Hàng rong sinh viên

Hàng rong sinh viên
(TPO) “Không làm thêm không phải SV”, nhưng tại sao cứ phải gia sư hay bưng bê kiếm sống. Có một nghề đã và đang được SV hưởng ứng khá nhiều: nghề bán hàng rong!
Hàng rong sinh viên ảnh 1
Các kỳ hội thể thao là dịp các bạn SV làm thêm bận rộn

Ăn mặc giản dị, tế nhị lịch sự, cần mẫn gõ cửa từng phòng kí túc chào hàng là hình ảnh quen thuộc của những SV bán hàng rong. “Đồ nghề” của họ cũng rất đơn giản: một túi xách, một ba lô hay thậm chí một túi ni lông gọn nhẹ là có thể đi khắp nơi.

“Dấu chân mình có mặt ở hầu hết các kí túc ở Hà Nội. Từ Bách khoa toàn con trai lộc ngộc cho đến Mễ Trì, vương quốc của phái tóc dài. Tôn chỉ kinh doanh của mình là chỉ bán hàng cho sinh viên xóm trọ hay kí túc, mua đắt cũng không bán cho những người ngoài vùng phủ sóng”, Vân Hà- SV năm thứ ba trường ĐH KTQD cho biết.

Điểm qua các mặt hàng có thể thấy sự phong phú đa dạng về chủng loại. Có thứ chỉ bán theo thời điểm như hoa khô, giấy thủ công, khăn giấy, khăn tay…bán vào mùa cuối xuân đầu hè. Tất, găng tay, tranh ảnh bán vào khi gần tết...Cũng có những mặt hàng bán quanh năm như đĩa nhạc, ví da, lót giầy, bật lửa...

“Chẳng mấy thứ đáng tiền chục đâu, buôn bán lặt vặn vừa vốn ít, vừa hợp với túi tiền SV, lại đề phòng cả trường hợp có bị tóm thì còn đỡ xót ruột”, Nam - sinh viên Ngoại ngữ với hai năm bán hàng rong kể về kinh nghiệm của mình.

Đối với họ, điều cốt tử là phải tìm được nguồn hàng rẻ nhưng chất lượng phải “tàm tạm”mới mong có khách quen. Lấy hàng cũng phải có mối, mỗi người cần tạo được mối hàng quen ở Hà Nội để lấy  thường xuyên. Cũng có kẻ táo bạo như Lan Anh trường Thương mại tìm nguồn tận... biên giới.

Lan Anh kể: “Mình có người chú làm ở trên Tân Thanh, thỉnh thoảng chán thành phố làm một cú đi buôn lên tận trên ấy ôm ít hàng về cho mấy đầu mối ở dưới này. ăn hàng một chuyến bằng bán cả năm”. Nhưng thực ra tổng giá trị tài sản cũng chỉ gói gọn trong vài triệu đồng là cao. Nhưng cái chính là có những khi bị lừa. Hùng, dân miền biên chính gốc, quê Lạng Sơn còn dính một vố ôm về hơn 2000 đĩa CD dởm. “Đau thế không biết, chẳng ngờ dính tới hơn 1000 chiếc là đĩa xước, đĩa hỏng, có cả đĩa trắng”.

Bên cạnh những hàng đi buôn, có cả những “nghệ nhân” ét vê hơn chục hoa tay hoa chân cả thảy tự tin sản xuất và bán sản phẩm của mình. Những “thương hiệu” như M&L với hoa khô ở trường DL Thăng Long, Hoàng xù với tài thiết kế bưu thiếp mê hồn thì việc kiếm đôi triệu cho một dịp đặc biệt chỉ là chuyện muỗi.

Hoàng bảo: “Tập hợp mấy người cùng phòng mua giấy lụa, hoa khô, bút màu là có thể “chiến đấu” được rồi. Nhưng chỉ như thế thì tên nào chẳng làm được. Phải thường xuyên lên mạng xem bọn SV Tây làm cái gì, liên hệ với mấy tên SV du học bảo chúng nó chụp cho vài chục mẫu về tha hồ mà sáng tạo, thêm bớt cho “đậm đà bản sắc dân tộc”. Câu nói của Hoàng làm cho mấy tên “nghệ nhân vườn” còn chưa theo kịp guồng máy WTO phải cúi mình chào thua.

Vui buồn theo gánh hàng rong

Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều suôn sẻ, những người bán hàng rong mang tên SV cũng phải nếm trải thật nhiều cay đắng. “KTX M một ngày đầu đông, tiếng chân chạy huỳnh huỳnh muốn rung cầu thang nhà B. Rầm, cánh cửa phòng nọ bật tung, một “người hành tinh khác” xuất hiện ngay sau cánh cửa đóng vội. Không kịp nói nửa câu, cậu ta lao vội ra khu sau, cửa đóng. 30 phút sau, khi sóng gió trôi qua, bình yên trở lại, cửa mở, anh chàng bước ra: “các anh cho em xin lỗi, mấy ông kẹ ấy đuổi khiếp quá, còn tưởng mình là kẻ trộm. Bị túm thì gánh hàng của em teo mất”.

Đó chỉ là đoạn phim cận cảnh tôi chộp được một cách vô tình, theo lời của những nhân hàng rong di động, chạy và trốn là hai kĩ năng phải học ngay từ khi bước chân vào nghề. Có khi leo cầu thang rạc cẳng không bán được gì, hay bị từ chối lạnh lùng, xem hàng đến 30 phút đuổi đi đã trở thành chuyện thường ở huyện.

Đêm tối thanh bình giữa lòng thủ đô, những gánh hàng rong vẫn âm thầm trong hàng rào KTX. Sau chuyến xe buýt cuối cùng hay những vòng quay nước rút của chú xế điếc, những chủ nhân của gánh hàng rong lại từ bỏ gánh nặng hàng hoá để gánh lấy gánh nặng học hành. Có một cái gì thật gần giữa đôi vai mẹ cha lam lũ nơi quê nhà với gánh hàng rong nơi giảng đường ĐH, có khác chăng giọt mồ hôi cha mẹ rơi trên đồng để cho con được học, giọt mồ hôi đứa con xa rơi bên gánh hàng rong là để mơ tới tương lai tốt đẹp hơn. 

MỚI - NÓNG