Hoa hậu Việt Nam tại SNG và những điều chưa kể

Hoa hậu Việt Nam tại SNG và những điều chưa kể
Hồi cuối tháng 6, tại Ban Tiếng Việt đài Tiếng nói nước Nga, một cô sinh viên mang giấy tờ đến liên hệ thực tập. Trong tiếng gõ phím hối hả, các cô các bác nghe loáng thoáng tên họ là “Tran” gì đó...

>> Trần Natalia - Hoa hậu Việt Nam tại SNG

Mùa hè, Ban Tiếng Việt đài Tiếng nói nước Nga thường có các sinh viên Học viện các nước Á Phi (ISAA) thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov (MGU) đến thực tập.

Đợi mãi, mấy tuần sau cô bé tóc đen ấy mới quay trở lại. Tên là Natalia. Làm quen xong, người nào việc nấy, khẩn trương cho kịp chương trình, cũng chẳng có thời giờ để hỏi han.

Lên sóng xong, lại chuẩn bị bài vở cho ngày mai. Hết giờ thì vội vã ra metro, còn bao nhiêu việc cần làm. Cứ thế hàng tuần liền, tôi chưa có dịp nói chuyện riêng với Natasa (tên gọi thân mật của Natalia).

Ngày nào đến cơ quan cũng đã thấy em ngồi bên bàn, mái tóc đen xõa nghiêng trên tập tin tiếng Nga hoặc tiếng Việt. Cũng giống như các cô bé thực tập trước đây, em chẳng có gì đặc biệt.

Tôi chào em bằng tiếng Nga, nói chuyện với em bằng tiếng Nga, mặc dù biết em lai Việt. Cho nó nhanh! Chẳng phải là ở đây, có biết bao nhiêu người Việt trăm phần trăm mà khi muốn hỏi han mình đều phải dùng tiếng Nga đó sao.

Cho đến một hôm. Khi Natasa đưa tập tin 13 giờ cho tôi dịch, em khiến tôi sửng sốt vì giọng phát âm tiếng Việt chuẩn như người Hà Nội.

Tôi biết khá nhiều người Việt Nam ở Maxcơva có con cái sinh ra, lớn lên và đi học trường Nga. Ở trường các cháu nói tiếng Nga, về nhà cũng nói tiếng Nga cho tiện, cha mẹ bắt ép mãi mới dùng tiếng mẹ đẻ.

Tôi đã quen với cảnh các cháu mang họ Nguyễn, họ Lê có ông bà làm nghề “trồng gạo” ở Việt Nam, gọi mẹ là mama, gọi bố là papa và nói tiếng Việt không dấu như người nước ngoài.

Tôi cũng biết một đôi người lấy vợ lấy chồng người Nga, con cái sinh ra không nói được một câu bằng tiếng ông bà. Mà hình như họ cũng chẳng băn khoăn lắm trước chuyện đó.

Cho nên, khi nghe một cô gái thoạt đầu tưởng là “Tây” nói tiếng Việt ngọt ngào như vậy, tự nhiên tôi cảm thấy ấm áp trong lòng. Từ đó, những lúc rảnh rỗi tôi và Natasa thường chuyện trò với nhau.

Thì ra Natasa có bố người Việt, ở nhà em được gọi thân mật là Nga. Tốt nghiệp đại học tại Liên Xô, bố em về nước làm việc một thời gian rồi quay sang Nga làm phiên dịch cho công nhân lao động hợp tác.

Khi đó, mẹ em làm việc tại nhà ăn của xí nghiệp. Chàng trai Việt và cô gái Nga yêu nhau rồi kết hôn. Ngoài Natasa, họ còn một đứa con trai năm nay 15 tuổi, đang về Việt Nam tham gia trại hè dành cho thanh niên là Việt kiều.

Hồi nhỏ, bố mẹ gửi Natasa về Việt Nam với ông bà ở phố Minh Khai (Hà Nội). Học lớp một ở thủ đô, Natasa được cô giáo và các bạn rất yêu vì em xinh xắn, ngoan ngoãn và chăm học. Mấy năm sau, khi quay sang Maxcơva, em phải học lại tiếng Nga. Rồi sau đó, năm nào hai chị em cũng về Việt Nam với bố mẹ để thăm ông bà và học tiếng Việt.

Có lần tôi hỏi Natasa có biết nấu món súp củ cải đỏ kiểu Nga không, em cho biết nhà em ăn uống theo kiểu Việt. Mẹ em cũng thích ăn các món Việt Nam, dù bà tốt nghiệp trường nấu ăn và chắc là nấu món Nga rất ngon.

Natasa kể, khi về Hà Nội em thường đi chợ mua thực phẩm, nấu cơm cho bà. Có lần em hỏi mua thịt thăn như bà nội dặn nhưng người ta bảo chỉ có thăn chuột, sợ quá không dám mua. Nghe tôi cắt nghĩa, em cười hết cỡ.

Hồi ông nội còn sống, ông thường gọi yêu em là “mồm cá ngão” bởi nụ cười tươi tắn này. Ông bà rất cưng chiều nhưng nếu cô cháu Tây không nghe lời thì chẳng ngần ngại gì mà không đét cho mấy cái, kể cả khi cháu đã lớn. Bố em cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. Khi Natasa tốt nghiệp phổ thông, bố khuyên em vào học tiếng Việt, chuyên ngành kinh tế.

Năm nay, Natasa đã học xong năm thứ hai. Sau đợt thực tập 2 tháng ở đài Tiếng nói nước Nga, em sẽ cùng 2 bạn cùng lớp sang Việt Nam học tiếp một năm ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bố mẹ và em trai về nước, một mình em ở lại Maxcơva, vừa đi thực tập, vừa “điều hành” Cty kinh doanh chè của gia đình mà mẹ em là giám đốc.

Đầu tháng bảy, em được cử sang Cộng hoà Czech tham dự “Gặp gỡ Praha 2007” cùng với hơn 200 thanh niên và sinh viên Việt Nam đến từ các nước Ba Lan, Hungary, Czech, Slovakia, Đức, Ukraina và Liên bang Nga. Đi Praha về, Natasa được phân công viết bài cho chương trình phát thanh tiếng Việt của đài Tiếng nói nước Nga.

Em kể người Việt ở Praha có khu chợ tên là Sapa, giống tên Cty của bố mẹ em. Cộng đồng người Việt ở Czech làm ăn cũng vất vả như ở Nga, nhưng “Tiếng Việt còn thì cộng đồng Việt vẫn còn”, như một thanh niên tham gia diễn đàn “Gặp gỡ Praha 2007” đã phát biểu.

Hoa hậu Việt Nam tại SNG và những điều chưa kể ảnh 1
Cùng các bạn tham gia thi đấu thể thao. (Natasa ngoài cùng bên trái).

Khi tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại Liên bang Nga, Natasa bị thiệt thòi hơn các thí sinh khác vì không có mẹ bên cạnh. Trang phục dạ hội, áo tắm và giày em mặc hôm đi thi đều đã cũ, mẹ mua cho từ hồi tham dự lễ tốt nghiệp phổ thông.

Vậy mà khán giả đã vỗ tay nồng nhiệt cổ vũ cho cô gái tóc đen có dáng người thanh tú, đôi mắt to, mũi thẳng và nụ cười hết cỡ ấy, bởi em là hiện thân của sự kết hợp hài hoà giữa vẻ đẹp truyền thống dịu dàng và phong cách hiện đại của người phụ nữ Việt Nam.

Khi trả lời câu hỏi của ban giám khảo, em nói rất chân thành và giản dị: “Thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài phải luôn luôn nhớ về quê hương, phải quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Việt Nam, phải biết về lịch sử, kinh tế của đất nước và phải học tiếng Việt. Nhiều bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài không biết tiếng Việt. Bố mẹ các bạn phải dạy tiếng Việt cho con để con có thể nói chuyện với ông bà ở Việt Nam”.

Cả hội trường đã vỗ tay vang dội. Mấy ngày sau, bố mẹ em đã đọc câu nói cảm động của con gái trong nhiều tờ báo ở Việt Nam.

Sau khi đạt giải “Hoa hậu áo dài”, Natasa lại tiếp tục đến đài Tiếng nói nước Nga làm việc, nơi em đã thành thân thương với tất cả các cô các bác trong Ban Tiếng Việt. Em kể là em rất vui vì đã quyết định tham gia cuộc thi, vì đã học thêm được nhiều điều, cảm thấy tự tin hơn và nhất là có thêm nhiều bạn mới.

Và giờ đây, Natasa đã là Hoa hậu Việt Nam tại SNG. Em sẽ về Việt Nam tham dự vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt - 2007 được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang thơ mộng...

Theo Nguyễn Thị
Hội người Việt tại LB Nga

MỚI - NÓNG