi. Nhưng khi sử dụng kiến thức này, em diễn đạt nó theo ý của mình, theo cảm nhận của riêng mình” - Thọ nói.

MỚI - NÓNG