Học phí là học phí ơi!

Học phí là học phí ơi!
TP - Bài viết sau đây của một sinh viên ĐH Bách khoa. Mô tả sinh động một cuộc vật lộn để... nộp được học phí.
Học phí là học phí ơi! ảnh 1
Cảnh chen chúc chờ nộp tiền. Ảnh: bka.vn

Thế là sắp hết hạn đóng học phí rồi. Tôi mai phục ở C1 từ 12h30 hòng nộp sớm cho xong cái món nợ này. Án kỷ luật cảnh cáo mức 1 nếu không nộp học phí đúng hạn làm tôi lo lắng mấy hôm nay.

Quả thật ở một trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi chưa thấy việc nào nó lại gian khổ, đổ nhiều mồ hôi và độc hại như công việc nộp học phí.

Người ở đâu mà đông kín, xô đẩy nhau vào cái phòng con con tựa như người ta nhồi thịt xay ruốc vậy.

Rồi! Cửa phòng đã mở. Bao con mắt học trò chen lấn hướng về phía khuôn mặt khó đăm đăm của một chị. Được biết, chị này tên Linh.

Tôi cùng một gã học cùng lớp với nhau chen vào được tốp đầu tiên. Căn phòng xếp những dãy bàn hình chữ Z có góc vuông để ngăn cách người đến xin nộp tiền và người cho phép được nộp. Phải đứng chờ thôi.

Mỏi chân nhưng không ai dám ra ngoài vì sợ mất chỗ - cái chỗ đã phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ mới có. Người vào càng ngày càng đông, khoảng hơn trăm người đứng kín cả phần bên kia chữ Z. 10 phút rồi 20 phút trôi qua. Số tiền chờ giải quyết của tôi vẫn nằm chỏng chơ trên bàn.

Rồi một chị nữa tên Quyên bước vào. Tiếng vỗ tay râm ran cùng những tiếng hò hét thể hiện niềm sung sướng vô bờ của cả đám đông vang lên. Thì ra đây mới là người có trách nhiệm thu học phí cho lớp tôi. Tôi nhìn đồng hồ lúc này là hơn 2h.

Chờ mãi, chờ mãi xấp tiền của tôi vẫn chưa được giải quyết. Tôi định đi ra cho dễ thở một chút. Nhưng, bi kịch thay, cái phòng này có vào mà không có ra. Nhích ra một chút thì tôi bị mắc kẹt, bị các bộ phận quý hóa của bao con người cứ thi nhau ép vào khiến tôi thấy ngạt thở, hoảng hồn tôi lại chui vào. 

Chợt nhớ đến nhà văn Azit Nêxin từng viết: “Đôi khi người ta vô tình có thể giết người”, rồi lại nhớ đến cái nước Ảrập Xê-út có cái Thánh địa Mecca thần thánh kỳ diệu đến mức mà năm nào cũng có cả trăm người hành hương bỏ mạng vì chen lấn trên một chiếc cầu nọ.  Chị Linh thì vẫn luôn mồm gắt gỏng, khuôn mặt khó đăm đăm. Lúc đầu chị còn nhắc nhở, rồi sau kêu to, rồi quát, rồi gào lên: “Im hết mồm đi!”.

Vài anh nóng quá cởi hết áo rét ra còn độc mỗi cái áo cộc. Giá như không có 3 - 4 bạn nữ đứng đó thì không biết họ sẽ cởi mở đến thế nào. Thôi thì đủ mùi bốc lên ngào ngạt. Mỗi người vài mililít mồ hôi cùng góp lại để hòa tấu thành một giai điệu nồng nặc du dương.

“Tắt quạt đi! Không tắt tôi không thu nữa đâu” - giọng chị Linh lại vang lên, Chúa mới cứu được chúng tôi! Những luồng gió mát mẻ vừa mới ào tới lại vụt tắt như trêu ngươi những kẻ khốn khổ này.

Do sự chen lấn thái quá và bất đắc dĩ của đám đông, mấy chiếc bàn của chữ Z bị xô lệch vào trong, chị Linh lại quát tháo  chúng tôi: “Ngồi xuống! Ngồi hẳn xuống mà đẩy bàn về vạch cũ, không là tôi không thu nữa đâu”.

Thế là thời gian tù đày của tôi lại tăng thêm vài phút để dành cho việc kéo đẩy bàn ghế.  Đi nộp tiền mà khác nào đi xin? Không nhã nhặn là người ta năm lần bảy lượt dọa không nộp!

Khốn khổ cho cái thân tôi, do không chuẩn bị đủ học phí nên hôm nay tôi không được giải quyết. Là chỉ nghe người ta nói thế mà không làm sao len vào để mà trình bày, cũng chẳng biết số phận cái xấp tiền đó đã đi về đâu. Trong giấy báo nộp học phí, số tiền không khớp với số phải nộp ở đây.

Tuyệt vọng đứng trong tiến thoái lưỡng nan, tôi đành chịu mắc kẹt trong phòng mà không biết làm thế nào. Nỗi lo cho món tiền hai triệu của mình càng ngày càng lớn, ngộ nhỡ khi nó bị trả lại, có ai đó “tốt bụng” nhận hộ thì chắc một vài món đồ bất ly thân của tôi có thể phải an dưỡng ở tiệm cầm đồ.

Vừa nãy tôi cũng thấy náo loạn lên vì chị Quyên trả lại 100 nghìn đồng cho tên nào đó mà giờ không ai biết nó đang phiêu du trong túi của ai?

Ông anh gọi điện bảo tôi đưa cho chìa khóa nhà, tôi bảo đang chết dở ở đây, thế là anh tôi đành vào đây lấy. Thật bất ngờ về khả năng của anh tôi, anh len vào được tận chỗ tôi đứng. Quá kiệt sức, tôi nhờ cậy anh đưa nốt số tiền còn thiếu chen vào nộp giùm.

Vài người từ đâu đến giải quyết tình hình, gọi thêm bảo vệ, hứa hẹn sẽ thu cho tất cả đến bao giờ xong thì thôi chứ không phải là 3h30 như thường lệ và họ bắt đầu đuổi bớt một số sinh viên đi ra ngoài. Tôi được giải thoát, đi ra, phó mặc cho ông anh làm thế nào thì làm.

Ngoài trời mới đẹp đẽ làm sao, tự do muôn năm! Mãi rồi ông anh tôi cũng ra, tôi sung sướng cầm tờ giấy bé tẹo chứng nhận mình đã hoàn thành nhiệm vụ sinh viên một cách gian khổ và không kém phần bi tráng.

Tôi chỉ còn mấy lần phải nộp học phí như thế nữa là ra trường thôi mà. Nhưng, để đi nộp học phí, tôi đã phải bỏ mất cả buổi điểm danh môn quân sự, bạn bè tôi cũng vậy, đều phải dành từ 1 đến 3 tiếng đồng hồ, cũng phải bỏ học là cái chắc, mà không biết có thoát được cái nợ này. Xem ra tôi còn may chán!

Tại ĐH Bách khoa, sinh viên được đưa giấy báo số tiền phải đóng cách đây khoảng 1 tháng, nhưng nhà trường chỉ thu mỗi tuần 3 ngày với thời gian thu rất hạn chế. Với số lượng sinh viên quá đông (riêng khóa 52 - là khóa của tác giả bài viết - tính riêng đại học chính qui đã hơn 3.000 SV chưa kể cao đẳng) nhưng chỉ có 2 người thu ngân, gần như chắc chắn có sinh viên không thể nộp được học phí.

Trong khi đó, theo văn bản của Phòng Công tác Chính trị và Công tác Sinh viên (ĐH Bách khoa) ngày 28-8-2009, nếu không nộp kịp học phí, SV sẽ bị các mức kỷ luật: cảnh cáo, bị đình chỉ học tập một học kỳ hoặc bị buộc thôi học.

Trần Anh Tú
(Sinh viên lớp Tự động hóa 2, k52 (ĐH Bách khoa)

MỚI - NÓNG