Hành trình tuổi trẻ vì Trường Sa xanh

Tại đảo Sơn Ca, Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo năm 2016 sẽ trồng một số loại cây trên đảo bằng đất được lấy từ các địa phương cách mạng nổi tiếng. Ảnh: Xuân Tùng.
Tại đảo Sơn Ca, Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo năm 2016 sẽ trồng một số loại cây trên đảo bằng đất được lấy từ các địa phương cách mạng nổi tiếng. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Ngày 25/4, tại Cảng Cát Lái (TPHCM), Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2016 với chủ đề “Tuổi trẻ đồng hành vì Trường Sa xanh” xuất phát đến thăm các đảo tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Học kỳ quân đội trên biển

Tham dự lễ tiễn Đoàn có Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng và đại diện lãnh đạo TPHCM, cùng đông đảo đoàn viên thanh niên. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương.

Hành trình tuổi trẻ vì Trường Sa xanh ảnh 1

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu tại chương trình

Trong số hơn 200 đại biểu tham gia hành trình, có nhiều gương mặt trẻ tiêu biểu đại diện cán bộ Đoàn, Hội, doanh nhân trẻ, sinh viên, văn nghệ sỹ, y bác sỹ, trí thức trẻ… Năm nay, T.Ư Đoàn tiếp tục tổ chức thi tuyển đại biểu. Từ 186 hồ sơ đăng ký ứng tuyển, ban tổ chức chọn ra 10 đại biểu thanh niên tiêu biểu trong học tập, công tác và có những ý tưởng, chương trình hành động hướng về biển đảo tham gia hành trình.

“Thời gian qua T.Ư Đoàn đã tổ chức, phát động nhiều chương trình hướng về biển đảo, trong đó có chương trình Trường Sa xanh nhằm kêu gọi, vận động tuổi trẻ cả nước, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sỹ, các tổ chức xã hội tham gia đề xuất nội dung giải pháp tuyên truyền, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, quyên góp nguồn lực chế tạo các thiết bị, kỹ thuật hỗ trợ cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn

Tham gia hành trình, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, chương trình là trải nghiệm bổ ích thú vị góp phần nâng cao tình yêu nước, tự hào dân tộc và quyết tâm của tuổi trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền và xây dựng biển đảo. Đồng thời động viên, cổ vũ tinh thần quân và dân làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Anh Tuấn mong muốn, sau hành trình sẽ có thêm nhiều sáng kiến ý tưởng, chương trình, sản phẩm cụ thể để Trường Sa thêm xanh, sạch, đẹp hơn; đồng thời góp phần nâng cao năng lực chiến đấu và cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân vùng biển đảo.

Hành trình tuổi trẻ vì Trường Sa xanh ảnh 2

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn là trưởng đoàn Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2016

Trong thời gian tham gia Hành trình, các đại biểu sẽ trải nghiệm trong môi trường quân đội; tìm hiểu về cuộc sống, nhiệm vụ của chiến sỹ, đồng bào đang ngày đêm bám biển thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các đại biểu sẽ tham gia nhiều hoạt động phong trào thi đua như: thi sáng tác ảnh, thơ văn; viết nhật ký Hành trình...

Tại các điểm đảo và nhà giàn, đoàn sẽ tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao, nhằm động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang làm nhiệm vụ và sinh sống ở huyện đảo Trường Sa; dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh ở Trường Sa, nhà giàn DK1.

Nhiều đóng góp vì Trường Sa xanh

Hành trình tuổi trẻ vì Trường Sa xanh ảnh 3 Bí thư thường trực T.Ư Đoàn và đại diện lãnh đạo TPHCM tặng hoa cho đoàn Hành trình vì biển đảo quê hương năm 2016

Theo ban tổ chức, năm nay, tổng số tiền và quà tặng do các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân quyên góp ủng hộ quân và dân quần đảo Trường Sa trong hành trình  trị giá hơn 3,5 tỷ đồng. Nhiều món quà ý nghĩa thiết thực như: Máy siêu âm màu và thiết bị y tế, thuốc y tế; máy photocopy, máy vi tính, máy bơm nước, ti vi, máy rau mầm, đồ dùng học tập, dụng cụ thể dục thể thao, xuồng CQ…

Hành trình còn mang theo nhiều thông điệp xanh từ đất liền ra đảo: Triển khai thí điểm phương án xử lý chất thải, rác thải bằng công nghệ vi sinh; nghiên cứu, cung cấp giải pháp tổng thể phát triển cây xanh, hệ thực vật trên đảo; xây dựng các công trình kiến trúc xanh trên đảo. Đặc biệt, tại đảo Sơn Ca, Đoàn sẽ tiến hành trồng một số loại cây trên đảo bằng đất được lấy từ các địa phương cách mạng nổi tiếng mang theo như: Đất thép Củ Chi, 18 thôn vườn Trầu (Hóc Môn, TPHCM), Đồng khởi Bến Tre...

Dịp này, hành trình cũng tiến hành nghiên cứu và chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt NT60 (cung cấp 1.200 lít ngọt/ngày), máy sử dụng bằng năng lượng mặt trời, phục vụ cho quân và dân trên các đảo… Máy lọc nước biển thành nước ngọt NT60 được nâng cấp từ máy lọc nước ngọt NT30 triển khai thí điểm tại đảo Trường Sa Đông năm 2015. Công trình do nhóm các nhà khoa học trẻ của Liên hiệp các tổ chức Khoa học Hà Nội nghiên cứu thực hiện.

Anh Trần Vũ Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ Trí thức trẻ Hà Nội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội cho biết: “Quần đảo Trường Sa có 5 tháng là mùa khô, từ tháng 1 đến tháng 5 hoàn toàn không có nước, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của cán bộ chiến sỹ và nhân dân. Trung bình các cán bộ chiến sỹ chỉ dùng 5 lít nước/người/ngày, trong khi tiêu chuẩn của Quân chủng Hải quân là 20 lít nước/người/ngày. Khi máy lọc nước NT60 đi vào vận hành sẽ đáp ứng đủ nước theo tiêu chuẩn cho quân dân trên đảo Trường Sa trong 5 tháng mùa khô”.

Mọi thông tin ủng hộ chương trình “Trường Sa xanh” liên hệ Hotline của chương trình: 0903449289; tài khoản báo Tiền Phong, số TK: 1483201009789 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Thủ đô Hà Nội hoặc liên hệ qua Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, đồng chí Nguyễn Trung Tâm, chuyên viên Ban Tuyên giáo, điện thoại: (04).62631999 - máy lẻ 438; 0902135545. Email: tamnt129@gmail.com.

MỚI - NÓNG