Học hết sức, chơi hết mình

Học hết sức, chơi hết mình
TP - Kết quả học tập thuộc hàng khủng, luôn thuộc nhóm dẫn đầu của lớp, trường và ẵm một loạt giải thưởng cả về hoạt động cộng đồng lẫn nghiên cứu khoa học nhưng họ chơi cũng không kém các SV khác.
Học hết sức, chơi hết mình ảnh 1
Những gương mặt giải thưởng Sao tháng Giêng. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đó là chân dung nhiều cán bộ Đoàn, Hội là sinh viên nhận giải thưởng “Sao tháng Giêng” năm học 2008-2009.

Học chủ động

Tìm gặp Bạch Thị Nhã Nam, SV năm cuối, Chủ tịch Hội SV trường Học viện Ngoại giao tại xóm trọ vào đúng dịp thi cuối kỳ. Nhiều SV cùng lớp Nam đang mải miết học thì Nam hí hoáy lướt mạng...đọc truyện tranh!

“Không phải mình không lo học để thi cho ngon lành mà mình học vào lúc mình thích thôi”- Nhã Nam nói.

“Những lúc thích” của Nam là khi giữa đêm thấy một đề tài thầy giảng trên lớp mình không hiểu thì bật dậy tìm hiểu cho tới sáng để “đi cho tới cùng vấn đề”.

Những ngày nghỉ khi bạn bè rủ nhau đi chơi hết thì Nam cặm cụi ở thư viện nghiên cứu một sự kiện ngoại giao đang diễn ra nóng hổi trên thế giới tuần qua. “Mỗi người có một cách học riêng, miễn sao phù hợp và có kết quả tốt nhất. Cách học của mình là phải chủ động, tự bơi để khỏi chìm” - Nam tâm sự.

Học tài tử nhưng kết quả học tập của Nam khiến nhiều người choáng. Điểm trung bình gần bốn năm học là 8,75 với một loạt thành tích khác: giải nhất hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng ủy Cơ quan Bộ Ngoại giao tổ chức năm 2008; đại diện sinh viên Việt Nam dự hội thảo quốc tế MODEL ASEAN được tổ chức tại Đại học Quốc gia Singapore năm 2007...

Không giống Nam, cô SV Lê Thị Yến, Bí thư Liên chi đoàn khoa Piano (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) lại có nguyên tắc học tập rất rõ ràng: một ngày phải luyện đàn đủ tám tiếng trừ giờ học trên giảng đường.

“Học nghiêm túc như thế nhưng không hiếm gặp “nghệ sĩ SV” (tên các bạn khác đặt cho Yến - PV) tung tăng đi shoping và học nhảy đều đặn các tối trong tuần.

Cũng chính từ việc đi nhảy, shopping, Yến lập được các nhóm học tập chung trong lớp luyện đàn thường xuyên để “bạn nào cũng có thể múa trên phím đàn”.

Theo học ngành nghệ thuật, ước mơ trở thành một nghệ sĩ tên tuổi, dù chưa thể gọi là thành danh nhưng thành tích của Yến cũng đáng tự hào: đạt giải Nhì cuộc thi Piano Chopin Đông Nam Á mở rộng tổ chức tại Malaysia năm 2008; giải Ba cuộc thi tài năng trẻ Piano “Concour Mùa thu 2007”; điểm học tập đạt 9,3.

Biết chơi để vượt qua mình

“Cao 1,8m, sức khoẻ tốt, tiếp thu kiến thức không đến nỗi tồi, sao mình lại trượt bộ môn bóng rổ cơ chứ? Không có lí do gì việc này lặp lại lần thứ hai”- Hoàng Quốc Huy, SV Đại học Y (Thái Nguyên) tự dằn vặt mình. Nói là làm, cứ 16g30 tối, Huy xin nhập với các nhóm SV chơi bóng rổ cùng trường.

Không những vượt qua kì thi lại môn bóng rổ, với cương vị Ủy viên BCH hội SV của trường, Huy đề nghị và đứng ra thành lập được một câu lạc bộ bóng rổ của ĐH Y Thái Nguyên tạo điều kiện cho SV chơi sau những giờ học.

Cán bộ Hội nhưng không hiếm gặp Huy lang thang đi uống trà đá những lúc rỗi hay sẵn sàng “phượt trên từng cây số” với các bạn trong ngày nghỉ. “Làm cán bộ nếu không chơi không hiểu chính mình và SV. Mình thấy cán bộ Đoàn, Hội cũng cần biết chơi để vượt qua chính mình” - Huy nói.

Ước mơ của Huy là sau khi tốt nghiệp sẽ đến những vùng sâu, vùng xa nơi người dân mình còn nhiều khó khăn để khám chữa bệnh cho những người nghèo. Đó là nơi người dân cần nhất những bác sĩ tâm huyết sống đúng với đạo đức của nghề”- Huy tâm sự.

Nên lập một “gia đình Sao tháng Giêng”

Chín năm qua, có hơn 1.500 cán bộ Đoàn, Hội nhận giải thưởng Sao tháng Giêng nhưng có bao nhiêu người còn có đóng góp cho phong trào HS - SV khi thôi công tác? Nếu tập hợp được một “gia đình Sao tháng Giêng” để thu hút những cán bộ giàu kinh nghiệm tham gia thì hiệu quả hoạt động Hội trong SV sẽ cao hơn nhiều.

Hồ Thị Bích Ngọc
(SV năm cuối khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí Tuyên truyền), gương mặt nhận giải thưởng “Sao tháng Giêng” năm học 2007 - 2008.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.