Hỏi chuyện "lính" Liên Hợp Quốc

Hỏi chuyện "lính" Liên Hợp Quốc
Đoàn Thúy Diệp (Hà Nội) không giấu được niềm tự hào khi cô là một trong số ít người Việt Nam làm "lính" tình nguyện của Liên hợp Quốc…
Hỏi chuyện "lính" Liên Hợp Quốc ảnh 1
Đoàn Thúy Diệp (giữa) và các tình nguyện viên Liên hợp quốc. Ảnh: Thanh Niên

Bằng cách nào bạn trở thành "lính" Liên hợp quốc?

Từ khi còn là sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mình luôn ao ước một ngày nào đó sẽ trở thành "lính" tình nguyện của Liên hợp quốc. Mình sẵn sàng đến các vùng sâu vùng xa của những đất nước nghèo khó trên thế giới để sẻ chia và giúp đỡ những số phận bất hạnh.

Tốt nghiệp ra trường, mình thường xuyên lên mạng tìm kiếm thông tin về các chương trình tình nguyện.

Khi đọc được những thông tin về chương trình tình nguyện viên của Liên hợp quốc đang tuyển người giỏi về công nghệ thông tin, sẵn sàng làm việc tại bất kỳ nước nào trên thế giới, mình đã nộp hồ sơ xin xét tuyển.

Tất cả có 80 bộ hồ sơ từ Việt Nam được gửi tới người quản lý dự án. Các ứng viên phải trải qua 6 vòng kiểm tra kiến thức chuyên môn, tiếng Anh, hiểu biết chung và những suy nghĩ về tình nguyện viên...

Tiếp đó, thông tin về các ứng viên được gửi tới nhiều địa chỉ ở khắp trên thế giới và mình phải trải qua một cuộc phỏng vấn, kiểm tra trình độ. Cuối cùng, các ứng viên trải qua 2 lần trực tiếp phỏng vấn.

Về chuyên môn không có gì là khó khăn lắm nhưng nhiều người bị loại vì kém tiếng Anh. Mình may mắn là một trong 4 người vượt qua vòng thi cuối cùng.

Thi tuyển gắt gao, có phải "lính" Liên hợp quốc được nhận mức trợ cấp tương đối cao?

"Lính" tình nguyện Liên hợp quốc được chia thành 4 nhóm, gồm: tình nguyện viên chuyên gia, tình nguyện viên đại học, tình nguyện viên phối hợp và một vài trường hợp khác gọi là nhân viên xã hội. Các tình nguyện viên này được nhận các mức trợ cấp sinh hoạt, lưu trú... tùy theo họ thuộc nhóm nào.

Tình nguyện viên chuyên gia được nhận mức trợ cấp cao nhất, tiếp đó là tình nguyện viên đại học rồi đến các nhân viên xã hội. Tình nguyện viên phối hợp thì phải tự bỏ tiền túi cho việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt.

Tuy nhiên, mức trợ cấp cũng chỉ đủ để các tình nguyện viên trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Điều quan trọng nhất, các tình nguyện viên luôn ý thức rất rõ ràng về tinh thần tự nguyện cống hiến cho xã hội.

Dạy tiếng Anh và tin học cho các học viên đang cai nghiện ma túy tại trung tâm là một công việc không dễ dàng?

"Mức trợ cấp cũng chỉ đủ để các tình nguyện viên trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Điều quan trọng nhất, các tình nguyện viên luôn ý thức rất rõ ràng về tinh thần tự nguyện cống hiến cho xã hội" 

Đoàn Thúy Diệp

Hiện tại, nhóm của mình có 5 tình nguyện viên Liên hợp quốc: Một người là Việt kiều Mỹ, một người Canada, một bạn đến từ Phần Lan, mình và một bạn trẻ Việt Nam nữa, đang làm việc tại Trung tâm Giáo dục lao động số 2 Hà Nội.

Ngoài việc tổ chức dạy tin học, tiếng Anh cho học viên, cả nhóm còn đặt ra mục tiêu dài hơi là cố gắng làm thay đổi nhận thức và hành vi của họ theo chiều hướng tích cực.

Các học viên rất chăm chỉ nhưng họ gặp khó khăn trong việc học về mặt thời gian và môi trường quản lý tập trung. Tiếp xúc với các bạn học viên, mình cũng học thêm được nhiều điều.

Trước kia, mình nhìn họ như những người mang tội, làm khổ gia đình, bố mẹ và xã hội nhưng bây giờ mình nhận ra họ cũng là những người đáng thương. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, nỗi khổ riêng và quan trọng hơn đa số các học viên đều có quyết tâm cai nghiện để sớm trở về với cộng đồng.

Tiếp xúc với họ, nhìn lại bản thân rồi mình tự răn mình. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải nỗ lực vượt qua. Điều kiện sinh hoạt tại trung tâm còn nhiều khó khăn nhưng công việc tại đây giúp mình áp dụng những gì đã học trên giảng đường vào thực tế.

Làm việc với nhiều tình nguyện viên đến từ các nước trên thế giới, Diệp có thể phác họa vài nét về các "lính" Liên hợp quốc?

Họ đều là những người có sức khỏe, tài năng và khát vọng cống hiến. Tình nguyện viên Liên hợp quốc làm việc nhiệt tình và chăm chỉ, tác phong giản dị.

Điểm nổi bật nhất là họ tổ chức hoạt động tình nguyện rất chuyên nghiệp, sắp xếp công việc một cách khoa học: xây dựng bản mô tả công việc rất cụ thể, đầu tư tối đa công sức và trí tuệ để công việc tiến triển tốt, thường xuyên đánh giá những gì đã làm được và những gì chưa hoàn tất rồi đề ra phương án  thực hiện tốt hơn.

Bên cạnh đó, khi bắt tay làm việc gì đó, họ luôn đề cao tính cam kết trong công việc.

Theo Quang Duẩn
Thanh Niên

MỚI - NÓNG