Hoa khôi HV Ngoại giao: Sinh viên trường em không chỉ có con nhà giàu

Hoa khôi HV Ngoại giao: Sinh viên trường em không chỉ có con nhà giàu
"Học sinh giàu cũng có cái khó phải vượt qua – họ vượt giàu, vượt qua chính bản thân mình, không để mình chủ quan, chìm trong những điều kiện thuận lợi mà đánh mất đi nỗ lực và sự cố gắng của bản thân mình", tân Hoa khôi Học viện Ngoại giao Lê Ngọc Thùy Dương chia sẻ.

Lê Ngọc Thùy Dương đăng quang Hoa khôi Học viện Ngoại giao tối ngày 6/5/2018. Cô được khen là cô gái thông minh, giỏi ngoại ngữ và ứng xử văn minh. Sau khi nhận danh hiệu, Thùy Dương có cuộc phỏng vấn với PV:

Xin chào Dương, bạn cảm thấy như thế nào sau khi đăng quang?

Kết thúc cuộc thi, cởi đôi giày cao gót và bộ trang phục dạ hội, em quay trở lại với cuộc sống thường ngày, với quần bò giày thể thao, với công việc trợ giảng, với khóa luận tốt nghiệp, với những dự định tương lai, với gia đình và bạn bè.

Bên cạnh đó, em cũng sẽ tham gia những hoạt động quảng bá hình ảnh của học viện trên tư cách Hoa khôi Ngoại giao.

Hoa khôi HV Ngoại giao: Sinh viên trường em không chỉ có con nhà giàu ảnh 1  

Danh hiệu này có ảnh hưởng tới bạn như thế nào?

Điều đặc biệt là, những trải nghiệm ở Miss DAV giúp em hoàn thiện mình và nỗ lực hơn qua hai sự thay đổi.

Đầu tiên là tin tưởng vào bản thân mình, không tự đặt ra giới hạn cho bản thân. Vì khi sẵn sàng trải nghiệm, tìm tòi và cố gắng - sớm hay muộn ta sẽ nhận ra rằng chúng ta mạnh mẽ hơn ta từng nghĩ rất nhiều.

Thứ hai là trách nhiệm, khi đã mang chiếc vương miện, phần nào em đã đại diện cho những giá trị mà cuộc thi hướng đến - sự tự tin, kiến thức và lòng nhân ái cũng như giá trị của sinh viên Ngoại giao - năng động tầm nhìn sáng tạo. Nhận được vương miện cũng đồng nghĩa với trách nhiệm khiến mình trở nên xứng đáng với vương miện, với những giá trị mà chiếc vương miện hướng đến.

Bạn tưởng tượng mình sẽ như thế nào trong 5 năm tới?

Thay vì tưởng tượng tương lại mình sẽ như thế nào, em thương lên danh sách nhưng kế hoạch và dự định, tập trung vào hiện tại và thực hiện những kế hoạch đó để có thể nắm chắc tương lai của mình.

Nếu có cơ hội bạn có muốn vào showbiz hay không?

Em có niềm yêu thích đặc biệt với âm nhạc nói riêng và các môn nghệ thuật khác nói chung. Nhưng để chọn lựa hướng đi sự nghiệp phù hợp với sở thích, tính cách và khả năng của mình, em vẫn muốn gắn bó với chuyên ngành truyền thông mà mình được đào tạo trong suốt 4 năm học tại HV Ngoại giao.

Người ta thường nói "chân dài là của đại gia", bạn nghĩ thế nào về quan điểm này? Tiêu chuẩn chọn bạn trai của bạn là gì?

Thú thực, tuổi đời em còn rất trẻ, chưa thể có nhiều kinh nghiệm và không dám đưa ra những nhận xét, đánh giá về chuyện tình yêu.

Trong những mối quan hệ về bạn bè hay học tập, công việc, em có may mắn được gặp những người chủ động, trách nhiệm và sống tình cảm. Và em nghĩ đó sẽ là ba yếu tố duy trì những mối quan hệ (bao gồm cả tình yêu nữa) kéo dài.

Theo bạn, IQ hay EQ là quan trọng hơn?

Em nghĩ tầm quan trọng của cả hai là như nhau.

Người phụ nữ hiện đại nên cá tính bao nhiêu %, dịu dàng bao nhiêu %?

Em nghĩ người phụ nữ trong thời đại nào cũng cần sự linh hoạt để hiểu khi nào nó cần cá tính và mạnh mẽ hơn và khi nào họ cần dịu dàng lấy nhu khắc cương.

Cuộc sống có nhiều biến đổi, vì vậy chúng ta không thể đóng khung mình trong một khuôn mẫu từng này phần trăm dịu dàng, từng này phần trăm cá tính để đối mặt với những tình huống khác nhau được.

Gia đình bạn có truyền thống trong ngành Ngoại giao không? Bạn thừa hưởng được quan điểm sống hay tính cách gì từ gia đình mình?

Gia đình em có thiên hướng về khoa học tự nhiên (Toán, Công nghệ và Kỹ sư), còn ngành Ngoại giao lại mang thiên hướng khoa học xã hội.

Nhưng dù vậy, trong quá trình học tập và tìm con đường cho mình, em vẫn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, bảo ban và động viên từ ông bà, cha mẹ.

Hoa khôi HV Ngoại giao: Sinh viên trường em không chỉ có con nhà giàu ảnh 2  

Nghe nói sinh viên Ngoại giao đa phần là con nhà giàu, điều này có đúng với bạn không?

“Sinh viên Ngoại giao toàn con nhà giàu, sinh viên Ngoại giao đều là con ông cháu cha” – đó là suy nghĩ của rất nhiều người, và là nội dung câu hỏi mà năm nào chúng em cũng nhận được từ các học sinh cấp ba quan tâm đến trường trong thời kỳ tuyển sinh.

Đối với em Ngoại giao là một xã hội thu nhỏ, ở đây mỗi sinh viên đều mang một câu chuyện, hoàn cảnh gia đình và tính cách khác nhau và không tồn tại bất cứ khuôn mẫu nào cho hoàn cảnh mỗi người. Từng người bạn em gặp đều để lại trong em những ấn tượng và suy nghĩ khác biệt.

Điều em quan tâm nhất ở mỗi người không phải những thứ họ không có quyền quyết định – ngoại hình, xuất thân mà là những gì họ có thể thay đổi: thái độ, cách ứng xử, cùng những nỗ lực.

Theo bạn, người trẻ có gia đình khá giả thì có gì thuận lợi hay khó khăn?

Theo em, học sinh nghèo vượt khó, học sinh giàu cũng có cái khó phải vượt qua – họ vượt giàu, vượt qua chính bản thân mình, không để mình chủ quan, chìm trong những điều kiện thuận lợi mà đánh mất đi nỗ lực và sự cố gắng của bản thân mình.

Bạn sẽ quảng bá hình ảnh sinh viên Ngoại giao như thế nào?

Sinh viên Học viên Ngoại giao được biết đến với sự năng động, sáng tạo và tầm nhìn. Trong thời gian gắn bó với nơi đây, mình nhận ra rằng ngoài những giá trị trên, sinh viên Ngoại giao còn là những người có kỹ năng giao tiếp tốt và khả năng thích ứng cao với nhiều môi trường công việc.

Để quảng bá những giá trị này, trước hết, chính bản thân mình – với tư cách một sinh viên, một trợ giảng và giờ đây là Hoa khôi Ngoại giao cần hội tụ những giá trị ấy. Sau đó lan tỏa những giá trị này đến chính những sinh viên trong trường thông qua những giờ học trên lớp, những hoạt động ngoại khóa (hội diễn, các cuộc thi chuyên ngành,…).

Hoa khôi HV Ngoại giao: Sinh viên trường em không chỉ có con nhà giàu ảnh 3  

Khi những sinh viên Ngoại giao đã hiểu và hội tụ những phẩm chất tốt đẹp này, giá trị sẽ tiếp tục được lan rộng đến những người họ tiếp xúc.

Cảm ơn Dương và chúc em thành công trên chặng đường tương lai.

Một vài điều về Hoa khôi Thùy Dương:

Lê Ngọc Thùy Dương (SN 24/12/1996), sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, đang là sinh viên năm cuối đồng thời là trợ giảng của khoa Truyền thông Quốc tế và Văn hóa Đối ngoại.

Sở thích: hát, nghe nhạc, chơi nhạc cụ, đọc sách, viết lách.

Về ước mơ, hiện tại, mình có khá nhiều dự định tương lại cho công việc, học tập cũng như trải nghiệm cuộc sống. Vì thế ước mơ lớn nhất giờ đây có lẽ là đủ sức khỏe và sự kiên trì để bám trụ với những mục tiêu mình đã đề ra cũng như khả năng cân bằng giữa công việc cá nhân và thời gian cho những người thân xung quanh mình.

Quan điểm sống: Hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng bạn.

Số đo 3 vòng 82 – 57 – 87 , chiều cao 1m58.

Những thành tích đạt được trong học tập, các cuộc thi:

- Nhận học bổng cho thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa tốt trong suốt 3 năm đại học

- Được nhận làm trợ giảng tại khoa Truyền thông Quốc tế và Văn hóa Đối ngoại

- Giải Nhất (Đồng đội) cuộc thi Blog Marathon do Đại sứ quán Mỹ tổ chức.

- Đạt Giải Nhì “Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học 2017” với đề tài “Sự hình thành Đại chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc” (đề tài nhóm)

- Một trong ba đề tài xuất sắc nhất Hội thảo Truyền thông trong thế kỷ thứ XXI của Khoa Truyền thông Quốc tế. tên đề tài: “Vai trò của mạng xã hội trong chiến dịch truyền thông bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump” (đề tài nhóm)

- Giấy khen Công đoàn Bộ Ngoại Giao: Đạt thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2015-2016.

- Phụ trách Nội dung và Truyền thông của Cuộc thi Nhà Truyền thông Tài ba IC Master 2017.

- Thành viên của Ban Thanh nhạc – CLB Âm nhạc Học viện Ngoại Giao từ năm 2014 đến nay. Tham gia biểu diễn cho: Các sự kiện thường niên quan trọng của Học viện như: Lễ khai giảng, Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, Lễ bế giảng, Giao lưu sinh viên các trường, Chương trình Tư vấn tuyển sinh, các chương trình trực thuộc Bộ Ngoại giao...

Có khả năng chơi nhạc cụ và là thành viên của CLB We-Guitarists.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG