Hiểm họa từ những khu vui chơi trẻ em

Khu vui chơi được mở xung quanh bãi cỏ um tùm. Ảnh: U.P
Khu vui chơi được mở xung quanh bãi cỏ um tùm. Ảnh: U.P
TP - Sự việc vũ trụ bay mini đứt cáp, hất văng 2 em nhỏ rơi tự do khoảng 4m xuống đất gây thương tích nặng mới đây ở Đắk Lắk, một lần nữa gióng thêm hồi chuông cảnh báo công tác quản lý, đảm bảo an toàn trong các khu vui chơi trẻ em.

Trẻ sợ hãi khóc thét

Dạo quanh một vòng các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em trên địa bàn TPHCM, bất cứ ai cũng sẽ thấy khá nhiều khu nằm lọt thỏm trong khu dân cư hay bãi đất trống, cơ sở vật chất tạm bợ, nhếch nhác và đặc biệt là không an toàn.

Đường số 14, phường Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) là một con hẻm nhỏ nhưng có tới 3 điểm kinh doanh trò chơi trẻ em. Giá vé từ 4.000 – 10.000 đồng/trò. Quan sát ở đây đa phần các trò chơi đều trong tình trạng sét gỉ; nhiều trò như đu quay, thú nhún, tàu điện… rất cũ kỹ. Riêng vòng đu quay, những thanh sắt và trụ đỡ sơn đã bong tróc, gỉ sét, dây điện cũng nằm vô tư trên đất, cầu dao điện sơ sài. Một bé gái khoảng năm tuổi chơi trò xe ngựa, đang thích thú thì vòng quay kêu ken két, chú ngựa “giật cục” khiến đứa trẻ sợ hãi khóc thét đòi xuống… Nhân viên đang làm việc tại điểm trò chơi gần chợ Bình Long cho hay, khu đất này được chủ thuê trong 2 năm, giá 600.000 đồng/ tháng.

Hiểm họa từ những khu vui chơi trẻ em ảnh 1 Đường dây điện nằm lộ thiên dễ gây tai nạn cho trẻ. Ảnh: U.P.

Dạo một số điểm vui chơi trẻ em trên đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), Hoàng Minh Giám (Q.Gò Vấp), Hương Lộ 2 (Q.Tân Phú)... chúng tôi cũng bắt gặp những cảnh tương tự. Dây điện của các thiết bị thường được đấu nối lộ thiên, thô sơ và chạy dọc lối qua lại. Thậm chí, có điểm vui chơi, dây điện còn đấu nối ngay dưới ghế ngồi của các bé và được cuốn lại bởi một lớp băng keo mỏng, dễ bong tróc. Các em nhỏ rất hiếu động, nếu tay chân chạm vào mối các dây điện này hiểm họa sẽ khôn lường.

Không chỉ những khu vui chơi tự phát mất an toàn, ngay cả những khu do nhà nước quản lý cũng chưa được quan tâm đúng mức. Tại khu vui chơi trẻ em trong công viên Phú Lâm (Q.6), đang tính cho con chơi trò xe lửa điện, chị Nguyễn Thị Thủy (30 tuổi) hoảng hồn khi thấy nhiều sợi dây điện giăng lộ thiên ngay trên lối đi bộ. Chị lắc đầu: “Ở đây toàn trẻ nhỏ, nếu vấp phải dây điện sẽ bị té ngã, chưa kể chẳng may dây chập điện, trẻ dẫm phải thì nguy hiểm khôn lường”. Tại khu vui chơi trẻ em trong Nhà văn hóa thiếu nhi quận 5, nhiều trò chơi cũng rất cũ kỹ, gỉ sét khiến phụ huynh vừa cho con chơi vừa run. Một nhân viên ở đây nói: “Ngày nào cũng có trẻ chơi mà có ai bị gì đâu. Chúng tôi bảo trì thường xuyên đó chứ…”.

Buông lỏng quản lý

Khi đề cập đến vấn đề bảo trì, bảo dưỡng trò chơi, bà Thu (chủ một khu vui chơi mini trên đường Lạc Long Quận, Q.11) cho biết chủ yếu là “tự sửa”, nặng lắm mới kêu thợ. “Như mấy trò thú nhún, xe ngựa, ngày nào mình cũng vặn chặt ốc vít là được; còn những trò cảm giác mạnh như đu bay, xe lửa thì khi có sự cố, mình mới thuê thợ hàn, thợ điện đến kiểm tra. Hư nặng quá thì mới phải gọi người của công ty sản xuất”, bà Thu nói.

Theo kỹ sư Ngô Văn Phong, thành viên Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TPHCM, những máy trò chơi dành cho trẻ em thuộc hai thông số sau đây bắt buộc kiểm định an toàn trước khi đưa vào hoạt động kinh doanh: Thứ nhất, máy trò chơi dành cho trẻ em có vận tốc chuyển động trên 3m/giây; thứ 2, máy trò chơi dành cho trẻ em đưa người lên cao từ 2m trở lên và tốc độ di chuyển của người là từ 3m/giây.

Những loại máy trò chơi dành cho trẻ em sử dụng điện như tàu lượn, đĩa đảo chiều, tàu lửa chạy trên thanh ray bằng sắt... trước khi đưa vào sử dụng kinh doanh thì chủ cơ sở phải tiến hành kiểm định an toàn về điện cho những thiết bị này. Nhân viên kiểm định sẽ kiểm tra về hệ thống điện trở tiếp đất, đo chỉ số điện trở tiếp đất, kiểm tra trị số an toàn về điện khi máy vận hành không xảy ra giật điện.

Theo Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực II (Bộ LĐ-TB&XH), thời hạn kiểm định định kỳ đối với đu quay là hai năm; đối với đu quay sử dụng trên tám năm, thời hạn kiểm định là một năm/lần. Tàu lượn sử dụng trên sáu năm, thời hạn kiểm định là hai năm/lần. Mỗi lần kiểm định, các thiết bị phải trải qua bốn vòng “sát hạch” với gần 30 mục chiếu theo cơ chế, đặc tính của thiết bị.

Các quy định khá đầy đủ là vậy, nhưng với sự lộn xộn, xuống cấp của các khu vui chơi cho trẻ em hiện nay trên địa bàn thành phố, cho thấy các quy định trên vẫn chỉ nằm trên giấy. Sự an nguy của các em nhỏ vẫn đang bị “ngó lơ”, và rất có thể tiếp diễn những hậu quả đau lòng như đã xảy ra ở Đắk Lắk vừa qua.

Bà N.T.Phương - chủ khu vui chơi trên đường Hiệp Bình Chánh (phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) cho biết: “Chỉ cần lên ủy ban xin giấy phép kinh doanh rồi về mua thiết bị lắp đặt là xong. Hằng tháng, mình đóng thuế đầy đủ là không ai kiểm tra gì hết. Thiết bị thì mua hàng thanh lý mà chất lượng còn tốt là được. Làm dịch vụ này hơn nhau là giá cả, nơi nào rẻ là “ăn tiền”, chứ phụ huynh ít khi quan tâm máy cũ, mới lắm”.

MỚI - NÓNG