Hạnh phúc nơi đảo chìm

Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân gặp gỡ hai vợ chồng chị Hương - Minh Ảnh: Xuân Tùng
Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân gặp gỡ hai vợ chồng chị Hương - Minh Ảnh: Xuân Tùng
TP - Theo đoàn Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2019 do T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đến thăm huyện đảo Trường Sa, chúng tôi đã may mắn gặp những người vợ vượt sóng vươn khơi thăm chồng sau bao ngày xa cách.

Mong con nối nghiệp cha

Giữa trùng khơi, đảo chìm Đá Đông A bắt đầu ngày mới nhộn nhịp với đầy thanh âm, sắc màu cuộc sống quen thuộc nơi đất liền. Tiếng gà vịt, tiếng đàn cún văng vẳng. Luống rau cải rau muống xanh mát mắt bên cạnh màu đỏ hoa giấy, chị Nguyễn Thị Bích Hương có thêm một ngày yêu thương bên chồng - thiếu tá Đỗ Văn Minh.

Chị Hương là giáo viên duy nhất của trường Tiểu học Quảng Yên (Quảng Ninh) có chồng và con công tác ở Trường Sa. Chuyến tàu thăm thân năm nay khởi hành sớm hơn mọi năm, đến gần ngày đi chị Hương mới sắp xếp xong công việc ở trường để yên tâm xuống tàu ra đảo. “Mấy ngày trên tàu nhìn cảnh chị em phấn khởi xuống xuồng lên đảo trước, tôi càng bồn chồn, hồi hộp. Lúc gặp chồng mình như bị vỡ oà”, chị Hương chia sẻ.

Vợ chồng chị Hương được ưu tiên hẳn một phòng làm buồng hạnh phúc. Đảo nhỏ, nhưng công việc báo vụ cứ làm anh bận bịu cả ngày. Những lúc anh trực, chị ngồi một mình lặng lẽ ngắm anh làm việc, phụ giúp việc cơm nước của đảo... Phút giây hạnh phúc nhất của hai vợ chồng là ngồi tựa vào nhau nói chuyện về hai cậu con trai. Anh chị có cậu cả Đỗ Đức Toàn (SN 1999) đang làm nhiệm vụ trên đảo Phan Vinh, cậu thứ là sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Chị Hương cho biết, năm 2018, Toàn viết đơn nhập ngũ, rồi ra đảo. Hai bố con cùng xuất phát ở cảng Cam Ranh trên một chuyến tàu. Bố ra đảo trước, con ra đảo sau. Những ngày đầu chị lo cho con không quen với khó khăn xuống tinh thần nên mỗi lần gặp nhau qua điện thoại chị vẫn thường động viên, nhưng cuối cùng chị được động viên ngược lại. “Giờ chứng kiến cuộc sống nơi đảo nhỏ bốn bề nước có phần vất vả nhưng tôi cũng yên tâm hơn và mong muốn con sẽ nối nghiệp bố để thêm trưởng thành, bản lĩnh”, chị Hương nói.

Hạnh phúc nơi đảo chìm ảnh 1

Vợ chồng chị Tuyết Lành - Thành Chung Ảnh: Xuân Tùng

Thêm yêu người lính đảo

Chị Mai Thị Tuyết Lành (SN 1986) làm việc tại UBND huyện Yên Mô (Ninh Bình) lần đầu trải nghiệm cuộc sống nơi trùng dương, có phần chênh chao ngày biển động. Chị Lành ra đảo Đá Tây C thăm chồng - thiếu úy Nguyễn Thành Chung. Quà ra đảo chị gói ghém cẩn thận phần cơm cháy - món đặc sản anh ưa thích. “Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác khi đứng trên boong tàu nhìn thấy chồng đang điều khiển xuồng CQ từ đảo băng băng rẽ sóng về phía mình. Vợ chồng nhìn thấy nhau mà chưa thể nắm tay vì anh đang làm nhiệm vụ”, chị Lành chia sẻ.  

Vợ chồng chị Lành lấy nhau được 7 năm. Đó cũng là quãng thời gian xa cách “chẳng có dịp để mà giận hờn”. Từ lúc hẹn hò, đến lúc cưới hai người chỉ gặp nhau bốn lần, bao yêu thương dồn nén qua những lần gọi điện thoại. Đám cưới được 9 ngày anh đã phải lên đường làm nhiệm vụ.

Lúc chị Lành đến kỳ sinh con đầu lòng, anh xin nghỉ phép một tuần túc trực “hộ đê”. Hết phép, chị vẫn chưa chuyển dạ, anh phải quay trở lại đơn vị. Sáng anh đi thì chiều nhận được tin “mẹ tròn con vuông”. “Ngày con hơn tuổi, bố về dang tay ra bế con khóc thét. Những lần sau phải mất thời gian làm quen, đến lúc quấn quýt lại phải chia tay”, chị Lành nhớ lại. Lấy chồng bộ đội, chị Lành “xác định tinh thần”, một mình cáng đáng việc nhà hai bên nội ngoại. Những lúc ốm đau chị phải một mình vượt qua.

Ngày ra đảo gặp chồng, chị xót xa cho anh da sạm đen vì nắng gió. Với chị Lành, chỉ cần thấy ánh mắt trìu mến, nụ cười hiền ngọt của chồng là đủ, xoa dịu mọi nỗi tủi cực trong những ngày tháng xa anh. “Ra đảo được ở gần 10 ngày bên chồng mà thấy thời gian cứ trôi vèo vèo. Biết là chẳng đủ cho bảy năm xa cách, nhưng cũng thầm cảm ơn anh đã giúp mẹ con tôi mạnh mẽ hơn rất nhiều và yêu thương những người lính đảo hơn”, chị Lành bộc bạch.

“Giờ được chứng kiến cuộc sống nơi đảo nhỏ bốn bề nước có phần vất vả nhưng tôi cũng yên tâm hơn và mong muốn con sẽ nối nghiệp bố để thêm trưởng thành, bản lĩnh”.

Chị Bích Hương, giáo viên trường Tiểu học Quảng Yên (Quảng Ninh)

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.