'Happy chip' và S4 Life đạt giải cao

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trao thưởng cho tác giả đạt giải nhất và giải nhì (Nguyễn Thị Hằng đứng thứ ba từ phải sang; Trần Đỗ Nam Long đứng thứ nhất từ phải sang) Ảnh: Xuân Tùng
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trao thưởng cho tác giả đạt giải nhất và giải nhì (Nguyễn Thị Hằng đứng thứ ba từ phải sang; Trần Đỗ Nam Long đứng thứ nhất từ phải sang) Ảnh: Xuân Tùng
TP - Dự án S4 Life - ứng dụng công nghệ vào việc hiến máu cứu người và “Happy chip”- mang quần lót lên vùng cao vận động thanh thiếu niên mặc để bảo vệ sức khỏe sinh sản là hai dự án đạt giải thưởng cao trong Cuộc thi Dự án Tình nguyện 2020 do T.Ư Đoàn tổ chức.

Thay đổi một thói quen

Dự án “Happy chip” tặng “quần con” lên vùng cao và vận động học sinh mặc của chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1995), giáo viên trường THPT Hòa Bình La Trobe Hà Nội đã giành giải Nhất cuộc thi. Ý tưởng được Hằng nhen nhóm khi là sinh viên Đại học Sư phạm 1 Hà Nội và yêu chàng trai cùng lớp là người dân tộc Mông ở huyện miền núi Yên Bái (chồng cô bây giờ). Trong quá trình tìm hiểu nhau Hằng bị sốc khi phát hiện bạn trai chưa bao giờ mặc quần lót. Về làm dâu, cô cũng phát hiện trong gia đình chồng không ai sử dụng quần lót, những đồng bào dân tộc thiểu số phần nhiều cũng vậy.

 “Tôi thấy rất lo ngại về tình trạng những thành viên trong gia đình và các thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số ở một số vùng không mặc quần lót cho đến tuổi trưởng thành. Họ dường như chưa biết đến tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản và chưa có kiến thức về các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục. Điều này đã thôi thúc tôi phải thay đổi nhận thức, thói quen này”, Hằng chia sẻ.

Qua tìm hiểu, Hằng mới biết thanh thiếu niên không mặc đồ lót vì ngại mua, không có tiền; ngại bị bình phẩm về kích cỡ, kiểu dáng... Với sự đồng hành của chồng, cô vận động mọi người trong gia đình sử dụng quần “chip” đúng cách để đảm bảo vệ sinh; đồng thời xây dựng dự án xóa nạn “thả rông” của thanh thiếu niên vùng cao (dự án “Happy chip”).

Hằng cho biết, dự án “Happy chip” gồm nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và học sinh. Trong đó, chú trọng truyền thông về sức khỏe sinh sản và lý do mặc đồ lót cho học sinh từ bậc tiểu học trở lên, hướng dẫn các em quy trình vệ sinh thân thể đúng cách. Đối với học sinh bậc THCS và người trưởng thành sẽ được tuyên truyền thêm về một số bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, nếu không vệ sinh đúng cách. Dự án trao tặng quần “chip” và hướng dẫn học sinh sử dụng. Đồng thời, lựa chọn những người có khả năng tuyên truyền để tập huấn thành “chiến sĩ nguồn”, thực hiện lâu dài dự án.

Hiện dự án “Happy chip” được T.Ư Đoàn kết nối với công ty thời trang chuyên về đồ lót và sản phẩm may mặc để triển khai trong cộng đồng. “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tháng 10 này dự án sẽ triển khai tại trường Tiểu học - THCS Suối Bu, huyện Văn Chấn, Yên Bái, với 312 học sinh. Các em học sinh không chỉ được tuyên truyền về sức khỏe sinh sản mà còn được trao tặng mỗi học sinh 5-7 chiếc quần lót để sử dụng hàng ngày. Sau khi dự án thành công, tôi mong muốn nhân rộng đến các địa bàn 16 dân tộc thiểu số ít người trên cả nước”, Hằng cho biết.

Ứng dụng công nghệ hiến máu cứu người

Việt Nam chưa đạt mức 2% dân số hiến máu; thời gian lưu trữ máu ngắn chỉ gần 30 ngày; thiếu dự trữ máu trong các dịp đặc biệt; thiếu thông tin về hiến máu... đã thôi thúc nhóm tác giả Đoàn thanh niên Quận 1 TP Hồ Chí Minh (gồm: Trần Đỗ Nam Long - Bí thư Đoàn thanh niên Quận 1, Nguyễn Đình Thiên - Chủ nhiệm CLB Thanh niên sáng tạo Quận 1 và một số bạn trẻ) hành động.

Sau hơn nửa năm xây dựng ý tưởng và nhiều tháng thử nghiệm, nhóm đã cho ra đời ứng dụng S4Life - Hiến máu cứu người. Tháng 4/2020, ứng dụng đã đồng hành với Thành Đoàn TPHCM trong “Ngày hội hiến máu tình nguyện 2020”; được Hội Chữ thập đỏ Quận 1 đồng ý triển khai, kêu gọi hiến máu trên địa bàn quận.

Anh Trần Đỗ Nam Long cho biết, S4 Life là sản phẩm trí tuệ ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người dùng tiếp cận đến các thông tin hiến máu tốt hơn; nhận thông tin sức khỏe, môi trường hỗ trợ trong chăm sóc sức khỏe; tiện ích trong đăng ký khám và hiến máu... Nhà quản lý có thể điều phối lịch hiến máu, dự trữ máu tốt hơn, ít chi phí hơn, kêu gọi hiến máu nhanh hơn. Ứng dụng đã giải quyết được các vấn đề: dữ liệu các lần hiến máu; giúp bệnh viện xác định cơ bản nhóm máu khi cần thiết; nhận các thông tin y tế, hiến máu nhanh và kịp thời; ghi nhận lịch sử hiến máu và nhắc lịch hiến máu lần tới...

“Hiến máu gấp của S4 Life là tính năng nhóm tâm đắc nhất, hiện chưa có sản phẩm nào ở Việt Nam có tính năng này. Với hiến máu gấp, gần như ngay lập tức thông tin người cần hiến máu sẽ được phát trong phạm vi bán kính nhất định đến người dùng trong hệ thống có cùng nhóm máu. Người nhận thông tin sẽ xác nhận đến hiến. Ứng dụng cũng hướng dẫn đường đi với lộ trình nhanh nhất đến điểm hiến máu”, anh Long chia sẻ.

Anh Nguyễn Đình Thiên cho biết thêm, ứng dụng hiện có gần 4,5 nghìn người ở 54 tỉnh thành tải ứng dụng. Đặc biệt, qua ứng dụng đã hỗ trợ gần chục ca thuộc nhóm máu hiếm cần hiến khẩn cấp. Với tính hiệu quả, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ, S4 Life - Hiến máu cứu người đã giành giải Nhì tại cuộc thi Dự án Tình nguyện 2020 do T.Ư Đoàn tổ chức.

Ra mắt Cổng thông tin kết nối tình nguyện

Ngày 24/9, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức Lễ trao giải thưởng Cuộc thi Dự án Tình nguyện 2020; ra mắt Cổng thông tin kết nối tình nguyện với 2 tên miền(www.tinhnguyen.doanthanhnien.vn) và www.tinhnguyenquocgia.com.

Anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam đánh giá: “Những câu chuyện, vấn đề, giải pháp, ý tưởng của các bạn nêu lên trong dự án của mình mang lại ý nghĩa và giá trị rất lớn cho Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Ban tổ chức Cuộc thi nhìn nhận đánh giá lại những hiệu quả của hoạt động tình nguyện trong thời gian vừa qua. Đồng thời đây cũng là những gợi ý để có thể tổ chức hiệu quả các hoạt động tình nguyện trong thời gian tới”.

Với việc ra mắt Cổng thông tin kết nối tình nguyện, anh Tuấn cho biết sẽ kết nối nhu cầu, mong muốn của hoạt động tình nguyện và trở thành một kênh, đường dẫn cho hoạt động tình nguyện phát triển rộng khắp hơn nữa. Anh Tuấn kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục đồng hành để Cổng thông tin kết nối tình nguyện thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, kết nối hiệu quả hoạt động tình nguyện vì sự phát triển ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG