Hãy giúp học trò của tôi tự tin hơn

Hãy giúp học trò của tôi tự tin hơn
TP - Thư của một giáo viên gửi tới Diễn đàn tuổi teen của báo Tiền phong và những bài văn cảm nhận về cho và nhận.

Kính thưa các anh, các chị trong tòa soạn, tôi là độc giả rất yêu quý Diễn đàn tuổi teen. Thú thật là tôi không đủ tự tin để viết bài gửi Tòa soạn. Tôi xin gửi vài cảm nhận của học trò của mình. Tôi đã đọc bài viết của các em và ở một mức độ nhất định tôi thấy hài lòng về các em, bởi tất cả đều là học sinh lớp 11 của năm học 2007 - 2008, lứa học trò mà khi vào lớp 10 (năm học 2006 - 2007) đã được nghe tôi đọc bài văn gây xúc động mà báo Tiền phong đã đăng của em Hà Minh Ngọc.

Tôi nghĩ từ cảm nhận đến thực tế còn có khoảng cách nhưng những cảm nhận của các em đã đem đến cho tôi sự tin tưởng vào thế hệ tương lai của đất nước. Tôi mong một trong số bài của các em đăng và đó là niềm hạnh phúc cho tôi; là điểm tựa để các học trò của tôi tự tin hơn.

Xin gửi đến Diễn đàn tuổi teen ba bài viết đạt điểm 10 (đề bài: Hãy cho biết những cảm nhận của em về cho và nhận – Kiểm tra 15 phút).

(Nguyễn Thị Huệ, 34 Quang Trung, thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương, Thái Bình)

Biết mang ơn

Cho và nhận là mối quan hệ ràng buộc giữa người với người để tạo ra một mối quan hệ tốt đẹp, thân thiện, nó được hiện hữu trên 2 khía cạnh của cuộc sống: công việc, và tình cảm. Trên lĩnh vực công việc thì nó là sự trao đổi qua lại giữa “cho và nhận” rồi “nhận và cho”, có cho thì mới có nhận, có nhận thì mới có cho.

Còn trên lĩnh vực tình cảm, con người giúp đỡ nhau, cho nhau nhiều điều nhưng không hề tính toán, không mong trả ơn, đòi lại. Còn đối với người nhận thì luôn tôn trọng và mang ơn của người đã cho và tìm cơ hội giúp đỡ. Điều đó đã tạo nên mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Họ sẽ được mọi người yêu quý, tin yêu, sống hạnh phúc.

Còn những người chỉ biết nhận mà không biết cho, chỉ sống cho riêng mình thì không bao giờ có được tình thương, sự quan tâm của những người xung quanh. Sẽ mãi là người cô độc mà thôi.

Nếu là con chim là chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay lại không trả.
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

(Bài làm của Hoàng T.Mấn, lớp 11A4, xã Minh Tân)

Món quà “làm người”...

Cuộc sống bao điều đáng để cho tôi, cho bạn, cho tất cả mọi người có được “cho và nhận”. Tôi “cho” đi một thứ, dù là nhỏ bé thì sẽ “nhận” được một điều xứng đáng. Một cô bé lang thang bán bánh, tôi “cho” cô bé ấy bằng cách mua bánh mì và “nhận” được một lời cảm ơn và một nụ cười.

Tôi có một món quà quý giá nhất trên cuộc đời, đó là món quà “làm người”. Tôi nhận “nó” từ bố mẹ là được sinh ra, được lớn lên. Còn tôi, tôi đã đáp lại món quà ấy bằng tình yêu cha mẹ, bằng đạo đức, lẽ sống của bản thân mình. Đó là sự “cho và nhận” quý giá nhất. Cuộc đời không cho không ai một cái gì mà không nhận được cái tương tự.

Tôi cho bạn một nụ cười, niềm san sẻ thì tôi cũng nhận được sự chia sẻ, nụ cười. Đâu phải cứ, phải “cho” vật chất thì phải “nhận” được vật chất, cái chính là làm sao món quà “cho” của mình không phải là một điều gì xấu của xã hội. Sự chân thành chính là món quà “cho và nhận” lớn nhất của đời người. 

(Bài làm của Trần Thị Huyền 11A4, xã Hòa Bình)

Dù chỉ là nụ cười

“Cho và nhận” là mối quan hệ mật thiết trong xã hội. “Cho” là sự trao cho ai đó một vật thể hay cũng có thể là phi vật thể. Trong cuộc sống ta gặp nhiều lần và cũng đã cho nhiều lần.

Bạn bè cho nhau cái chì, cục tẩy, người giàu giúp đỡ bằng cách cho tiền người nghèo hay chỉ đơn thuần ta cho nhau một lời nói an ủi, vỗ về, một nụ cười… Và khi đó ta sẽ nhận được từ người nhận một lời cảm ơn, hay trong sâu thẳm lòng mình ta nhận được một niềm vui, ta nhận được tình bạn, tình nhân ái.

Cũng như câu: “Có đi thì mới có lại”, “cho và nhận” còn khẳng  định con người không thể sống ích kỷ, sống một mình, con người cũng không mất đi vật chất của cải khi “cho”, mà họ chỉ đổi nó lấy một thứ khác, một thứ cao sang, quý trọng hơn vật chất đó là giá trị tinh thần.

“Cho và nhận” còn thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” và “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Bởi là người Việt Nam thì hẳn rằng không ai “nhận” rồi mà lại không “cho” lại người cho đến một lần dù chỉ là lời cảm ơn chân thành!

(Bài làm của Trần Thanh Hoa, xã An Bồi)

MỚI - NÓNG