Học chữ hay học nghề?

Học chữ hay học nghề?
Trong quan niệm của rất nhiều bạn trẻ, hình như chỉ có học chữ mới được coi là sang trọng. Thế nên, bất chấp “đầu vào” đã khó, “đầu ra” còn khó hơn, người ta vẫn đổ xô thi vào đại học.

Suốt bốn năm đèn sách, mơ màng với những áng thơ văn, cuối cùng ra trường Nguyễn Minh (cử nhân văn học) phải chấp nhận làm một công việc mà trước đó cô chưa bao giờ nghĩ đến: bán sách.

Nhưng Minh nở nụ cười mếu máo: “Thế là tôi còn may mắn đó. Nhiều đứa bạn cùng lớp đại học của tôi ngày xưa đang mơ được như tôi đấy”.Để “minh chứng” cho lời nói Minh kể tình cảnh các bạn học cũ : nào cái Hoa, xinh xắn nhất lớp giờ như bông hoa héo, long tong với chân cộng tác viên cho vài tờ báo để kiếm sống qua ngày. Đã gần 5 năm mà Hoa vẫn chưa tìm được “bến đỗ” bình an.

Còn anh chàng Thanh Hải, lơ mơ làm thơ cả ngày, hiện tại đang làm nghề đưa hàng thuê cho đại lý bánh kẹo....Minh còn cho biết thêm, đồng nghiệp của cô đa phần là đều có bằng cử nhân. Ngày ngày họ cùng làm việc, đôi khi lại thở than: “học đại học chỉ để bán sách thôi sao?”.

Thực tế ai cũng nhận thấy: rất nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, hoặc chấp nhận làm những công việc không đúng nguyện vọng, sở trường. Thế nhưng không vì thế mà nhu cầu vào đại học có chiều hướng suy giảm.

Cao Cường, quê Lạng Sơn, suốt ba năm thi đại học vẫn “trượt vỏ chuối”, song Cường không nản chí, cậu kiên quyết: “Em sẽ thi đến khi nào đỗ mới thôi, bất chấp thời gian và tiền bạc”. Trả lời câu hỏi: “Sao không tính chuyện học nghề?”, Cường ngạc nhiên nhìn tôi như người từ cung trăng rơi xuống: “Tinh thần chị có ổn không đấy? Học đại học mới sang chứ, học nghề chỉ dành cho người không thông minh và nghèo nàn thôi”. “Theo em, bằng cử nhân có mở ra “cơ hội vàng?”.

Cường ngẫm nghĩ hồi lâu rồi lắc đầu: “em không biết nữa nhưng kể cả sau này không có việc làm, em vẫn muốn có tấm bằng đại học để mọi người khỏi khinh”. Một số bạn trẻ cũng có ý nghĩ như Cao Cường.Cho nên, khi nghe tin trượt đại học, không ít người đã rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, tưởng chừng như mọi thứ đã kết thúc. 

Đại học không phải là con đường duy nhất

Đó là lời của Đỗ Công Nguyên, huy chương vàng Hội thi tay nghề giỏi Asean 2004. Công Nguyên đã từng đỗ đại học Luật nhưng “thi chỉ để biết”, chàng trai này “đặt cược” toàn bộ tương lai vào học nghề.

Và Nguyên đã thành công , hiện tại Nguyên đang làm bếp tại khách sạn Hilton, với mức lương ban đầu là 2,5 triệu. Tất nhiên mức lương ấy chưa phải là cao, nhưng nó quả là giấc mơ đối với những cử nhân đang loay hoay tìm việc.

“Có nghề  trong tay sẽ không lo đói”, chủ tiệm làm tóc A.Hoàng Sài Gòn (411 Đê La Thành) tâm sự như vậy. Xuất thân từ một gia đình nghèo, học đến lớp 10 anh Hoàng thôi học, chuyển sang học nghề làm đẹp. Thời gian qua đi, tay nghề vững vàng, thu nhập của anh ngày càng ổn định.

Trừ các khoản chi phí (thuê nhà, thuê nhân viên) mỗi tháng anh cũng có hơn 5 triệu. Không dừng ở đó Hoàng còn dự định, nếu có điều kiện sẽ đi học thêm ở nước ngoài để nâng cao tay nghề và giành giải tại các cuộc thi tạo mẫu tóc.

Cùng nghề nấu nướng như  Đỗ Công Nguyên, ít ai ngờ rằng ông chủ quán phở gà khá có tiếng trên đường Tôn Đức Thắng, đã tốt nghiệp ĐH Thương mại, nhưng cuối cùng lựa chọn nghề bán phở. Anh cho biết mỗi tháng thu về không dưới 15 triệu. Một con số khiến nhiều người giật mình và chạnh lòng khi liên hệ với bản thân.

So với học đại học, chi phí cho học nghề không quá tốn kém. Đây là giá tham khảo ở trung tâm dạy nghề Thanh Xuân (96 Khuất Duy Tiến), nơi có khá đông nam thanh niên theo học : học sửa chữa xe máy-1,6 triệu/khoá (3 tháng); sửa chữa ô tô - 4 triệu/khoá (4 tháng); sửa chữa điện tử: 2,9 triệu/ khoá (8 tháng). Hiện nay các trung tâm dạy nghề làm đẹp đang rất thu hút giới trẻ, đặc biệt là phái đẹp.

Học nghề hay học chữ, lựa chọn tuỳ thuộc chính bạn. Tuy nhiên, nếu không thể học lên đại học, hãy nhớ, bạn còn có một con đường khác: học nghề. Bỏ qua quan niệm không đúng đắn về nghề sang, nghề hèn, bỏ qua chút “sĩ diện”, bạn sẽ thấy hoàn toàn thoải mái, tự tin với quyết định học nghề. Tuy nhiên, dù là học chữ hay học nghề cũng phải học cho tốt, mới mong trụ vững trước sự gạn lọc khắt khe của cuộc sống. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.