Hoạt động tình nguyện sẽ chuyên nghiệp hơn

Anh Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, trong một lần làm tình nguyện tại tỉnh Điện Biên.
Anh Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, trong một lần làm tình nguyện tại tỉnh Điện Biên.
TP - Trao đổi với  PV Tiền Phong, anh Vũ Minh Lý, Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (VVC) nói rằng, với  chính sách cụ thể hơn, cơ chế quản lý tốt hơn, hoạt động tình nguyện sẽ chuyên nghiệp hơn, an toàn hơn, bền vững hơn...

Được hưởng nhiều chế độ

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chính sách đối với hoạt động tình nguyện. Các chính sách này mang lại những lợi ích gì cho tình nguyện viên thưa anh?

Trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện, đôi khi có những rủi ro xảy ra với tình nguyện viên. Chẳng hạn như bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe, họ cần được hỗ trợ về chi phí y tế, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút. Đặc biệt, thanh niên được hưởng những chế độ tương tự như thương binh. Thậm chí có thể được công nhận là liệt sỹ trong trường hợp hy sinh khi dũng cảm bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động tình nguyện, tình nguyện viên cũng có thể được thụ hưởng các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... để cuộc sống của họ được đảm bảo hơn. Bên cạnh đó, thanh niên tình nguyện còn được tập huấn các kỹ năng công tác xã hội, kỹ năng hoạt động tình nguyện cụ thể, nắm rõ được các thông tin và chính sách quy định trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia hoạt động tình nguyện.

Theo anh, những chế độ, chính sách quan trọng đối với thanh niên tình nguyện sẽ tác động tới các phong trào tình nguyện thời gian tới thế nào?

“Để hoạt động tình nguyện lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống xã hội, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể đối với người làm tình nguyện. Đồng thời cần có cơ chế quản lý các hoạt động cho tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, qua đó hạn chế những mặt trái có thể nảy sinh, tránh phô trương, hình thức, lãng phí”. 

Anh Vũ Minh Lý, Ủy viên BCH T.Ư Đoàn,  Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia

Thực tế, hầu hết mọi người khi đã tham gia tình nguyện thì không bao giờ đòi hỏi chính sách, chế độ cho bản thân mình. tuy nhiên, để hoạt động tình nguyện lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống xã hội, Nhà nước cũng cần có những chính sách cụ thể đối với người làm tình nguyện. Đồng thời cần có cơ chế quản lý các hoạt động cho tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, qua đó hạn chế những mặt trái có thể nảy sinh, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.

Chúng tôi cũng hy vọng trong tương lai sẽ có chủ trương thống nhất về thẻ, trang phục, phương tiện phù hợp với yêu cầu của mỗi hoạt động tình nguyện. Cơ quan đứng ra tổ chức hoạt động tình nguyện cũng phải có trách nhiệm cung cấp phương tiện hoạt động, làm việc cho tình nguyện viên. Khi hoàn thành công việc, thanh niên tình nguyện cần được cấp giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ hoặc các hình thức ghi nhận khác như Huy hiệu thanh niên tình nguyện, khen thưởng của Nhà nước, của tổ chức Đoàn, Hội.

Ngoài ra, Quyết định của Thủ tướng cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các địa phương thụ hưởng hoạt động tình nguyện, đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương trong việc phối hợp với tổ chức Đoàn và các tổ chức tình nguyện để tạo điều kiện cho các tình nguyện viên hoạt động trên địa bàn.

Tránh phô trương, hình thức

Theo anh những khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức phong trào tình nguyện là gì? Làm sao để giúp các CLB tình nguyện được duy trì bền vững, phát triển lâu dài?

Theo tôi, khó nhất là việc lên ý tưởng sáng tạo để thiết kế, tổ chức hoạt động tình nguyện cho hấp dẫn, thiết thực, hiệu quả để thu hút thật nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia. Theo đó, phải thu hút làm tình nguyện bằng những công trình thanh niên cụ thể, chứ không cổ vũ những hoạt động tình nguyện mang tính phong trào, tránh phô trương, hình thức. Việc ra quân rầm rộ nhưng không để lại dấu ấn, phần việc, sản phẩm cụ thể là vấn đề cần khắc phục.

VVC đang kết nối với 500 CLB, đội, nhóm và thành lập 4 mạng lưới hệ thống tình nguyện phân bổ khắp cả nước. Vì vậy, để các CLB hoạt động bền vững, lâu dài là trăn trở của không chỉ cá nhân tôi mà còn là nỗi băn khoăn của tổ chức Đoàn. Ở thanh niên, họ luôn có lòng nhiệt huyết, sự nhiệt tình nhưng họ cũng là lứa tuổi dễ bị tác động từ nhiều yếu tố khác. Đặc biệt là về vấn đề việc làm, thu nhập, vui chơi, giải trí. Điều đó có thể khiến các CLB, tổ chức tình nguyện thành lập rất dễ nhưng cũng nhanh chóng tan rã.

Muốn duy trì bền vững hay phát triển lâu dài, trước hết vai trò của người thủ lĩnh rất quan trọng. Theo đó, người thủ lĩnh phải là người sáng tạo, linh hoạt tìm tòi đổi mới những mô hình làm tình nguyện để phù hợp với nhu cầu của các thành viên cũng như để thu hút, hấp dẫn các bạn trẻ đến với hoạt động tình nguyện của CLB mình. Hơn nữa, việc đổi mới và tuyển chọn TNV, thành lập đội TNV dự bị là điều rất cần thiết.

Không có giới hạn nào để các bạn có thể làm tình nguyện. Mọi người thường quan niệm rằng, tình nguyện là phải lên rừng xuống biển nhưng theo tôi, mọi người có thể làm tình nguyện thường xuyên và tại chỗ. hằng ngày, bất kỳ ai cũng có thể làm được việc tốt bằng cách hy sinh quyền lợi tinh thần vật chất của bản thân. thay vì chờ đợi một “anh hùng” nào đó ở góc độ vĩ mô với những phong trào to lớn giúp đỡ cộng đồng, đất nước thì mỗi người hãy là một “anh hùng thường nhật”, đóng góp thông qua hoạt động tình nguyện của mình.

Cảm ơn anh

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.