Hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên dân tộc thiểu số

Sinh viên dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng có tăng nhưng tỉ lệ vẫn còn thấp so với mặt bằng chung.
Sinh viên dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng có tăng nhưng tỉ lệ vẫn còn thấp so với mặt bằng chung.
TPO - Đó là kỳ vọng của Rahlan Koya, sinh viên 5 tốt ĐH Tây Nguyên (người dân tộc Jrai) gửi đến Đại hội sinh viên lần thứ X.

Theo Rahlan Koya, là sinh viên người dân tộc Jrai hơn ai hết cậu hiểu rõ đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa… vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Nhưng việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sinh viên dân tộc thiểu số của các cấp bộ Hội đôi lúc chưa kịp thời và đúng trọng tâm. Vai trò của tổ chức Hội trong việc đồng hành, hỗ trợ sinh viên về định hướng nghề nghiệp, việc làm, đào tạo nghề, phát triển kỹ năng xã hội chưa thực sự rõ nét.

Một bộ phận sinh viên dân tộc thiểu số chưa có định hướng rõ ràng về tương lai, có xu hướng tách rời với các hoạt động, phong trào tập thể tại trường. Đây là đối tượng dễ bị các thành phần xấu lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật.

Hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên dân tộc thiểu số ảnh 1 Rahlan Koya, sinh viên 5 tốt ĐH Tây Nguyên (người dân tộc Jrai).

Rahlan Koya cho rằng: Phần đa gia đình của các sinh viên dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, buộc các bạn phải đi làm thêm để giúp đỡ gia đình. Việc đi làm quá nhiều ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên.

Sinh viên dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng có tăng nhưng tỉ lệ vẫn còn thấp so với mặt bằng chung; kiến thức, kỹ năng thực hành xã hội giữa sinh viên dân tộc thiểu số và sinh viên cả nước vẫn còn khoảng cách nhất định; tỉ lệ thất nghiệp sau khi ra trường vẫn còn cao.

Tham dự Đại hội sinh viên lần thứ X, Rahlan Koya kỳ vọng: Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa X sẽ hướng sinh viên về các giá trị về gia đình, cộng đồng xã hội. Khai thác khía cạnh văn hoá, tôn giáo một cách tinh tế và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sinh viên dân tộc thiểu số để có cách tiếp cận, tập hợp sinh viên phù hợp.

“Cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số vững vàng bản lĩnh chính trị, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, thành thạo kỹ năng hoạt động, có năng lực thực tiễn, tâm huyết với phong trào, có uy tín, tiếng nói trong sinh viên để đủ sức đảm đương nhiệm vụ”, Rahlan Koya nói.

Cũng theo cậu sinh viên 5 tốt này, tổ chức Đoàn, Hội các cấp tổ chức các hoạt động, sân chơi bổ ích thiết thực nhằm thu hút, khuyến khích sinh viên dân tộc thiểu số tham gia.

Đẩy mạnh tuyên dương các sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện. Kết hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội tạo cơ chế phù hợp, hỗ trợ học bổng, kết nối việc làm cho các sinh viên này sau khi tốt nghiệp.

MỚI - NÓNG