Trực tuyến với các thủ khoa 30 điểm trên Tiền phong Online :

Học giỏi để thoát nghèo !

Học giỏi để thoát nghèo !
TPO - Trả lời câu hỏi của nhiều bạn đọc - Vì sao con nhà nghèo học giỏi ?, cả ba thủ khoa 30 điểm đều khẳng định, giàu nghèo không phải là yếu tố quyết định, điều quan trọng là nỗ lực bản thân. Song họ đều có chung một ý chí: Nỗ lực học giỏi để thoát nghèo !
Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 1
Bạn Nguyễn Đăng Chuẩn, Lê Thị Ngọc Anh và Nguyễn Đức Học.

Đúng 9 giờ 30 sáng nay, 3 thủ khoa của kỳ thi ĐH 2007 là khách mời của Tiền phong Online đã có mặt tại tòa soạn để giao lưu cùng bạn đọc.

Phó tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam: Lời đầu tiên tôi xin chúc mừng những thủ khoa của kỳ thi tuyển sinh năm nay mà 3 khách mời là những đại diện. Tôi mong muốn các bạn sẽ nỗ lực hơn nữa tiếp tục thể hiện ý chí của mình, khả năng của mình để đạt được những thành tích cao hơn nữa làm rạng danh chính mình, gia đình mình và đất nước Việt Nam.

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 2
Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Nguyễn Ngọc Nam chúc mừng những thủ khoa xuất sắc

Tiếp đó, ông Nguyễn Danh Huy - Giám đốc Cty Giáo dục Toàn cầu - nói: “Trước hết cho tôi gửi lời cảm ơn đến báo Tiền phong đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến này để các nhà tài trợ có cơ hội tìm hiểu và giúp đỡ các em. Giáo dục toàn cầu là Cty chuyên về đào tạo tiếng Anh. Với tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ các em học sinh giỏi trong học tập, nhân dịp này Cty chúng tôi xin tặng 1 suất học bổng tiếng Anh toàn phần (1 học năm miễn phí) cho 3 thủ khoa.

Riêng bạn Nguyễn Đăng Chuẩn, Cty chúng tôi sẽ dành thêm một suất học bổng đào tạo tiếng Anh chuyên ngành đặc biệt để sau 2 năm bạn có thể du học. Khi đạt điểm IELTS hoặc TOEFL Cty sẽ tìm đối tác để Chuẩn có thể đi học nước ngoài.

Ngoài ra, Global Educatuion cam kết nhận hỗ trợ đào tạo tiếng Anh và tìm kiếm cơ hội học bổng trong suốt 2 năm học (2007 - 2009) cho em Nguyễn Đăng Chuẩn - Thủ khoa ĐHBK Hà Nội".

Ngay sau đó, ông Nguyễn Danh Huy đã trao 3 suất học bổng cho 3 Thủ khoa, mỗi suất học bổng trị giá 168 USD cho một năm học tiếng Anh tại Trung tâm đào tạo tiếng Anh Global Education (Hà Nội).

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 3
Nguyễn Đăng Chuẩn

Nhân dịp này ông Huy cũng gửi tới Tiền phong Online 20 thẻ học tiếng Anh trực tuyến có thời hạn 12 tháng (trị giá 500.000 đ/thẻ) cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích cao tại kỳ thi ĐH 2007 vừa qua.

Nguyễn Đăng Chuẩn xúc động nói: "Em đã may mắn là thủ khoa của trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay. Em rất vui vì nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan báo chí và các tổ chức. Em xin chân thành cảm ơn". 

Lê Thị Ngọc Anh: Em xin cảm ơn báo Tiền phong đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến này, giúp em có cơ hội giao lưu với bạn đọc trong cả nước.

Chị Dương Thị Thu Hà - Mẹ em Lê Thị Ngọc Anh: Tôi xin cảm ơn các cơ quan đoàn thể đã giúp đỡ các cháu trong việc học tập.

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 4
Lê Thị Ngọc Anh
Nguyễn Đức Học : Hôm nay em rất vinh dự được giao lưu cùng các bạn học sinh và độc giả của Tiền phong Online. Em xin cám ơn sự động viên khích lệ của báo Tiền phong và của Global Education.

Muon duoc biet dia chi nha cua 2 em Chuan va Hoc de co the giup 2 em neu cac em can giup. (Duy Khiem, 40 tuoi, TPHCM)

Nguyễn Đức Học:  Nhà của cháu ở thôn Tự Do, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Cháu xin gửi lời cám ơn tới bác đã có lòng giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn như cháu tiếp tục được theo đuổi con đường học tập.

Chao Chuan. Anh la nguoi da truong thanh, rat kham phuc em. Em la tam guong sang de nhieu hoc sinh noi theo. Anh muon co dia chỉ cu the de lien lac voi em duoc khong? E giu dia chi e-mail cua a nhe, chung ta cùng lien lac, nhat la truoc khi e nhap hoc. vinhbtc2000@yahoo.com (Vinh, 41 tuoi, Ha Noi).

Nguyễn Đăng Chuẩn: Địa chỉ của nhà em: Thôn Thanh Tương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.  

Anh là thủ khoa đại học Bách khoa Hà Nội nghèo nhất mà em biết. Vậy anh học và ôn thi như thế nào mà lại có kết quả cao như thế, điều mà ngay học sinh truờng chuyên lớp chọn ở Hà Nội cũng khó đạt? (Trần Dũng, 15 tuổi, 6 ngõ Thịnh Yên, Hà Nội)

Nguyễn Đăng Chuẩn: Qua mỗi bài học, anh cố gắng tìm ra nội dung trọng tâm của bài, làm các câu hỏi và bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập để nắm vững kiến thức đó. Sau đó anh sưu tầm, đọc thêm sách tham khảo, sách nâng cao để hiểu sâu và chắc hơn các kiến thức đó; có thể ghi chép lại những điều thấy hay và khó nhớ.

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 5
Lê Thị Ngọc Anh
Chào bạn Lê Thị Ngọc Anh. Biết bạn là bạn nữ duy nhất đạt thủ khoa tuyệt đối với 3 điểm 10 mình thực sự khâm phục. Vậy bí quyết của bạn là gì có thể san sẽ cho những lớp sau đi được không?(Võ Thành trung, 22 tuổi, Nguyễn Du, Bắc Hà, Hà Tĩnh)

Lê Thị Ngọc Anh: Như mình đã trả lời, phần lớn thời gian mình tự học là chính. Trước tiên, mình luôn làm hết bài tập trong sách giáo khoa, rồi mới "giải quyết" các vấn đề trong sách nâng cao. Mình cũng có đi học thêm các môn Toán, Lý, Hóa nhưng thời gian tự học ở nhà vẫn là chính.

Thông thường, mình có thói quen học phần nào chắc phần đó, như vậy sẽ giúp nhớ lâu hơn.

Anh sắp xếp thời gian biểu như thế nào để có thể học được nhiều kiến thức trong các sách tham khảo? Ban đêm anh thức đến mấy giờ? Anh tự học hay học thêm ở thầy cô nào khác không? (Nguyễn Trần Vũ Linh, 15 tuổi, Tổ 5, thôn 4 Đức Hạnh, Đức Linh, Bình Thuận).

Nguyễn Đăng Chuẩn: Khi học sáng thì khoảng 12 giờ 30 anh về đến nhà sau đó nghỉ trưa đến khoảng 14 giờ. Từ 14 - 17 giờ anh học buổi chiều và sau đó làm việc gia đình. Từ 19 đến 24 giờ anh tiếp tục học.

Ngoài thời gian học chính khóa ở trường, anh đi học thêm các thầy cô giáo dạy ở lớp (2 buổi/tuần). Anh chỉ học thêm môn Toán và Hóa (2 tiếng/buổi).

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 6
Nguyền Đức Học

Nguyền Đức Học: Anh thường mượn thư viện hoặc để dành tiền mua sách tham khảo. Vì không có nhiều điều kiện nên anh lựa chọn thật kỹ khi mua và chỉ mua khi nào cảm thấy thật sự cần thiết.

Bình thường trên lớp anh  tập trung nghe thầy cô giảng còn khi về nhà anh dành 2 tiếng để tìm hiểu bài tập trong nhữngcuốn sách tham khảo.

Ban đêm anh thức tới khoảng 12 giờ để học và chủ yếu tự học ở nhà, những điều chưa hiểu anh đến lớp tranh thủ hỏi thêm thầy cô giáo và bạn bè.

Theo anh muốn học giỏi phải thật sự đam mê, tập trung vào công việc và quan trọng phải tự học là chính. Ngoài ra "học phải đi đôi với chơi" như thế tinh thân mới thỏa mái để tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.

Mình hiện là sinh viên năm cuối trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Mình có một câu hỏi dành cho cả ba bạn là: Điều quan trọng nhất làm nên thành công trong học tập của các bạn là gì? Xin chân thành cảm ơn!(Dương Mạnh Cường, 23 tuổi, Lý Thường Kiệt, Hưng Yên)

Quà của anh Nguyễn Ngọc Long (1 triệu đồng) và một đồng nghiệp cùng cơ quan của anh Nguyễn Ngọc Long (500.000 đồng) gửi tặng thủ khoa Chuẩn.
Địa chỉ của anh Nguyễn Ngọc Long: Phòng Nhạc số, 68 Võ Văn Tần, Quận 3, TP Hồ Chí Minh. ĐT: 0907079875.

Quà của GS Phạm Xuân Yêm (Đại học Pierre-Marie Curie - Paris, Pháp). GS Yêm là nhà vật lý trong lãnh vực hạt cơ bản năng lượng cao rất có uy tín trong và ngoài nước. Ông từng về làm việc tại Hà Nội nhiều lần. GS Yêm là đồng hương với Chuẩn. Ông mong rằng số tiền 200 euro (4.313.200 VND) sẽ giúp Chuẩn vượt qua những khó khăn ban đầu để tiến bước trên con đường đại học.

Nguyễn Đăng Chuẩn: Theo em, sự động viên của gia đình, nhà trường và nỗ lực của bản thân chính là điều quan trọng nhất làm nên thành công trong học tập của bản thân.

Lê Thị Ngọc Anh: Theo em, có nhiều yếu tố giúp thành công trong học tập. Với em, đầu tiên em luôn xác định rõ mục đích học tập là gì, từ đó luôn cố gắng để đạt được mục đích đó. Mục đích học tập của em là nhằm nâng cao hiểu biết, đỗ đại học và sau đó trở thành người có ích cho xã hội.

Nguyễn Đức Học: Theo em sự nỗ lực của chính bản thân mình là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi mình đã có mục tiêu phấn đấu thì những nỗ lực ấy mới đạt được kết quả như mình mong muốn. Ngoài ra, sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, thầy cô và bạn bè cũng là yếu tố quan trọng để em làm nên thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Là con gái, cá nhân Ngọc Anh thấy mình có những "lợi thế" và "thiệt thòi" gì trong học tập so với các bạn nam? Chân thành cảm ơn! (Hoàng Anh Quân, 21 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)

Lê Thị Ngọc Anh: Ở lớp mình, các bạn nam và nữ bình đẳng như nhau trong học tập. Mọi người đều hòa đồng và giúp đỡ nhau trong học tập nên không ai bị "thiệt thòi" gì.

Lời đầu tiên xin được bày tỏ sự khâm phục, tình cảm yêu mến của tôi đối với 3 Thủ khoa. Nếu các em là con nhà khá giả, được học ở các trường điểm, lớp chọn, điều kiện học tập thuận lợi thì tôi cho rằng đỗ Thủ khoa cũng là chuyện bình thường.

Nhưng với những hoàn cảnh khác nhau như vậy, tôi hiểu ý chí và nghị lực của 3 em. Tôi rất muốn hỏi 3 em: Động cơ nào làm cho 3 em say mê học tập? Em hãy cho biết thời gian biểu học tập của mình và cách nào để em tự học tốt nhất? (Đặng Vũ Thắng, 35 tuổi, 66 Nghĩa Xá, Hải Phòng)

Nguyễn Đức Học: Em sinh ra trong một gia đình không có nhiều điều kiện nên em muốn nỗ lực học thật giỏi để sau này có thể giúp ra đình vượt qua khó khăn. Trong gia đình có chú em là Thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Đây cũng là tấm gương sáng để em học tập, noi theo.

Em rất may mắn vì có một cô giáo chủ nhiệm rất quan tâm tới học sinh và không ngừng giúp đỡ chúng em học tập. Trước em còn có 2 bạn đoạt HCB Olympic Toán quốc tế - đây là động cơ để em thi đua học tập với các bạn để có thành tích tương xứng với các bạn.

Lê Thị Ngọc Anh: Động cơ giúp em học tập tốt chính là đề ra mục đích rõ ràng rồi phấn đấu để đạt được mục đích đó. Bên cạnh đó, gia đình em cũng luôn tạo điều kiện để em có thể học tập đạt kết quả tốt nhất.

Thời gian biểu học tập của em là: Buổi sáng, em học trên lớp. Buổi chiều, nếu không phải học thêm thì tự học ở nhà. Buổi tối, em tự học từ 20 giờ đến 23 giờ 30. Tối thứ Bảy, Chủ nhật, em học ít hơn ngày thường.

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 7
Nguyễn Đăng Chuẩn

Tôi thực sự có một ấn tượng đặc biệt với Thủ khoa Nguyễn Đăng Chuẩn. Trước hết, xin chúc mừng em. Xin có câu hỏi: Trong quá trình học từ lớp 1 đến lớp 12, có lúc nào em cảm thấy "mệt mỏi", hay "chán nản" không? Bí quyết nào giúp em vượt qua những lúc như vậy? (Hoàng Huy Khải, 20 tuổi, Học viện Quân y).

Nguyễn Đăng Chuẩn: Đôi khi em cũng thấy mệt mỏi, chán nản nhưng được sự động viên của gia đình và sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô giáo, em cảm thấy tự tin hơn và đây chính là nghị lực để giúp em vượt qua khó khăn.

Cảm giác của các em khi biết mình đạt thủ khoa ? (Hạ Vũ Anh, 34 tuổi, THPT Chuyên Vĩnh Phúc)

Nguyễn Đức Học: Em đã nhận ra thầy là thầy Vũ Anh, người thầy dạy toán của em. Thưa thầy, khi được bác gọi điện về báo tin em đã đạt thủ khoa em cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Em xin cám ơn thầy đã quan tâm tới em!

Lê Thị Ngọc Anh: Chiều 31/7, em nhận được tin mình đỗ thủ khoa (điểm tuyệt đối) của trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Em rất bất ngờ vì em nghĩ có rất nhiều bạn giỏi hơn mình.

Ngay sau đó, một thầy giáo của trường Đại học Ngoại thương gọi điện đến nhà em báo tin và chúc mừng. Lúc đó, em chắc chắn là đỗ thủ khoa. Em liền gọi điện cho bố, mẹ để báo tin vui. Bố mẹ em lập tức về nhà.

Nguyễn Đăng Chuẩn: Cảm giác của em lúc đó là rất vui mừng và sung sướng. Người đầu tiên mà em nghĩ đến là bố mẹ em và em báo tin này cho gia đình biết để mọi người có thể chia sẻ niềm vui với em.

Chúc mừng các em! Các em đã truyền thêm sức mạnh cho những bạn học sinh nghèo và đang phải đấu tranh với cái nghèo để có thể đi học và có cơ hội thay đổi cuộc đời. Các em có thể chia sẻ kinh của mình cho các bạn đang phải vừa cố gắng học tốt vừa phải tham gia sản xuất giúp đỡ gia đình để mưu sinh và có tiền ăn học?

Những năm ĐH sắp tới, các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn, các em đã có sự chuẩn bị nào chưa? Chúc các em có nhiều nghị lực để vượt qua tất cả và thành công.(phungthekha@yahoo.com, 21 tuổi, ĐH KHXH &NV HN).

Lê Thị Ngọc Anh: Kinh nghiệm học tập của em là làm hết bài tập trong sách giao khoa và phần làm thêm trong sách bài tập. Ngoài ra, em cũng đọc và làm bài trong sách nâng cao (mà em vừa tự mua và đi mượn).

Phương pháp học của em là tự học. Ở nhà, em tự học vào buổi tối từ 8 đến 11 giờ 30. Thời gian tự học, em đọc kỹ và làm bài trong sách giáo khoa và bài tập thầy, cô giáo giao. Ngoài ra, em cũng thử sức mình bằng cách làm những đề thi đại học năm trước.

Em xác định là học đại học sẽ khó hơn học phổ thông nhiều nên em sẽ phải rất cố gắng.

Nguyễn Đăng Chuẩn: Hiện em chưa có chuẩn bị gì cả. Đợi đến khi nhập học em sẽ cố gắng học tập để đạt được những kết quả tốt nhất có thể. Em dự định có thể sẽ đi làm thêm để có chi phí cho việc học tập để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 8
Nguyễn Đức Học

Nguyễn Đức Học: Do học ở xa nhà, em phải thuê trọ và tập sống tự lập từ năm lớp 10. Những khi có dịp về nhà em tranh thủ giúp đỡ gia đình một số việc thường ngày như bán hàng, cho lợn ăn, tát nước ở ngoài đồng và có thể làm xay xát lúa hoặc nghiền cám để bố mẹ em có thể yêu tâm tăng gia sản xuất.

Tuy thi đỗ đại học nhưng gia đình cũng như bản thân em cũng rất lo lắng về kinh phí học 4 năm học của em và chị gái. Tuy nhiên, bố em đã nói: "Dù phải vay ngân hàng hoặc bán nhà bố mẹ em cũng lo cho chị em em học tập đầy đủ".

Vì vậy, em đã xác định trong những năm học đại học em phải cố gắng học thật tốt để có được học bổng. Như vậy sẽ giúp được bố mẹ phần nào gánh nặng "tiền học phí" của em. Ngoài ra em cũng định dành thời gian tìm việc làm thêm để học hỏi kinh nghiệm và giúp đỡ gia đình. 

1.Theo cac em yeu to nao, dong luc nao giup cac em hoc sinh ngheo co the hoc gioi va dat thu khoa o cac ky thi vao dai hoc? 2. Cac em co kien nghi gi doi voi Bo Giao duc Dao tao va Chinh phu co chinh sach doi voi nhung em con nha ngheo hoc gioi va dat thu khoa? 3. Khat vong cua cac em sau khi ra truong? (Pham Khac Khoan, 51 tuổi, 53 tran Nhat Duat, Q1, TPHCM)

Nguyễn Đăng Chuẩn: Em mong muốn Chính phủ và Bộ GD&ĐT có thể tạo điều kiện để giúp đỡ các bạn học sinh nghèo đạt thành tích cao trong học tập để chúng em có điều kiện học tập tốt nhất để phát huy khả năng của mình.

Sau khi tốt nghiệp em mong muốn có một việc làm ổn định để có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình. Đây là mong muốn trước mắt của em. Sau khi nhập trường, lúc đó em sẽ có những dự định cụ thể hơn.

Nguyễn Đức Học: Hoàn cảnh khó khăn của gia đình là một động lực để em cố gắng học tập "thoát nghèo". Vào được ĐH là một thành công lớn của em nhưng kinh phí học tập cũng là nỗi lo lớn của em.

Em cũng mong muốn Chính phủ và Bộ GD - ĐT có những chính sách cho chúng em cũng như các bạn trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể yên tâm học tập và tạo điều kiện để em có cơ hội góp phần làm cho đất nước mình ngày càng phát triển.

Sau khi tốt nghiệp ĐH em mong tìm kiếm cho mình một công việc ổn định để sau này góp một phần sức bé nhỏ xây dựng quê hương phát triển.

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 9
Lê Thị Ngọc Anh và mẹ tại buổi giao lưu trực tuyến trên Tiền phong Online.

Anh muon giup Chuan dong tien hoc phi cua nam dau tien. (Nguyen Van Dung, 29 tuổi, Lien Quan, Thach That, Ha Tay)

Bạn Nguyễn Đăng Chuẩn: Trước tiên em xin cảm ơn về lời đề nghị giúp đỡ của anh. Địa chỉ của em là: Nguyễn Đăng Chuẩn, thôn Thanh Tương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Thu khoa do thong minh hay chiu kho?Toi kham phuc em! (Nguyen Thi Thuy, 42 tuổi, 45 Nguyen Du, TP Bac Ninh) 

Lê Thị Ngọc Anh: Với cá nhân em, em nghĩ là do yếu tố chịu khó, chăm chỉ quyết định.

Nguyễn Đăng Chuẩn: Theo em nghĩ để học tốt thì điều kiện cần là phải chịu khó. Nếu chỉ thông minh mà không chịu khó thì chưa đủ. Một người có thể không thông minh nhưng chịu khó thì vẫn có thể đạt được kết qủa cao trong học tập. Nếu vừa thông minh vừa chịu khó thì càng tốt.

Nguyễn Đức Học: Theo em, thủ khoa phần lớn là do sự cần cù chịu khó còn thông minh chỉ chiếm một phần nhỏ. Bản thân em cũng không phải là người thông minh nhất trong lớp nên em đã lấy "cần cù bù thông minh".

Mình xin hỏi bạn Ngọc Anh: Bạn đã có dự định gì cho tương lai? (Hạnh, 21 tuổi, 512 Đường Cách mạng tháng Tám, TP Thái Nguyên)

Lê Thị Ngọc Anh: Trước mắt, em sẽ tập trung cố gắng học thật tốt đại học trong những năm tới.

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 10
Nguyễn Đăng Chuẩn

Chuẩn ơi, em có thể thay mặt các bạn trả lời câu hỏi: VÌ SAO CON NHÀ NGHÈO HỌC GIỎI TRONG ĐIỀU KIỆN THIẾU THỐN MỌI THỨ? 

Nếu anh và mọi ngưòi giúp em một số tiền để em có thể theo học đại học thì em có kế hoạch giữ và chi tiêu số tiền này như thế nào một cách thông minh và có hiệu quả? (Phan Văn Hải, 42 tuổi, Cty KNOC Vietnam.

Nguyễn Đăng Chuẩn: Em nghĩ, để có thể vươn lên trong cuộc sống thì điều duy nhất là con đường học tập nên em quyết tâm theo con đường đó và được sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường, bạn bè. Mọi người đều tạo điều kiện cho em để em có những dụng cụ và phương tiện học tập. Cùng với sự cố gắng của bản thân đã giúp em vượt qua được hoàn cảnh khó khăn của mình.

Nếu được giúp đỡ thì trước hết em sẽ dùng số tiền này để trang trải các khoản như: đóng học phí, tiền thuê nhà trọ, đặc biệt là mua tài liệu để phục vụ cho việc học tập ở trường Đại học.

Em rất khâm phục kết quả học tập của các anh chị. Em muốn hỏi địa chỉ email, số điện thoại của chị Ngọc Anh để xin chị trợ giúp một vài bài hóc búa mà em rất thắc mắc trong kỳ thi ĐH vừa qua. Em cảm ơn chị. (Hạnh Nguyên, 17 tuổi, Hà Nội)

Lê Thị Ngọc Anh: Bạn có thể liên hệ với Ngọc Anh qua địa chỉ e-mail: ngocanh_2301@yahoo.com; hoặc: lkaan_8290@yahoo.com.

Chị cảm phục với kết quả thật tuyệt vời của 3 em. Trong hoàn cảnh gia đình nghèo khó và đạt được kết quả thi Đại học hơn tất cả các bạn khác. Chị đã đọc thông tin của em Chuẩn và em Học, chị muốn tạo điều kiện giúp đỡ các em khi các em học trên HN, Chị sẽ liên hệ với 2 em như thế nào?(Hằng, 28 tuổi, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội)

Bạn Nguyễn Đăng Chuẩn: Địa chỉ của em là: Nguyễn Đăng Chuẩn, thôn Thanh Tương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 11
Lê Thị Ngọc Anh và mẹ bà Dương Thị Thu Hà
Em rất khâm phục các anh chị. Bây giờ có quá nhiều thứ ảnh hưởng tới học tập ví dụ như chat chit, games online, vậy các anh chị cho em hỏi các anh chị có bị ảnh hưởng của những việc đó không, và nếu không thì các anh chị làm thế nào để tránh được? Em rất cảm ơn. (Hoàng Ngọc Nam, 17 tuổi, 12 A3 chuyên Vĩnh Phúc) 

Lê Thị Ngọc Anh: Mình cũng thỉnh thoảng chat với bạn bè nhưng không chơi games online. Mình thấy không bị ảnh hưởng nếu biết hạn chế vì chat cũng là một cách để giao lưu với bè bạn, Quan trọng là chúng ta sử dụng nó đúng mục đích.

Nguyễn Đăng Chuẩn: Mình không bị ảnh hưởng của những điều mà bạn nói ở trên vì điều kiện gia đình không cho phép. Để giải trí thì có thể có nhiều cách khác như chơi thể thao hoặc xem ti vi chứ không nhất thiết là phải chơi các trò chơi trên mạng.

Nguyễn Đức Học: Bất cứ ai đang tuổi học sinh nhất là những bạn học xa nhà như anh đều có rất nhiều những cám dỗ chứ không riêng gì chát chít hay gameonline.

Anh cũng có thỉnh thoảng chat cùng bạn bè nhưng để không bị ảnh hưởng bởi những thói quen xấu. Thời gian rảnh rỗi anh tham gia các hoạt động thể thao như đá bóng, đá cầu hoặc chạy bộ cùng bạn bè; ra thư viện học tập hoặc tham gia tích cực vào các hoạt động của lớp, của trường.

Em rất khâm phục các anh, chị, sang năm là em thi rồi, các anh chị có thể cho em vài lời khuyên để được kết quả tốt không ạ? (Hoàng Ngọc Nam, 17 tuổi, 11 A 4 chuyên Vĩnh Phúc) 

Lê Thị Ngọc Anh: Theo mình, bạn nên đặt ra cho mình mục đích cụ thể trong học tập. Bạn nên xác định khối thi càng sớm càng tốt để có thời gian chuẩn bị.

Mọi cái nên bắt nguồn từ kiến thức cơ bản nên trước hết phải nắm vững những kiến thức trong sách giáo khoa. Sau đó, bạn nên làm những bài toán nâng cao (theo từng chuyên đề). Thời gian tự học là rất quan trọng...

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 12
Nguyễn Đăng Chuẩn
Các bạn nghĩ sao khi người ta thường nói ở Việt Nam con nhà nghèo hay học giỏi còn con nhà giàu thì không? (Hà Ân, 29 tuổi, Quận Tân Phú TPHCM)

Lê Thị Ngọc Anh: Em không nghĩ là con nhà giàu thì không học giỏi. Thực tế, có rất nhiều bạn gia đình có điều kiện học rất giỏi. Quan trọng là do tự bản thân của từng người ý thức về việc học của mình như thế nào.

Nguyễn Đăng Chuẩn: Theo em nghĩ, câu nói đó không hoàn toàn đúng vì rõ ràng con nhà giàu có điều kiện học tập tốt hơn như có đó đầy đủ phương tiện học tập, có sự chăm sóc chu đáo của gia đình hơn.

Để dẫn đến sự khác biệt giữa kết qủa học tập của con nhà giàu và con nhà nghèo là do sự quản lý, giáo dục của gia đình và nhà trường. Cũng có nhiều trường hợp con nhà giàu có thành tích học tập cao, còn lại là do gia đình chưa quan tâm và giáo dục một cách đúng mức nên mới dẫn đến kết quả học tập không tốt.

Nguyễn Đức Học: Em được biết có rất nhiều bạn con nhà giàu nhưng học rất giỏi. Các bạn nhà nghèo chỉ có lợi thế hơn là sự quyết tâm học tập để giúp gia đình và bản thân thoát khỏi đói nghèo. Chính vì vậy, giàu nghèo không phải là yếu tố quyết định mà sự nỗ lực của bản thân mình sẽ quyết định phần lớn sự thành công.

Để đạt được thành tích như Chuẩn quả là đáng mơ ước và khâm phục. Anh xin hỏi em: Trong thành công hôm nay của em, ai là người tác động đến em nhiều nhất? (Nguyễn Gia Cường, 29 tuổi, Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh)

Nguyễn Đăng Chuẩn: Tác động đến em nhiều nhất là gia đình, đặc biệt là bố em. Từ nhỏ bố em đã gửi gắm những ước mơ và hy vọng ở em và bố em thường an ủi động viên em, giúp em có thể đạt được những kết quả như ngày hôm nay.

Chau da sap xep thoi gian hoc va choi the nao de viec hoc co ket qua ma khong bi stress? (Nguyen Tuong Vy, 46 tuổi, Ha Noi) 

Nguyễn Đăng Chuẩn: Cháu thường tham gia các hoạt động thể thao, ví dụ như: Buổi sáng dậy sớm chơi cầu lông, chạy bộ, đến chiều có thể xem phim, tối xem thời sự một chút trước khi vào học cũng là một trong những cách giúp giảm stress trong quá trình học.

Trong thời gian ôn thi, buổi sáng cháuôn Toán sau đó nghỉ ngơi trước khi chuyển sang ôn Lý hoặc Hóa. Những khi bận làm việc nhà thì có thể tái hiện lại những kiến thức mình đã học để nhớ được kỹ và chính xác hơn.

Nguyễn Đức Học: Ngoài thời gian học trên lớp thì cháu chỉ dành khoảng 4 đến 5 tiếng để học tập mỗi ngày chia đều cho cả chiều và tối. Chiều chiều cháu tham gia những chương trình thể thao như chạy bộ hoặc đá bóng.

Ngoài ra những lúc rảnh rỗi cháu vẫn hay đọc báo và những cuốn tiểu thuyết trinh thám hoặc chương hồi của Trung Quốc. Cháu nghĩ rằng đây cũng là sở thích chung của những người học tự nhiên.

Trước khi cháu thi ĐH cháu chỉ hơi căng thẳng chứ không quá lo lắng vì trường cháu cũng đã tổ chức nhiều kỳ thi thử đại học và cháu coi đây cũng giống như những kỳ thi thử của trường để giúp bản thân giảm stress.

Lê Thị Ngọc Anh: Cháu thường rảnh vào Chủ nhật. Cháu thường tranh thủ lên mạng đọc báo để biết thông tin. Cháu thường sử dụng trang www.google.com.vn để tìm kiếm những thông tin mình quan tâm.

Kết thúc buổi học ở trường, thỉnh thoảng, cháu và các bạn trong lớp thường rủ nhau đi chơi quanh Hồ Tây. Trong quá trình ôn thi đại học, cháu không bị áp lực là phải đỗ trường này, trường kia nên cảm thấy tương đối thoải mái.

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 13
Lê Thị Ngọc Anh
Các em có nhắn nhủ gì cho học sinh lớp sau không? (Hạ Vũ Anh, 34 tuổi, THPT Chuyên Vĩnh Phúc) 

Lê Thị Ngọc Anh: Theo em, không nên tự gây áp lực cho mình trong quá trình ôn thi. Quan trọng là phương pháp học và sự nỗ lực, cố gắng của bản thân.

Cac em co y dinh hoc them truong nao khac nua khong?( Pham Van Tuyen, 25 tuổi, Nghe An)

Nguyễn Đăng Chuẩn: Hiện tại thì em chưa có ý định học thêm trường nào. Khi có điều kiện hơn thì có thể em sẽ tham khảo và đi học thêm một trường nào khác chăng (cười).

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 14
Nguyễn Đăng Chuẩn
Đầu tiên cô xin bày tỏ sự khâm phục của cô đói với cháu Nguyễn Đăng Chuẩn. Cô rất muốn nhờ cháu Chuẩn khi ra Hà Nội học Đại học Bách khoa, đến giúp đỡ và truyền đạt kinh nghiệm học tập cho con trai cô năm nay học lớp chín. Vậy cháu có thể giúp đỡ được không? (Nguyễn Lan Anh, 53 tuổi, 15 Nguyễn Thượng Hiền)

Nguyễn Đăng Chuẩn: Cháu cảm ơn cô vì lời đề nghị trên. Tuy nhiên, hiện cháu chưa có dự tính cụ thể khi ra Hà Nội học. Khi thu xếp ổn định việc học và khi có dịp cháu sẽ liên hệ với cô. Cô cũng có thể liên hệ với cháu qua địa chỉ e-mail: nguyendangchuanbn@yahoo.com.

1.Theo anh, chi de hoc tot va dat ket qua cao tai ky thi vao dai hoc can trang bi cho minh nhung gi? 2.Ngoai gioi kien thuc de thi vao dai hoc anh, chi con gioi mon gi nua khong? (the duc the thao, am nhac,...) 3.Anh, chi nghi sao khi mot so ban co dieu kien hoc rat tot nhung ket qua thi rat thap; phai chang nhung nguoi do thieu nghi luc? (Tr­uong Huy Nam, 16 tuổi, TP Ha Tinh) 

Lê Thị Ngọc Anh: Những lúc rảnh rỗi, em thường hay nghe nhạc (Việt Nam) và sóng FM của Đài tiếng nói Việt Nam.

Còn với những bạn có kết quả thi chưa tốt, do không biết cụ thể nên em không dám đưa ra đánh giá. Nhưng theo em biết, có nhiều người gia đình khá giả có kết quả học tập rất tốt. Không phải ai có điều kiện học tốt đều có kết quả thi không tốt.

Nguyễn Đức Học: Theo anh để học tốt và đạt kết quả cao tại kỳ thi ĐH cần trang bị thật tốt những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và còn chuẩn bị cho mình một tinh thần vững vàng và gạt bỏ mọi lo lắng.

Trong lúc ôn thi anh gặp một câu hỏi Hóa quá khó. Anh đã mất khoảng 2 ngày mà vẫn không tìm được kết quả. Anh đã hỏi bạn anh và nhận được câu trả lời rất hay và ngắn gọn. Đây cũng là "hành trang" và những kiến thức để anh bước chân vào kỳ thi ĐH.

Ngoài những môn Toán - Lý - Hóa anh còn học khá môn Lịch sử. Anh không hiểu vì sao các bạn lại không thích môn này và đạt những điểm kém trong kỳ thi nhưng với anh môn Lịch sử rất thú vị và anh thu được rất nhiều nhưng kiến thức "cũ" và "mới" của hiện tại và tương lai nước Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới.

Theo em, vì sao con nhà giàu ngày nay lại không học giỏi ? Có phải họ đầy đủ quá nên mất động cơ học tập? (Việt Linh, 35 tuổi, Hà Nội)

Nguyễn Đăng Chuẩn: Em cho rằng có một số bạn con nhà giàu không học tập tốt như điều kiện mình có cũng có thể do các bạn có đầy đủ quá nên ỉ lại vào gia đình dẫn tới mất động cơ học tập.

Có thể các bạn đó có nhiều con đường để dẫn đến thành công nên xao nhãng học tập hoặc do điều kiện gia đình, xã hội ảnh hưởng đến họ dẫn tới việc học tập không được tốt.

Học giỏi để thoát nghèo ! ảnh 15
Nguyễn Đăng Chuẩn

Xin cảm ơn những câu trả lời của các em. Các em là tấm gương sáng trong lao động và học tập. Các em có thể có lời khuyên gì đối với thế hệ học sinh sau các em đang muốn tiếp bước noi gương các em?

Nếu có thể được các em cho biết suy nghĩ của mình khi ngày nay hiện tượng "quay cóp" đang phổ biến trong học sinh và suy nghĩ của em khi ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước đang thực hiện cuộc vận động "Hai không"? (Đặng Vũ Thắng, 35 tuổi, 66 Nghĩa Xá, Hải Phòng)

Nguyễn Đăng Chuẩn: Theo em đây là hiện tượng xấu có từ lâu mà ngành giáo dục cần khắc phục. Em nghĩ cuộc vận động "Hai không" là một chủ trương rất đúng đắn của ngành giáo dục. Điều quan trọng nhất là mỗi học sinh phải thấy rõ tác hại mang đến của việc quay cóp đó là dẫn đến kết quả học tập không thật. Đây có thể coi là hành động lừa dối chính bản thân mình.

Trong quá trình học của mình em tự dựa vào năng lực của bản thân. Những gì không biết có thể trao đổi với các bạn và hỏi thầy cô giáo, tránh trường hợp quay cóp khi làm bài.

Thưa bạn đọc, hiện còn rất nhiều các câu hỏi gửi tới 3 khách mời của chúng ta, song do thời gian có hạn nên chương trình giao lưu xin tạm dừng tại đây. Trân trọng cám ơn sự tham gia nhiệt tình của bạn đọc, xin hẹn gặp lại tại các buổi giao lưu trực tuyến lần sau.

Trước và trong buổi giao lưu trực tuyến, nhiều bạn đọc đã đề nghị giúp đỡ cho các thủ khoa nghèo. Bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp với 3 HS trên theo địa chỉ và email của họ (đã có tại phần trả lời giao lưu)

Mọi sự ủng hộ, đóng góp xin gửi về: Báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Điện thoại: 04.9431250.

Số tài khoản: 102010000017796 Ngân hàng Công thương Hai Bà Trưng - Hà Nội; Swift Code: ICBVUNVX 142.

Các văn phòng đại diện báo Tiền phong:

- Đà Nẵng: 19 Ngô Gia Tự, TP Đà Nẵng, ĐT: 0511.828039;

- TP.HCM: 384/54 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ĐT: 08.8484366.

- Tây Nguyên: 26 Trần Nhật Duật, TP Buôn Mê Thuật, Đăk Lăk, ĐT: 050.950029, 050. 953670.

- Đồng bằng sông Cửu Long: 46A, Quốc lộ 91B, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, ĐT: 071.823829.

MỚI - NÓNG