Hát với lính đảo Trường Sa

Hát với lính đảo Trường Sa
Những người lính đảo vừa vỗ tay vừa hát mà mắt đỏ hoe. Đêm giao lưu đầu tiên tại đảo Trường Sa Lớn đã trở thành ngày hội khó quên với mỗi người.
Hát với lính đảo Trường Sa ảnh 1
Đội văn nghệ xung kích thuộc Thành Đoàn TPHCM hát với lính đảo tại công sự

Những chiến sĩ trên đảo đã không khỏi xúc động khi được nghe những bài dân ca, những ca khúc về quê hương, về tình yêu do đội văn nghệ xung kích của Thành Đoàn TP.HCM và nhiều thành viên trong đoàn công tác đến từ gần 20 tỉnh, thành Đoàn biểu diễn.

Trong suốt hành trình vượt biển đến thăm 11 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi luôn bắt gặp những ánh mắt lấp lánh, những nụ cười tươi rói và những cái bắt tay thật chặt của các chiến sỹ trên đảo dành riêng cho các nữ văn công trong đoàn.

Đêm giao lưu đầu tiên tại đảo Trường Sa Lớn đã trở thành ngày hội khó quên với mỗi người. Từng chiến sỹ nắm tay đồng ca và tham gia trò chơi, giao lưu với thanh niên tình nguyện và nhiều cán bộ Đoàn.

Số lượng tiết mục tăng đột biến so với dự kiến vì nhiều người đăng ký hát thêm. Nhiều ca khúc sôi nổi như “Hát mãi khúc quân hành”, “Nối vòng tay lớn”, “Xin hát mãi về anh”, “Nhớ anh”, “Mắt nai”, “Lá xanh”, “Thuyền và biển”...được lính đảo đề nghị hát lại nhiều lần.

Lính đảo rất mê âm nhạc và sẵn sàng vui hết mình. Tại những nơi chúng tôi đến, các chiến sỹ đều khẩn trương sắp xếp công việc, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để tham gia giao lưu, ca hát với các bạn trẻ trong đội văn nghệ xung kích.

Không kể nắng gió, các cuộc giao lưu diễn ra trên mọi địa hình, có khi là ngay tại góc công sự, trên những bãi cát chân sóng nhỏ bé hiếm hoi ngoài đảo hay trong phòng ngủ của chiến sỹ, trên nóc nhà giàn chênh vênh cách mặt nước biển tới 30 mét.

Quà tặng ca sỹ của lính đảo thường là những cành phong ba hay hoa cải xanh bẻ vội vàng. Ca sỹ trẻ Ngọc Thuý được tặng nguyên cả một bó hoa do các chiến sỹ trên đảo Trường Sa Đông tự tay kết bằng san hô và ốc biển tuyệt đẹp.

Cường độ làm việc của đội văn nghệ xung kích thật đáng nể. Nhiều người sẵn sàng cầm micro “liên khúc” cả dăm bài khi vừa dứt những cơn say sóng nôn ra mật xanh mật vàng. Trong hơn chục buổi giao lưu trên các đảo đã khiến nhiều thành viên đội văn nghệ xung kích lạc cả giọng.

Bạn Trần Thị Minh Hiền cán bộ Đoàn thuộc quận 5 TP.HCM thường ngậm nước muối vào giờ nghỉ trưa để giữ giọng bớt “khê” đủ sức phục vụ chiến sỹ 2 buổi một ngày.

Chị Trần Thị Thanh Thủy, Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Hưng Yên li bì say sóng vẫn hăng hái “tiếp đất” tham gia hàng chục tiết mục trong các buổi giao lưu, chụp ảnh lưu niệm và thăm hỏi lính đảo.

Ca sỹ có thể thay nhau hát nhưng phần nhạc trông cậy vào duy nhất cây ghi ta Bảo Huy mà dường như không hề thấy tay đàn này tỏ ra mệt mỏi. Ngày ít thì một buổi, hôm nhiều thì Bảo Huy chơi liền 2 - 3 buổi với cỡ trên chục giờ ôm đàn mải miết.

Tạm ngừng chụp ảnh, quay phim, ghi chép, nhóm phóng viên báo chí cũng dành cả buổi chiều ngồi tập các bài hát giao lưu với các chiến sỹ hải quân và lính đảo.

Trung úy Nguyễn Văn Minh quê thành phố Vinh tỉnh Nghệ An thuộc Cụm chiến đấu 1 đảo Trường Sa Lớn cho biết, chị em văn công được lính đảo đặc biệt yêu mến và mong chờ. Cứ nghe tin tàu từ đất liền ra có văn công, ca sỹ đi kèm là anh em vui như Tết, xốn xang cả ngày.

Nếu may mắn mỗi đảo một năm được xem văn công biểu diễn văn nghệ từ 1-2 lần. Nhiều anh lính trẻ gặp các cô văn công tim đập nhanh quá đến mức cầm giấy bút mà không dám xin địa chỉ. Ngoài Trường Sa Lớn có thể lưu lại một vài ngày, văn công đến các đảo nhỏ thường chỉ dừng lại trong chốc lát.

Đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội trên đảo đã có bước cải thiện rất lớn. 100% các đảo và nhà giàn đều được trang bị máy phát điện, bắt được sóng truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam.

Phong trào văn hoá văn nghệ trên các đảo khá phát triển mà tổ chức Đoàn Thanh niên có vai trò nòng cốt. Nhiều chiến sỹ không chỉ thuộc 10 bài hát quy định mà còn trôi chảy cả chục ca khúc khác bao gồm cả nhạc và lời.

Đàn ghi ta thì hầu như đảo nào cũng có “sao”. “Chúng tôi chờ văn công, mong mỏi được nghe ca sỹ đến hát như là “sứ giả” của đất liền. Những bài hát do họ thể hiện mang theo tình cảm của đất liền, của quê hương, gia đình và bè bạn nên có sức động viên cổ vũ rất lớn với mỗi người lính đảo xa, giúp họ thêm chắc tay súng ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” - Thiếu uý 28 tuổi Nguyễn Ngọc Trường quê Nam Định đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Lớn tâm sự.

MỚI - NÓNG