“Hai viên ngọc quý” trên đỉnh Trường Sơn

“Hai viên ngọc quý” trên đỉnh Trường Sơn
TP - Từ làng Kon Ktuoh về huyện Kbang để học THCS, Oai và Ui phải đi một ngày rưỡi, ăn đói, mặc rét, đi bộ song hai học sinh vẫn quyết tâm mang cái chữ cho người Ba Na sống giữa đỉnh Trường Sơn đại ngàn…

Tháng 8/2007, cô Phạm Thị Kim Thu-Hiệu trưởng trường THPT K’bang - Gia Lai nhận được đơn xin rút hồ sơ nhập học lớp 10 của Đinh Ui và Đinh Oai đã nộp từ năm trước.

Ngày hai em đến lấy học bạ mang về làng cô gọi Ui, Oai vào phòng tâm tình, nguồn cớ nào các em không tiếp tục học. “Ba mẹ không cho đến trường để phụ giúp gia đình làm rẫy?  Ở nhà bắt vợ?”.

Ui đã 19 tuổi còn Oai 18, độ tuổi mà nhiều người đồng bào thiểu số ở vùng sâu vùng xa Tây Nguyên hầu hết đã bắt vợ, bắt chồng. Ngượng ngùng một lúc rồi Oai thay mặt bạn thưa với cô giáo: Các em tốt nghiệp THCS từ  niên học 2005-2006, khoá đó xã Kon Pne đi một ngày rưỡi đường ra huyện học 4 năm THCS chỉ có 5 bạn, hết lớp 9 thì 3 bạn trở về nhà: người thực hiện nghĩa vụ quân sự, người làm cán bộ xã, người trở về nương rẫy. Chỉ Oai và Ui ôm mộng học lên cao hơn nên nộp hồ sơ vào trường THPT.

Nhưng cả hai đều là con lớn trong gia đình, Ui là con thứ 2 trong số 7 anh em còn Oai là anh đầu của 5 đứa em vì thế ba mẹ không đủ gạo cho các em tiếp tục ăn học. Niên học 2006-2007 các em dù đủ điểm vào trường THPT nhưng phải ở nhà làm lụng với ba mẹ.

Thu nhập từ nương ngô ruộng lúa vùng cao giờ thêm 2 lao động cũng không khá hơn là mấy. Đến năm nay đôi bạn học cùng làng Kon Ktuoh này buồn thiu rút hồ sơ học bạ đồng nghĩa với từ bỏ ước mơ học tiếp cũng tại kinh tế gia đình quá thiếu thốn.

Nghe các em trình bày hoàn cảnh, cô Hiệu trưởng hết sức xúc động. Nhiều năm quản lý trường học ở huyện vùng sâu vùng xa, nơi có khá đông đồng bào thiểu số theo học cô Thu đã chứng kiến không ít cảnh đời rơm rớm nước mắt. Có em đến trường quanh năm chỉ độc một bộ quần áo.

Những khoản tiền nhỏ nhặt nhất của lớp của trường không thể miễn giảm được như nước uống, vệ sinh một vài ngàn đồng/tháng nhiều em vẫn không có tiền đóng góp.

Năm trước cô Hiệu trưởng đến thăm một học trò lớp 10 vừa bị tai nạn mất, gia đình 6 chị em mà tài sản giá trị duy nhất chỉ mỗi chiếc bàn gỗ nhỏ thờ em; mùng màn, quần áo bùng nhùng một mớ cũ rách, giường chiếu ngủ nghỉ hầu như không có gì!

Cô Thu trầm ngâm hỏi: Nếu như nhà trường giúp gạo cho các em, mắm muối các em tự lo để theo học được không? Hai học trò nghèo như người sắp chết đuối vớ được cọc. Các em vui sướng thưa với cô giáo rằng sẽ học tiếp nếu như có gạo ăn. Vậy là các em được tiếp tục học lên THPT. Vào trường các em còn được tặng 1 chiếc xe đạp đi học

Đầu học năm học 2007-2008 theo chủ trương của Ban giám hiệu, Đoàn TN, trường THPT K’bang đứng ra vận động các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên nhà trường lập ra “Hũ gạo nuôi trò”, mỗi người trích từ lương của mình mỗi tháng 2000đ-5000đ, Đoàn có trách nhiệm mua cho mỗi em 10 kg gạo. Số gạo này đã giúp 2 học sinh của 2 gia đình nông dân nghèo xã Kon Pne theo học đến lớp 10 trường huyện.

“Hai viên ngọc” trên đỉnh Trường Sơn

Trường THPT K’bang có 2.170 học sinh, trong đó 374 em là con em đồng bào thiểu số. Đinh Oai và Đinh Ui từ Kon Pne ra học từ nơi xa xôi nhất. Kon Pne nằm trên đỉnh Trường Sơn giữa miền rừng già Konkakinh có độ cao từ 1.500m-1.748m quanh năm mây phủ.

Trước năm 2004, Kon Pne không có đường, điện, điện thoại, y tế… đời sống người dân chủ yếu tự túc tự cấp làm nương rẫy. Quan hệ chủ yếu là trao đổi hàng hoá, rất hiếm người dân biết sử dụng tiền. Gần 100% dân số thuộc diện nghèo đói, hầu hết trẻ em bị suy dinh dưỡng độ 3.

Đường từ trung tâm tỉnh đến xã gần 300km, chỉ riêng từ xã về huyện 120km phải đi 1,5 ngày trong đó có 1 ngày đi bộ. Từ năm 2004, Chính phủ đồng ý dự án mở tuyến đường gần 25km từ xã Kroong vào Kon Pne cắt ngang qua Vườn quốc gia Konkakinh. Khoảng cách từ Kon Pne về huyện chỉ còn gần 100km đường đất.

Năm học 2007-2008, trường xã Kon Pne mới có lớp 6, trước đó học sinh THCS phải về huyện học nội trú. Kinh tế khó khăn, giao thông cách trở nên con em đồng bào Ba Na ở Kon Pne muốn học lên rất khó. Trước Ui, Oai xã Kon Pne chỉ có 2 em là con cán bộ xã học đến THPT sau đó ở nhà lấy vợ, làm việc cho xã.

Thăm Oai, Ui những ngày sau tết Mậu Tý, học qua một học kỳ, cô Phạm Thị Kim Thu cho biết: Mặc dù đã nghỉ 1 năm mới học lại song sức học của các em vẫn bắt kịp các bạn trong lớp. Ui và Oai ngoan, hiền không hút thuốc, uống rượu, lễ phép, chữ viết rất đẹp. Khó khăn nhất trong công tác đào tạo là các em vẫn bị nặng nề bởi tập tục.

Mỗi khi làng có ma chay, cưới xin làng gọi điện ra là các em nghỉ học cả tuần. Ban giám hiệu, Đoàn trường và các thầy cô giáo cũng rất quan tâm, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em đến lớp. Ngoài trách nhiệm với cá nhân các em, đây còn là trách nhiệm của nhà trường với công tác giáo dục của xã vùng sâu vùng xa Kon Pne.

Tiếp xúc với chúng tôi Oai và Ui đều bảo: Nếu có điều kiện  các em sẽ cố gắng học hết THPT học lên đại học. Tình hình kinh tế xã hội Kon Pne bây giờ đã khác. Được sự giúp đỡ của Nhà nước vài năm lại đây 3 làng trong xã đã định canh định cư.

Giao thông đến được Kon Pne kéo theo điện lưới quốc gia, y tế, bưu điện, xe máy, ti vi… Người làng đã nhìn thấy xã hội bên ngoài rộng lớn lắm, con em Kon Pne bắt đầu ấp ủ ước mơ đến những miền đất xa xôi hơn từ làng về xã, từ xã lên huyện.

Hai học sinh Kon Pne đang theo học THPT thực sự là những viên ngọc quý của những người Ba Na sống trên đỉnh Trường Sơn đang dần thoát ra khỏi 4 vách núi giao lưu ra bên ngoài.  

Tháng 2/2008

MỚI - NÓNG