Hào hùng ký ức người chiến sĩ

Hào hùng ký ức người chiến sĩ
(TPO) Sau những câu chuyện của máu và hoa, của tiếng cười vượt lên gian khó, cả hội trường lặng đi rồi bùng nổ tràng pháo tay rền vang như súng trận... Đó là khung cảnh nổi bật của gặp gỡ giao lưu "Ký ức người chiến sĩ" của Cơ quan TW Đoàn.

Sau một năm công tác tại TW Đoàn, ngày 27/7/1966 tôi xung phong đi bộ đội. Khi chúng tôi ra đi, đồng chí Vũ Quang có căn dặn: Thanh niên từ TW Đoàn ra đi phải chiến đấu đến cùng. Đi ba đồng chí, còn có mình tôi trở về. 

Hào hùng ký ức người chiến sĩ ảnh 1
Đ/c Bùi Ái Lâm

Năm Mậu Thân chúng tôi tham gia mặt trận Quảng Ngãi. Trong một năm làm anh nuôi, có một kỷ niệm ở chiến trường Bình Định tôi không thể quên được: Khi tôi mang cơm lên chốt, chiến sự đang xảy ra ác liệt. Thấy các chiến sĩ trong Đại đội hy sinh gần hết, tôi ở lại cầm súng chiến đấu. 

Đánh nhau suốt một ngày một đêm, Sư đoàn tưởng chúng tôi hy sinh hết, nhưng rồi chúng tôi đã trở về. Sau đó tôi được thưởng Huân chương Chiến công và danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Tôi được kết nạp Đảng ngay trên trận địa.

Phạm Thành Long: 6 tháng trời không một hạt gạo

Tôi được kết nạp Đảng trong rừng. Tôi tuyên thệ trong tiếng bom vẫn nổ ình oàng. Năm 1971, cũng là năm thử thách những người Đảng viên như chúng tôi.

Suốt 6 tháng trời không có một hạt gạo, chỉ ăn sắn khô. Bom đạn, sốt rét tưởng chừng không thể ác liệt hơn được nữa". Kể lại tháng ngày gian khổ, Tổng biên tập báo Thiếu niên Tiền phong vẫn nở nụ cười thật tươi đọc lại bài vài câu thơ đầy ý nghĩa: "Bao điều huyền bí hơn/ ta có thể biết trước/ Nhưng điều khó biết trước/ là trái tim người yêu/ chứa trong đó bao điều/ mà anh đang cần biết/ẩn tình qua khóe mắt/gửi tình qua nụ cười/..."

Phan Sáu: Giết tên xã trưởng ác ôn từ trên mái nhà hắn

Tôi tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là được giao một chiếc ba lô truyền đơn, một bức mật thư và một khẩu súng vượt sông Bến Hải vào vùng địch. Đi một mình trong mùa đông mưa phùn gió bấc, đường lạ rất dễ lạc, tôi liền đoán phương hướng bằng cách suy luận: Nếu đi đúng đường thì gió quất vào má phải. nếu quất vào má trái là đi sai. Với cái "la bàn theo hướng gió" ấy mà tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ và được cấp trên tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ khác.

Sau đó tôi được kết nạp Đảng ngay trong lòng địch.

Năm 1967, chúng tôi được giao nhiệm vụ tiêu diệt một tên xã trưởng ác ôn. Chúng tôi vào ngay nhà nó, trèo lên mái chờ khi tên ác ôn đó về, chĩa súng bắn gục rồi vọt chạy ngay ban ngày. Vụ đó sau cũng gây tiếng vang cực lớn và cổ vũ tinh thần của đồng bào lớn lắm.

Bộ đội chủ lực cơ động gian khổ đã đành, anh em nằm vùng cực nhất là phải bám cho được dân. "Môi trường sống" chủ yếu là trong hầm bí mật hay giữa hai lớp vách.

- Trong lòng địch có cô gái nào che chở cho đồng chí không? - Người dẫn chương trình hỏi.

Chúng tôi ở hầm bí mật, trên là súng đạn, dưới là mìn, có khi chúng vây ráp hai ngày chưa rút, mỗi người chỉ có một nắm cơm và nửa bi đông nước. Có khi hai ba ngày trời ở dưới hầm một trai một gái mà không nghĩ gì. Trong đầu chỉ nghĩ khi nào địch rút mà chui ra.

Nguyễn Thị Kim Xuyến: Nữ biệt động thành xinh đẹp

Hào hùng ký ức người chiến sĩ ảnh 2
Nữ biệt động thành Nguyễn Thị Kim Xuyến

Tôi tham gia cách mạng từ khi 14 tuổi, hồi đó cũng không nghĩ được mình làm cách mạng vì lý do gì. Chỉ biết là vì mình căm thù bọn Mỹ. Cha tôi bị chúng giết và hủy xác ngay tại chỗ.

Tôi vừa học vừa làm cách mạng, chứ không đi thoát ly, nguy hiểm luôn cận kề. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau một sợi chỉ, một sợi chỉ chứ không phải một gang một tấc gì.

Mỗi khi ra "cứ" họp, trời ơi, cái tôi sợ nhất đỉa, đỉa bạt ngàn, ngày ấy mình nhỏ mình nghĩ rằng làm cách mạng khổ cực mình chịu được nhưng những con vật ấy làm mình sợ. Sau này mình cũng quen dần.

Có khi vào "cứ" 10 ngày liền phải ăn sắn, nó là giống sắn không như ở ngoài Bắc, người miền Nam gọi là củ nần, nấu không cẩn thận ăn bị say có thể dẫn tới tử vong.

Năm 1974, tôi được kết nạp vào Đoàn. Buổi lễ tổ chức trong một khu rừng rất đẹp, ảnh Bác treo trang trọng, có cả một lọ hoa sen. Rất đông anh em tham dự. Tôi đã học thuộc những câu tuyên thệ rồi, nhưng đến khi yêu cầu lên đọc tôi quên mất luôn hai câu cuối, không thể nào nhớ ra.

Hào hùng ký ức người chiến sĩ ảnh 3
Dẫn chương trình(bên phải) - Trinh sát tình báo Nguyễn Việt Phát: "Các đồng chí thường ít nói về chiến công của bản thân. Nếu không có những buổi gặp mặt như hôm nay, chúng ta cũng sẽ không hiểu đầy đủ về chính những người đồng chí của mình"

Lê Văn Tuận: Xuất ngũ, làm cán bộ Đoàn cho... trẻ lâu

Năm 1966 tôi vào bộ đội, sau khi huấn luyện hộ lý, lần đầu vào giúp dân đỡ đẻ. Tôi sợ quá, về báo cáo, nếu cho tôi là chiến sĩ, nhất là lính trinh sát, thì tôi ở lại, nếu không tôi ra quân. Tôi vào lính đặc công.

Lúc chúng tôi đánh một sân bay của quân ngụy Lào, khi đánh xong gần 4 giờ sáng, tôi yêu cầu anh em đánh xong cắt rừng đi thẳng về hướng đồn địch. Anh em bảo: "Đi thế này thì chết thủ trưởng ơi. Đến gần nó bắt hết mất". Tôi quyết đoán: "Đây là lệnh, cứ đi".

Quả nhiên, ngay sau đó địch thả bom bi nghiền nát trận địa và vùng xung quanh. Chúng tôi đã đi về phía địch nên an toàn. 14 giờ chiều, khi địch đã rút, chúng tôi mới hành quân về cứ. Nhờ quyết đoán nên cả đơn vị chỉ có một chiến sĩ bị thương.

Trong trận đánh cánh đồng Chum, chúng tôi nhận nhiệm vụ chặn đường rút của địch. Đồng chí Chính trị viên ra lệnh phải chặn giữa đường. Tôi yêu cầu chỉ đề vài chục anh em ở lại làm hầm tránh bom bi, còn lại hơn một trăm chiến sĩ rút sâu vào cách đường 300m.

Sau đó chừng một tiếng thì máy bay địch bắn bom bi phạt trụi cả một vùng, số anh em kịp làm hầm tránh bom bi vẫn trụ vững. Chúng tôi đã không còn ở đó nên thoát. Khi địch đến nổ súng, lực lượng chủ lực mới sông ra và bắt sống được cả Trung đoàn trưởng người Thái Lan, tiêu diệt một lượng lớn sinh lực địch.

Hòa bình lập lại, tổ chức cho hai điều kiện nếu ở lại cho đi học bên Liên Xô, hai là xuất ngũ. Tôi nghĩ rằng ở bộ đội thì già nhanh lắm, còn ở Đoàn thanh niên thì trẻ lâu. Tôi chọn làm cán bộ Đoàn, bây giờ thấy tóc mình... vẫn xanh.

Thành phần cựu chiến binh, TNXP công tác trong khối cơ quan TW Đoàn:
Bộ đội: 83 đ/c, TNXP: 7 đ/c; có 13 binh chủng ngành nghề: 1 phi công chiến đấu, 1 biệt động thành, 1 sĩ quan điều khiển tên lửa, 1 điệp báo Miền, 4 trinh sát đặc công, 3 phóng viên mặt trận...
Các đơn vị có nhiều đại biểu: Báo Tiền phong 10 đ/c; Thiếu niên Tiền Phong 8 đ/c; Trường Đoàn: 8 đ/c...

MỚI - NÓNG