Họ làm gì có chỗ mà dựa dẫm

Họ làm gì có chỗ mà dựa dẫm
TP - Tôi là thầy giáo dạy môn Ngữ văn ở trường THPT, có thâm niên 40 năm đứng trên bục giảng. Nhân Tiền Phong mở diễn đàn, xin trao đổi với Tran Hung John một vài điều.

> Các cô gái thường thấy John hấp dẫn hơn Hùng
> Lại chìm vào đêm

Nhận xét của Hùng không sai, nhưng khái quát rằng “phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động” là không chính xác. Số người đó có, nhưng không nhiều. Hiện nay có một bộ phận người trẻ sinh ra trong các gia đình “đại gia”, có điều kiện kinh tế, có mối quan hệ tốt. Bố mẹ lo cho họ mọi thứ từ ăn, mặc, phương tiện đi lại cho đến chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, chạy việc... Với những bạn trẻ sinh ra trong các gia đình như thế thì thụ động là đúng, đi theo con đường đã vạch sẵn là không sai.

Nhưng còn lại gần 80% các bạn khác xuất thân là con em công nhân, nông dân, viên chức nhà nước thu nhập của gia đình trông vào tiền lương hằng tháng. Con em ở vùng sâu, vùng xa… ăn bữa sáng, lo bữa tối, họ làm gì có chỗ dựa dẫm, mà ỷ lại. Nhiều bạn sinh viên cũng như Hung John, phải bươn chải, làm đủ nghề: gia sư, phục vụ nhà hàng, thậm chí rửa bát thuê… để trang trải cuộc sống sinh viên trăm thứ phải lo.

Năm học 2012- 2013, các thủ khoa đại học đều là học sinh nghèo ở các tỉnh lẻ. Như em Hoàng (ở khối phố Long Xuyên 2, Duy Xuyên, Quảng Nam), gần 10 năm vừa học vừa chăn bò. Hoàng làm gì có tiền học thêm. Nhưng Hoàng “chăn bò” đỗ thủ khoa 2 trường đại học (ĐH Bách khoa và Đại học Y- Dược TPHCM). Rồi Hoàng Văn Đích (xã Hoàng Hanh, Tiên Lữ, Hưng Yên). Bố Đích mất từ khi em chưa chào đời. Hai mẹ con sống thiếu thốn gần 20 năm. Song Đích đỗ thủ khoa Học viện KTQS với 28 điểm.

Cô Bí thư Đoàn Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1994, trong gia đình nghèo (ở xóm 4, xã Nam Xuân, Nam Đàn, Nghệ An). Gia đình chỉ có vài sào ruộng, bố phải vào Kiên Giang làm bảo vệ kiếm tiền. Một mình mẹ làm ruộng nuôi 2 chị em ăn học. Ngọc, sáng đi học, chiều ra đồng, hoặc chăm sóc bà cụ cố Nguyễn Thị Lức 93 tuổi. Nhưng suốt 12 năm học phổ thông, Ngọc đều là học sinh giỏi. Năm học 2012- 2013, Ngọc đỗ thủ khoa Trường Đại học Giao thông…

Dọc theo chiều dài hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nếu “người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải là người tiên phong” như John nói thì sao có được một “Thiên cổ hùng văn” mà Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã viết Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu… (Cáo bình Ngô). Tôi tâm đắc với Nguyễn Thị Thanh Thanh, khi em nói trên báo Tiền Phong: “Việt Nam có nhiều người giỏi và tiên phong. Nổi bật nhất là người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc”.

Tư tưởng tiên phong của Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” nên Người rất coi trọng việc rèn luyện giáo dục thế hệ cách mạng cho đời sau - đó là thế hệ Hồ Chí Minh. Một trong những học trò kiệt xuất của Bác là Đại tướng - Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp - 1 trong 10 tướng tài của thế giới từ xưa đến nay. Vị tướng tiên phong, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân đã làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu.

Bây giờ khi nói tới niềm tự hào của người Việt, người ta thường nhắc tới GS Ngô Bảo Châu. Nhưng từ những năm 80 của thế kỷ trước, chúng ta cũng đã có Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi Piano tầm cỡ thế giới, khi mới 23 tuổi. Rồi anh hùng Phạm Tuân, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Trên lĩnh vực khoa học chúng ta có thế hệ vàng như các GS Tôn Thất Tùng, Lê Văn Thiêm, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Hiệu… Mới đây thôi, Lê Quang Liêm cũng ở trên đỉnh thế giới với chức vô địch cờ vua…

Nhận xét của Hung John về lối sống người Việt đang tạo ra những ý kiến khác nhau, đây cũng là dịp mỗi người tự soi mình.

Rất nhiều bạn trẻ xuất thân là con em công nhân, nông dân, viên chức nhà nước thu nhập của gia đình trông vào tiền lương hằng tháng. Con em ở vùng sâu, vùng xa… ăn bữa sáng, lo bữa tối, họ làm gì có chỗ dựa dẫm, mà ỷ lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG